PHÚC ÂM: Mc 6,1-6
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.”
(Mc 6,4)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co.
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến
nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng
dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : "Bởi đâu
ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta
làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con
bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị
em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?" Và họ vấp ngã
vì Người. 4
Đức Giê-su bảo họ : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương
mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." 5 Người đã
không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh
nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi
các làng chung quanh mà giảng dạy.
Suy niệm:
Bệnh
thành kiến
Thái độ khước từ
Chúa Giêsu của dân làng Nazareth xưa nhắc nhở chúng ta cần phải duyệt xét lại
thái độ sống đạo hôm nay.
Có những anh chị
em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những người vỗ ngực
xưng mình là đạo dòng, thì lại có đời sống đức tin hết sức là yếu kém. Phải chăng
“sống lâu lên lão
làng?”
Có những giáo
dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại
siêng năng chuyên chăm tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?”
Có những giáo
dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó lại xem thường
những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng tác xây dựng họ đạo
nhà. Phải chăng “gần
chùa gọi bụt bằng anh?”
Có những người
chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình thì chẳng
bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện, khấn xin. Phải
chăng “bụt nhà
không thiêng?”.
Nếu có những
thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe củ của dân
làng Nazareth xưa.
Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù
quáng không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến
làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy
cái hay cái tốt nơi anh em.
Sống Lời Chúa:
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta gạt bỏ
cái nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức tin, cái nhìn siêu nhiên:
cái nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ
đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện
diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội Thánh
có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con.
Lẽ sống:
Ngôn Ngữ Của
Tình Yêu
Có lẽ cái tên của
Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không
còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái
bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã
khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để
truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé
dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn
bỏ cuộc. Hy vọng
duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô
gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp
xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học, tốt
nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Cho người mù lòa
và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương
pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn
sách, cành cây, con chó, xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn
tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết
lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm trầm lấy cô bé hôn
lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời,
cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào
là Yêu Thương.
Ngôn
ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể.
Ánh mắt trìu mến,
những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất
cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy
sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất
cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai
người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn
hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài
bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch
sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.
Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những
hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.
Ðạo Kitô của chúng ta là Ðạo của Tình Yêu.
Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những
hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một
Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng
hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét