Phúc Âm : Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì
tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". (Lc13,3)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại
cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết,
khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng :
"Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi
hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ;
nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng
như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là
những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi
nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối,
thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này :
"Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái
mà không thấy, 7
nên bảo người làm vườn : 'Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà
không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?' 8 Nhưng người làm vườn đáp : 'Thưa
ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho
nó. 9
May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Suy
niệm:
Thương xót như Chúa Cha
Lòng
bao dung đối với anh chị em là một trong những điều kiện cần có để chúng ta được
đón nhận sự tha thứ của Chúa.
Cuộc
gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Môi-sen qua bụi gai cháy bừng là một sự kiện quan
trọng đánh dấu bước tiến triển của mạc khải. Quả vậy, đây là lần đầu tiên trong
lịch sử, Thiên Chúa tự giới thiệu danh của Ngài cho con người. Tuy vậy, nếu được
Thiên Chúa cho biết Ngài là “Đấng Tự Hữu”, thì ông Môisen cũng chẳng hiểu danh
xưng đó có ý nghĩa. Ông chỉ dễ dàng nhận ra Chúa khi Ngài liên hệ đến các tổ phụ,
tức là Abraham, Isaac, và Giacóp. Mối tương quan này cho thấy Thiên Chúa là Đấng
luôn đồng hành với lịch sử Do Thái, là dân riêng Ngài đã chọn. Danh Thiên Chúa
được kêu cầu cho các thế hệ tương lai, chính là danh xưng gắn liền với các Tổ
phụ của dân tộc thánh. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa đã làm cho Abraham,
Isaac và Giacóp, đã tạo nên tên gọi của Ngài.
Khi
tự mạc khải mình cho ông Môisen, Thiên Chúa tỏ cho ông thấy Ngài là Đấng thương
xót và quan tâm đến con người. Ngài đã nghe thấy tiếng kêu than khổ cực của người
Do Thái bị áp bức tại Ai Cập, và Ngài sẽ dùng ông Môisen để giải phóng họ, đưa
họ tới bến bờ của tự do. Đây cũng là một nét mới mẻ của Mạc khải: Thiên Chúa là
Chúa của tình thương, như mẹ hiền lắng nghe nỗi lòng của con cái, để che chở độ
trì.
Thiên
Chúa là Đấng giải phóng con người. Điều này được chứng minh trong suốt bề dày của
lịch sử cứu độ, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô. Người là vị thủ lãnh, giải phóng
loài người khỏi tội lỗi, ban cho họ được tự do và được hưởng ơn cứu độ.
Chúa
Giêsu cũng giải thoát con người khỏi những thành kiến, nhằm quy tội và lên án
người khác. Tin Mừng hôm nay cho thấy quan niệm hẹp hòi của những người đương
thời đối với những sự kiện xảy đến trong cuộc sống. Đối với Chúa Giêsu, những
gì xảy ra xung quanh chúng ta đều là những điểm báo mời gọi chúng ta ăn năn sám
hối và sửa mình để sống tốt hơn. “Ta bảo các ngươi: Nếu các ngươi không ăn năn
hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”. Lời mời gọi hối cải
mang tính cấp bách, và là một điều kiện cần thiết để tránh mọi tai họa. Hình ảnh cây vả đã
ba năm không sinh trái, vừa diễn tả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa vừa nói lên sự
lười biếng của con người. Thiên Chúa kỳ vọng nơi chúng ta hãy sinh nhiều hoa
trái là những nhân đức và những việc làm tốt đẹp, nhưng trong thực tế, chúng ta
không làm những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi ta. Mỗi chúng ta cần nhìn lại thực trạng
cuộc sống bản thân, để xem mình có sinh hoa trái trong đời hay không.
Mùa
Chay vừa giúp chúng ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình, vừa nhắc bảo chúng
ta hãy có cái nhìn bao dung đối với tha nhân, vì mỗi chúng ta đều là những tội
nhân đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đây cũng là mục đích của Năm Thánh
Lòng Thương Xót. Thiên Chúa yêu thương và bao dung tha thứ những tội lỗi của
chúng ta.
Ngài cũng mong muốn chúng ta hãy có lòng thương
xót đối với đồng loại. Lòng bao dung đối với anh chị em là một trong những điều
kiện cần có để chúng ta được đón nhận sự tha thứ của Chúa. Những ai sống khép
kín và dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, không thể đón nhận ơn tha thứ của
Chúa và như thế, họ sống trái ngược với giáo huấn của Ngài. Để sống tinh thần của
Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta quan tâm đến những người bị
bỏ rơi trong làng xóm và trong cộng đoàn, nhất là những người còn sống trong
“ngăn trở” hoặc vì lý do nào đó mà chưa hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội. Những
người này, nhiều khi là nạn nhân của những kỳ thị, bị xa lánh và khinh bỉ ngay
giữa những cộng đoàn Đức tin, trở nên lạc lõng lẻ loi đối với những sinh hoạt đạo
đức.
Thiên Chúa bao dung và
yêu thương mọi người, nhưng con người lại khắt khe và hẹp hòi trong cách đối xử
với nhau. Vì thế mà cuộc sống này vẫn còn tồn tại những thập giá và đau khổ.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy luôn thận trọng, lấy bài học của dân Do Thái
trong hành trình sa mạc làm gương, để khỏi gục ngã trước cám dỗ của kiêu ngạo
và dục vọng. Kể cả những ai nghĩ là mình đang đứng vững cũng phải coi chừng, vì
rất có thể họ bị vấp ngã một cách bất chợt (Bài đọc II).
Xin
Chúa giúp chúng ta có lòng thương xót như Chúa Cha, nhờ đó có tâm hồn mới nhờ
biết ăn năn sám hối, và có cái nhìn bao dung nhân hậu đối với những người xung
quanh.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám Mục Giáo
Phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã lãnh nhận muôn hồng ân phúc lộc của
Chúa, xin cho chúng con biết dùng thời giờ, của cải và khả năng để sinh lợi cho
đời sống thiêng liêng của chúng con và anh chị em. Chúng con dâng lời tạ ơn
Chúa tới muôn ngàn đời.
Lẽ sống:
Nụ Cười Của Bà Sarah
Kinh
thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất
xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng
thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải,
bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ
trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có
con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và
khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có
lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được
nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi
sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một
cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh
từ một người đã cười...
Cười,
cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm
tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn...
Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con
người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.
Thánh
Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả
lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha
sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như
một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc
quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều
được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng
để ca hát..."
Thánh
Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để
cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm
rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề
phản bội một ai...
Một
vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi
hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa
Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn
thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm
vui.
Cuộc sống dù có trăm
nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho
tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc,
nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người
con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống,
hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng
tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt,
thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết
của Ðức Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét