PHÚC ÂM: Lc 5,27-32
"Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người
tội lỗi sám hối ăn năn". (Lc 5,32)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy
một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông :
"Anh hãy theo tôi !" 28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.
29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại
nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30 Những
người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ
Đức Giê-su rằng : "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi
?" 31
Đức Giê-su đáp lại họ rằng : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người
đau ốm mới cần. 32
Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối
ăn năn."
Suy niệm:
Tin mừng
của lòng thương xót
Vua thánh Louis
IX của Pháp nổi tiếng là khôn ngoan, ứng biến tài tình. Có một nông dân nọ được
mùa củ cải. Để đánh dấu thành công, ông chọn củ cải lớn nhất trong vụ mùa và đem
dâng kính Đức vua. Ông đến cung điện và xếp vào hàng những người ngày ngày đến
dâng tặng vật cho đức vua. Ai cũng mang đến một lễ vật cao quí và cũng chuẩn bị
xin vua một đặc ân. Người nông dân nghèo trái lại chỉ có một tâm tình duy nhất,
là nói lên niềm vui được trung mùa của mình. Mọi người không ngờ rằng đây là tặng
vật đã làm vua hài lòng nhất. Nhà vua sai các cận vệ đem đến một cái cân và
truyền lệnh hãy cân số lượng vào bằng củ cải này và trao cho người nông dân.
Hành động này của vua đã khơi dậy lòng ham muốn của các đình thần. Một tuần
sau, một nịnh thần giầu có lựa con ngựa đẹp nhất đem tặng vua với hy vọng được
tưởng thưởng. Thế nhưng, khi đón nhận con ngựa, nhà vua cám ơn và truyền cho
các cận vệ: “Các khanh hãy mang tặng người này một củ cải, đó là phần thưởng
dành cho những người suốt ngày chỉ biết nói những lời xua nịnh và chờ chực đặc
ân”.
Giai đoạn trên đây
có thể gợi lại cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bé mọn,
nghèo hèn, đĩ điếm, thu thuế, nói chung những người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Ngài kết thân với họ, đồng bàn với họ, và tuyên bố họ là những người vào Nước
Trời trước những kẻ tự xưng là công chính. Những con người nghèo khổ ấy là một
thể hiện cụ thể của mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài giảng
trên núi: “Phúc
cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng được loan bao cho những
người nghèo, hay đúng hơn chỉ người nghèo mới có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận
Tin mừng.
Tin mừng của
Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng thương xót: chỉ khi nào con người nhận thức được
thân phận nghèo hèn tội lỗi cảu mình, con người mới thấy được tình thương bao
dung hải hà của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng
càng dồi dào”. Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng tin tưởng
phó thác: có thấy được nỗi bất toàn của mình, con người mới cảm nhận được sức mạnh
nâng đỡ của Chúa. Tin mừng của Chúa là Tin mừng của an bình, hạnh phúc: có dốc
cạn những ham muốn ích kỷ và những sức mạnh của danh vọng, có trở nên thực sự
trống rỗng, thanh thoát, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy và tìm được
hạnh phúc bình an đích thực.
Giữa những bôn
ba tìm kiếm của cuộc sống, xin cho chúng ta luôn đặt Chúa vào chỗ nhất. Cho dù
phải đánh mất tất cả, xin cho chúng ta luôn tin rằng chúng ta đang có tất cả và
được Chúa làm gia nghiệp duy nhất.
Sống Lời Chúa:
Chúa Giêsu đã
nói: “Người khỏe
mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Lc 5,31). Và Chúa đã
nói rõ quan điểm của Ngài: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người
tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
Biết được tình
thương của Chúa, chúng ta còn chần chờ gì mà không quay về với Chúa? Chúa nói với mỗi người : “Hãy trở về với
Ta”.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con cũng biết bắt chước Chúa để có cái nhìn khoan dung với
mọi người. Biết cảm thông và chia sẻ với những yếu đuối của những người xung
quanh, và biết nâng đỡ nhau để cùng nhau tiến đến với Chúa là Đấng giàu lòng thương
xót.
Lẽ sống:
Mang Tên Một Vị
Thánh
Hiện nay, những
người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp
nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên
mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu
đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô
thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội
đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa
phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt
là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. những người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại
cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của
mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.
Tại cộng hòa
Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng
của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của
các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập.
Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên
cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức
Maria.
Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng
đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là
tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để
nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh.
Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện
của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện
của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người
Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng
bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện.
Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu
nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm
lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi
để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự
thánh thiện của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét