Phúc Âm : Lc 4,1-13
“Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa
và chịu cám dỗ”. (Lc 4,2)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ
sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi
trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả,
và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Bấy giờ, quỷ nói với Người :
"Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !" 4 Nhưng
Đức Giê-su đáp lại : "Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ
cơm bánh."
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao,
và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó
nói với Người : "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc
của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ
ý. 7
Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." 8 Đức Giê-su đáp lại : "Đã có lời
chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ
phượng một mình Người mà thôi."
9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến
Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : "Nếu ông
là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! 10 Vì đã có lời chép rằng : Thiên
Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.
11
Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào
đá." 12
Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại : "Đã có lời rằng : Ngươi chớ thử thách Đức
Chúa là Thiên Chúa của ngươi." 13 Sau
khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Suy
niệm:
CẨN TRỌNG TRƯỚC CÁC CƠN CÁM DỖ
Trong
hành trình tin và theo Chúa, hẳn mỗi người đều có kinh nghiệm về cám dỗ và thử
thách. Có những cám dỗ không đáng kể, nhưng cũng có những thử thách chẳng đơn
giản chút nào! Trước những thử thách và cám dỗ, có người coi là bình thường, lại
có người cho là cam go, có người đứng vững, có người lung lay và có người ngã gục.
Tại
sao lại có nhiều tâm trạng và thái độ cũng như kết cục như vậy? Thưa! Rất đơn
giản, đó là khi thử thách và cám dỗ xảy đến, ta nhìn nó dưới khía cạnh nào, nhất
là ta chiến đấu với ai và chiến đấu như thế nào?
Để
hiểu rõ hơn về các hình thức cám dỗ cũng như cách chiến đấu trước thử thách, CHÚNG TA SẼ LẦN LƯỢT ĐI TỪ CÁM DỖ CỦA DÂN ISRAEL ĐẾN ĐỨC
GIÊSU VÀ SAU CÙNG LÀ CHÚNG TA. Qua đó rút ra cho mình bài học để sống
trong Mùa Chay Thánh này.
1. CÁM DỖ CỦA DÂN ISRAEL
Trong
thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng, và đã yêu thương,
bao bọc, trở che, nhất là đã dẫn họ ra khỏi Aicập, đưa vào Đất Hứa. Tuy nhiên,
trên hành trình đó, họ đã gặp phải không ít khó khăn, thử thách, khiến dân
không còn trung thành với Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa nữa.
Vì
thế, họ đã vấp phải những cám dỗ:
THỨ
NHẤT, CÁM DỖ VỀ NHU CẦU THÂN XÁC. Thiên Chúa đã yêu thương, nuôi dân bằng Manna
và chim cút, thế nhưng, họ đã không cảm nghiệm được tình thương, ngược lại, đã
tiếc nuối “củ hành, củ tỏi” bên Aicập, để rồi phàn nàn trách móc Thiên Chúa.
THỨ
HAI, khi Môsê lên núi để gặp Chúa lâu giờ, dân sốt ruột, nóng lòng, nên ở dưới,
họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng việc đề nghị Aharon cho đúc bò vàng để tôn
thờ thay Thiên Chúa. Đây là cơn CÁM DỖ THỜ NGẪU TƯỢNG.
THỨ
BA, trải qua hành trình sa mạc, dân phàn nàn, trách móc, thách thức Thiên Chúa
và đòi Người phải thi hành theo ý họ. Đây là cơn CÁM DỖ VỀ SỰ KIÊU NGẠO.
Tất
cả những cám dỗ đó, dân Israel đều ngã ngục vì lý do: không nhớ đến tình thương của Thiên Chúa và
không biết phó thác nơi Người.
2. CÁM DỖ CỦA ĐỨC GIÊSU
Nếu
dân Israel cũ đã ngã gục trước cả ba loại hình cám dỗ, thì Đức Giêsu, vị thủ
lãnh của dân Israel mới, Ngài cũng từng trải qua ba cơn cám dỗ tương tự, tuy
nhiên, Ngài đã chiến thắng hoàn toàn.
Kinh
Thánh kể lại: sau khi Đức Giêsu đã trải qua hành trình dài 40 đêm ngày chay tịnh
trong sa mạc, ma quỷ đã lợi dụng đúng lúc cao điểm này để tấn công Đức Giêsu.
Cơn
cám dỗ thứ nhất: khi chúng phát hiện thấy Đức Giêsu đói, nó đã tiến lại và lên
tiếng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh
đi” (Lc 4,3).
Khi
cám dỗ Đức Giêsu thỏa mãn cơn đói như vậy, ma quỷ muốn đánh vào các đam mê lạc
thú để thỏa mãn nhu cầu thân xác. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chiến thắng bằng việc
tuyên bố: “Đã có lời chép rằng: ‘người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh’” (Lc
4,4).
Sang
cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đánh vào tâm lý ham hố danh vọng, nhất là nó khơi gợi
quyền lực, háo thắng. Vì thế, chúng đã nói với Đức Giêsu: “Nếu ông bái lạy tôi
thì tất cả các nước thiên hạ sẽ thuộc về ông” (x. Lc 4, 7).
Tuy
nhiên, như lần đầu, Đức Giêsu cũng đã chiến thắng và khẳng định rằng: Ngài chỉ
lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa (x. Lc 1,32b), vì thế, không có lý do gì khác
khiến Ngài tôn thờ chúng (x. Lc 4,8; Đnl 6,13).
Cơn
cám dỗ sau cùng, ma quỷ khơi gợi sự kiêu ngạo bằng việc thách thức Đức Giêsu
thi thố quyền năng để gieo mình từ nóc đền thờ xuống (x. Lc 4,10). Qua cơn cám
dỗ này, chúng muốn Đức Giêsu đi vào vết xe đổ của hắn, của Tổ tông và của dân
Israel xưa kia!
Tuy
nhiên, lần cuối cùng này, chúng cũng thất bại trước phản ứng của Đức Giêsu:
“Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12; x. Đnl 6,16).
Lý
do Đức Giêsu chiến thắng cả ba cơn cám dỗ trên, ấy là vì Ngài đã đặt trọng tâm Thiên Chúa vào trong cuộc sống
của Ngài. Vì thế, sự chiến thắng của Ngài là chiến thắng trong và nhờ Thiên
Chúa.
3. CÁM DỖ CỦA CHÚNG TA
Những
cơn cám dỗ của dân Israel, rồi đến Đức Giêsu sẽ mãi mãi là chiêu thức ma quỷ đặt
ra cho chúng ta.
Trước
tiên, về nhu cầu thân xác: khi hắn thấy việc ăn uống của con người là điều kiện
không thể thiếu nếu muốn tồn tại. Vì thế, chúng luôn tấn công ta bằng thái độ:
“Sống để ăn chứ không phải ăn để sống!” Nó cũng thường xuyên cám dỗ ta về nhu cầu
xác thịt, ăn chơi đàn điếm để thỏa mãn bản năng.... Nhiều người đã mắc phải cạm
bẫy này, nên: “Cực lạc sinh bi ai”.
Thứ
đến, đó là cơn cám dỗ về lợi lộc: là con người, ai lại chẳng thích được sung
túc, lợi lộc, danh vọng, quyền lực... Hiểu được tâm lý đó, nên chúng luôn tìm
cách đánh vào huyệt trọng yếu của ta. Trước cám dỗ này, nhiều người đã nhắm mắt,
bán linh hồn và trở thành nô lệ cho chúng, vì thế, không lạ gì khi có quá nhiều
người chỉ vì một chút lợi lộc thức thời, mau qua, chóng hết mà đã chấp nhận bán
rẻ lương tâm, trà đạp người khác, sống trên mồ hôi, xương máu của anh chị em
mình.
Cơn
cám dỗ cuối cùng, ma quỷ đánh vào tính kiêu ngạo của chúng ta. Thật thế, lòng
tham sân si, háo danh, muốn hơn người là cái đích mà nhiều người nhắm tới. Vì
thế, ta thấy có nhiều người chấp nhận ăn mày tiếng khen. Biết được tâm lý đó,
nên ma quỷ thường xuyên tung ngón đòn thâm hiểm, độc địa này để dụ dỗ chúng ta,
bởi vì kiêu ngạo, háo danh là con đẻ của chúng.
4. SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
Như
những gì đã tìm hiểu ở trên, chúng ta thấy: con người là đối tượng để ma quỷ
cám dỗ. Vì thế, lời tiên báo của Đức Giêsu cho Phêrô đáng để chúng ta cảnh
giác: “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”
(Lc 22,31). Rồi từ chính kinh nghiệm cá nhân, thánh nhân nhắc nhở: “Anh em hãy
sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét,
rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).
Như
vậy, cám dỗ là nghề của ma quỷ, vì thế, mọi cơn cám dỗ dù lớn hay nhỏ, dù lâu
hay mau, nó đều đi đến mục đích cuối cùng là làm sao cho con người phạm tội.
Đứng
trước các cơn cám dỗ, chúng ta không được phép coi nhẹ hay giám khinh! Nhưng
như Đức Giêsu, chúng ta hãy lấy đức khiêm nhường làm nền tảng, lấy sự hy sinh
làm sức sống và lấy Lời Chúa làm võ khí. Như thế, ta mới hy vọng chiến thắng (x. Pl 4,13).
Lạy
Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đã chiến đấu và đã chiến thắng cạm bẫy của Xatan. Xin
cho chúng con biết noi gương Chúa để đối chọi với những cám dỗ trong đời sống
thường ngày của mình.
Jos. Vinc. Ngọc
Biển
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không thể tránh mọi cơn cám dỗ đang bủa
vây chung quanh. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi
mọi sự dữ.
Lẽ sống:
Hạt
Thóc Dâng Tặng Ðức Vua
Có
lẽ chúng ta đã có dịp đọc bài thơ sau đây của đại thi hào Tagore: "Có một
người hành khất ngồi bên vệ đường. Hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng.
Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: "Ðây là
dịp may duy nhất đời tôi". Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh
đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người,
khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là
người đưa tay ra để xin hành khất bố thí.
Người
hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt
thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món
quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.
Chiều
đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay,
giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành
khất mới khốc nức nở hối tiếc: "Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì
ta có..."
Thiên Chúa đối xử với
chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban
cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người con một của Ngài là Ðức
Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự
Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta,
qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến
với từng người chúng ta như một người hành khất. Chúng ta tưởng chúng ta đang
chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để
xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo
hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục
tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng
cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn,
kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ
rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người
anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống,
một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp nga: đó là những hạt thóc bé nhỏ
mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho
tàng Yêu Thương của Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét