PHÚC ÂM: Lc 4,24-30
Mọi người trong hội đường phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi
thành... để xô Người xuống vực. (Lc 4,28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
24 Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các
ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay
: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói
kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến
giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền
Xi-đôn. 27
Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước
Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ
Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy
phẫn nộ. 29
Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người
lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy niệm:
Đời sống đức tin thật
Trong cuốn phim
Mỹ do tài tử Marcel Marso thủ diễn có kể câu chuyện sau: Một thanh niên đang
lim dim đôi mắt tận hưởng ánh nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Nhưng bỗng
nhiên niềm vui của anh bị quấy rầy do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó sủa,
tiếng chim hót, tiếng người qua lại. Mỗi tiếng động đều có nguyên do và niềm
vui riêng của nó, nhưng đối với chàng, tất cả đều trở thành cực hình. Để chống
lại sự phiền nhiễu ấy, anh xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi
tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây. Cứ như thế bức tường lớn cao dần,
cho đến lúc ngăn cản được hết mọi tiếng động, thì bức tường cũng che mất ánh nắng
tuyệt vời, bức tường trở thành chiếc mộ khổng lồ giam hãm anh trong đó.
Dân Do Thái cũng
đã được tắm gội ánh sáng. Đó là niềm tin được trao ban từ Tổ phụ Abraham. Tuy
nhiên, vì tự mãn, ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên.
Không chịu mở lòng đón nhận khiến niềm tin của họ trở nên khô cằn mất sức sống.
Xây lên bức tường để bảo vệ mình hoá ra lại tự hại chính mình.
Chúa Giêsu đã chỉ
trích thái độ đó trong bài Tin mừng hôm nay. Người Do Thái trong Hội đường
Nazaret đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của
họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng
kỳ thực nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã sao chép nguyên bản việc làm ấy.
Tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin nhưng niềm tin trong chúng ta chỉ
còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Đó là
thứ niềm tin mà tác giả cuốn sách “Đường Hy Vọng” đã nhắc nhở: “Nhiều người nói
tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức
tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức
tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái,
trung thành”.
Tự mãn với chính
mình mà không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái đã mất đi Chúa Giêsu –nền
tảng của niềm tin. Cũng vậy, nếu Kitô hữu chỉ đóng khung trong một nghi thức,
luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không
phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoà không lưu chuyển,
hệ thần kinh không vận động. Đời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao
đổi với Thiên Chúa và với anh em. Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là
chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương, Chúa không phải là Đấng
bắt con người ta phải kính mến, nói đúng hơn Thiên Chúa là Đấng mà con người phải
để cho Ngài yêu thương vô hạn. Tin là chấp nhận Đức Kitô và quyết tâm sống chết
cho Ngài.
Trong Mùa Chay này, xin cho chúng ta biết
trở về, trở về trước hết trên căn bản của một đức tin không co cụm trong lý
thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng đón nhận để tìm được ý nghĩa đích
thực của đời sống đức tin.
Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta
hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần
tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng
anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh
em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến
thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ
của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất
ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến mọi người. Nhất là
những người cùng sống và làm việc trên quê hương với chúng con.
Lẽ sống:
Từ Hiển Dung Đến Thập Giá
Đức Kitô đánh dấu
sự hoàn thành của mạc khải: chính nơi Người, Thiên Chúa đã tự tỏ hiện hoàn
toàn. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu với con người.
Tuy nhiên, sự
hoàn thành của giao ước đã không xảy ra trên núi Ta-bo, dù cho các tông đồ đã ước
muốn được ở lại trên đó và dựng ba lều: một cho Đức Kitô, một cho Mô-sê và một
cho Ê-li-a (Lc 9,33). Núi Ta-bo chỉ là nơi mà sự hoàn thành của giao ước được
cô đọng lại nơi con người và sứ mạng của Đức Kitô trong tư cách là Con Thiên
Chúa. Nơi mà giao ước được hoàn thành không phải là núi Hiển Dung mà chính là
núi Can-vê. Trên núi Can-vê, Đức Kitô sẽ được tôn vinh qua sự tự hạ đến tận
cùng trước mặt Thiên Chúa và loài người.
Thiên Chúa – Đấng
thiết lập giao ước với Abraham – giờ đây tự tỏ hiện hoàn toàn trong sự hi sinh
tận cùng. Con cháu của Abraham – được sinh ra trong đức tin – sẽ được thâu họp
bằng lời và bằng sức mạnh của giao ước được đóng ấn với máu Con Chiên Thiên
Chúa. Giao ước này sẽ tồn tại đến tận cùng thời gian.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội hướng dẫn chúng
ta tiến lên núi Hiển Dung và sửa soạn cho chúng ta đi tới núi Khổ Nạn. Thật vậy,
chính cuộc khổ nạn của Đức Kitô là nơi mà cuộc hiển dung phải tìm thấy sự hoàn
thành của nó.
Vâng, Thiên Chúa – Đấng luôn trung thành với
giao ước của Ngài – mời gọi tất cả chúng ta tiến tới với Khổ Nạn Thập Giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét