Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Bảy 06.02.2016 sau Chúa nhật IV Thường Niên.

Thánh Phaolo Miki và các bạn tử đạo – Lễ nhớ

PHÚC ÂM: Mc 6,30-34
"Họ như đàn chiên không người chăn". (Mc 6,34)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co.
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm:
Về lại bên Chúa và nghỉ ngơi

Cơ thể con người cần theo một nhịp điệu cố định: lao động miệt mài rồi nghỉ ngơi, thư giãn. Mải mê làm việc mà không nghỉ ngơi sẽ sớm bị kiệt sức: đã có những người Nhật gục chết trên bàn giấy vì làm việc quá độ. Trái lại, chỉ biết thư giãn, rong chơi mà không làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đời mình trở nên vô nghĩa. 
Trong đời sống thiêng liêng, người môn đệ Chúa Ki-tô cũng có một nhịp điệu nền tảng: ở với Chúa va được sai đi, rồi về lại bên Chúa và nghỉ ngơi. Nhịp điệu ấy được chính Thầy Giêsu truyền lại cho các môn đệ khi các ông qui tụ quanh Ngài để tường trình chuyến thực tập truyền giáo thành công. Đó cũng là một nhịp điệu theo vòng tròn đồng tâm, vì trung tâm và động lực của mọi sinh hoạt đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô.
Trước hết chúng ta luôn ý thức, Đức Giêsu Kitô là trung gian tuyệt vời để dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa Cha. Vì vậy, việc thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa phải qua trung gian Đức Kitô như tác giả bài đọc một diễn tả: ‘Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh’ (Dt 13,15). Việc thờ phượng cần biểu lộ qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ của cộng đoàn cũng như cá nhân.
Ngoài ra, chủ chăn giúp con người có cơ hội đến với Thiên Chúa qua việc bác ái: ‘Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế’ (Dt 13,16). Để mọi người có thể đến gần Thiên Chúa, các tín hữu biết vâng lời chủ chiên dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần: ‘Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa’ (Dt 13,17).
Tiếp đến chúng ta phải thi hành thánh ý Thiên Chúa qua lời của Ngài, qua các Tiên tri và giáo huấn của Giáo Hội. Tại sao phải thi hành thánh ý Ngài? Bởi vì, đây là con đường dẫn đưa chúng ta đến với hạnh phúc thật. Đức Kitô là người thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong mọi sự, kể cả cái chết để đưa chúng ta đến cuộc sống muôn đời: ‘Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu’ (Dt 13,21).


Sống Lời Chúa:
Cuối một ngày, cuối một tháng, ngày cuối năm là cơ hội thuận tiện tôi dành ít thời gian nhìn lại, lượng giá hoạt động của mình và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tìm về lại bên Chúa những lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh giúp con bước tiếp hành trình sứ mạng.

Lẽ sống:
Hướng Về Nagasaki

Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào năm1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.
Vào năm 1617, 26 vị này được phong Á Thánh và cuối cùng được tôn phong Hiển Thánh vào năm 1862.
"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái".
Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật.
Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.
Ước gì sự xác tin, lòng can đảm va sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét