PHÚC ÂM: Lc 15,1-3.11-32
"Em con đã chết nay sống lại". (Lc
15,32)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi
đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh
sư bèn xầm xì với nhau : "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với
chúng." 3
Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp : "Một người
kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : 'Thưa cha, xin
cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con.
13 Ít
ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống
phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch,
thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh
túng thiếu, 15
nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng
chăn heo. 16
Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy
giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được
cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha
và thưa với người : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng
còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' 20 Thế rồi
anh ta đứng lên đi về cùng cha.
"Anh ta còn
ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ
anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : 'Thưa cha, con thật
đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' 22 Nhưng
người cha liền bảo các đầy tớ rằng : 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ
nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng
ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất
mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở
ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền
gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : 'Em cậu đã về,
và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' 28 Người
anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu
trả lời cha : 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào
trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với
bạn bè. 30
Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay
trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !'
31 "Nhưng người cha nói với anh ta :
'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng
chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất
mà nay lại tìm thấy.'"
Suy niệm:
Thiên Chúa không ngừng tìm
kiếm con người
Có một người đàn
ông nọ khao khát đi tìm gặp gỡ Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc
thánh hiền, ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa.
Ngày nọ, ông đến ngồi thơ thẩn bên một dòng sông nhìn dòng nước trôi lững lờ,
ông nhìn thấy một con vịt mẹ và một đàn con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch
muốn rời mẹ để ra đi kiếm ăn riêng. Ðể tìm con này đến con nọ, vịt mẹ phải lặn
lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay thất vọng. Nhìn thấy cảnh vịt
mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê
hương. Ông chợt khám phá ra một chân lý và ông thốt lên: Tôi đã đi tìm Chúa
và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đang đi tìm tôi.
Con vịt mẹ không
ngừng đi tìm kiếm con của mình, đó là hình ảnh nói lên chính tình yêu của Thiên
Chúa. Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm con người. Qua bài dụ ngôn "người
con hoang đàng" quen thuộc mà chúng ta có dịp lắng nghe trong Mùa Chay
này, Chúa Giêsu cũng mạc khải cho chúng ta tình yêu cao vời ấy của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tạo dựng
cho chúng ta có tự do. Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta như một con người
trưởng thành. Ðó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói lên qua hình ảnh một người cha
không muốn khăng khăng giữ lấy đứa con, mà trái lại chia gia tài cho nó, để nó
được tự do sử dụng tất cả những gì thuộc về nó. Mà dẫu cho người con có lên đường
đi tạo lập một cuộc sống riêng tư, người cha vẫn không ngừng ngóng trông, theo
dõi và chờ đợi đứa con. Ông khắc khoải từng giây từng phút. Ngày ngày ông ra
trước ngõ để ngóng trông. Và khi người con vừa xuất hiện từ đằng xa, người cha
đã chạy đến ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để, rồi ông lại sai gia nhân mặc áo
đẹp cho cậu con, xỏ nhẫn, đeo giày cho cậu và mở tiệc ăn mừng. Có lẽ trong văn
chương nhân loại từ cổ chí kim chưa có một áng văn nào đẹp cho bằng hình ảnh
trên đây. Thiên
Chúa yêu thương đến độ tìm kiếm, ngóng trông con người từng giây từng phút,
Thiên Chúa yêu thương đến độ sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi phạm của con người, để
phục hồi nó hoàn toàn trong thân phận cao quý của một con người.
Ðó là tất cả Tin
Mừng của Kitô giáo. Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả chân lý ấy bằng câu nói:
"Thiên Chúa là tình yêu". Thiên Chúa
không mong gì hơn nơi con người, là con người nhận biết được tình yêu ấy. Không
gì xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng khi con người khước từ tình yêu của Ngài.
Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng trở về, nhưng điểm
nhắm của Người lại là người con cả, hiện thân của những người biệt phái. Ðây là
hạng người tự cho mình là những kẻ yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn của
Ngài, nhưng kỳ thực họ lại tỏ ra lời phát biểu của người anh cả trong bài dụ
ngôn. Anh ta nói: "Ðã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, vậy
mà không bao giờ cha cho con riêng một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn
thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm
nay trở về, thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Quả thật,
những người biệt
phái tuân giữ không sai chạy tất cả mọi luật lệ của Chúa, nhưng họ chỉ tuân giữ
lề luật trong tinh thần sợ sệt cứng ngắt và giả hình, bởi vì họ không cảm nhận
được tình yêu của Thiên Chúa. Và bởi vì không cảm nhận được tha nhân
là người anh em ruột thịt của mình. Khước từ Thiên Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình.
Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ
tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai
giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta
không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.
Mùa Chay qua bí
tích hòa giải, Giáo Hội mời gọi chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc tình yêu vô
bờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn dang rộng cánh tay để ôm ấp, để vỗ về và tha
thứ cho chúng ta. Và tình yêu vô bờ của Người Cha ấy chờ đợi gì nơi chúng ta
hơn là chúng ta biết nhìn ra nơi tha nhân, người anh em của chúng ta, để chúng
ta cũng yêu mến và tha thứ không ngừng.
Nguyện xin Ðấng
đã chết để mạc khải cho chúng ta bộ mặt tình yêu của Chúa, giúp chúng ta biết
đón nhận tình yêu ấy trong từng giây phút của cuộc sống và san sẻ tình yêu ấy với
mọi người anh em chúng ta.
Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa:
Khước từ Thiên
Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của
Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng
hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng
ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha
nhân.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sám hối trở về là điều kiện để được
sống trong niềm vui. Xin cho chúng con trong Mùa Chay này dứt khoát đứng lên trở
về với Chúa là Cha đầy tình thương và tha thứ.
Lẽ sống:
Ðám đông dưới chân thập giá
Một trong những
bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ
17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu
hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của
Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông
mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không
trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám
đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng
một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn
mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng
sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn
mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự
hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính
ông.
Rembrandt muốn thú nhận
rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá.
Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức
tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết
của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La
Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ
trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài
vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo
Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì
cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta
không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn
đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy
mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên
xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của
chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay,
cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả
hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta
đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau
khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh
Chúa Giêsu vào thập giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét