Phúc Âm : Lc 5,1-11
“Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu”.
(Lc 5,11)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ
Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người
thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi
thuyền và đang giặt lưới. 3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của
ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống,
và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn :
"Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." 5 Ông Si-môn đáp : "Thưa Thầy,
chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi
sẽ thả lưới." 6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến
nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền
kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến
gần chìm.
8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt
dưới chân Đức Giê-su và nói : "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội
lỗi !" 9
Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó
với ông đều kinh ngạc. 10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và
Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo
ông Si-môn : "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." 11 Thế
là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Suy
niệm:
Nên như Đấng Chí Thánh
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm âm lịch Ất Mùi. Chúng ta được mời
gọi xét mình trước mặt Chúa về một năm đã qua để tạ ơn Chúa vì những ơn lành và
xin lỗi Chúa về những thiếu sót. Giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới được
gọi là "giao thừa", rất thiêng liêng và có ý nghĩa. Xin Chúa cho
chúng ta được biến đổi từ thân phận tội lỗi yếu đuối trở nên thánh thiện tinh
tuyền, nhờ việc "tiếp xúc" với Chúa qua việc lắng nghe và thực thi Lời
Người.
Từ rất xa xưa, có lẽ từ
lúc con người hiện diện trên trái đất, ý niệm về sự cao cả thánh thiện của Thượng
đế đã hình thành trong suy nghĩ của con người. Nếu Đấng Tối cao là Đấng Thánh,
thì con người phàm trần lại mang nhiều tội lỗi. Giữa Thượng đế và con người, có
sự cách biệt rất xa. Chính vì thế, con người phải luôn khiêm tốn nhận mình là tội
nhân và không dám trình diện trước nhan Ngài.
Đó cũng là trường hợp ngôn
sứ Isaia (Bài đọc I). Theo quan niệm của người Do Thái, vì Thiên Chúa là Đấng
chí thánh, nên ai thấy Ngài thì không còn sống sót. Khi được thấy Chúa, Isaia
đã hoảng sợ, nghĩ mình sắp chết nên la lên: "Khốn thân tôi, tôi chết mất,
vì tôi là người môi miệng ô uế". Nhưng, Isaia không chết mặc dầu được nhìn
thấy Thiên Chúa. Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình mạc khải của
Cựu ước: con người có thể đến gần Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài mà vẫn bảo toàn
tính mạng. Thiên Chúa yêu thương bao dung, đón nhận con người mặc dù họ tội lỗi
bất xứng. Isaia không những không phải chết, mà Chúa còn chọn và gọi ông cộng
tác với Chúa để truyền đạt sứ điệp của Ngài cho dân chúng, kêu gọi họ vững tâm
cậy trông vào Chúa và thực thi những điều Ngài truyền dạy. Từ tâm trạng lo sợ
hãi hùng, ông đã mạnh dạn thưa với Chúa: "Dạ con đây, xin sai con
đi".
Thiên Chúa, Đấng chí
thánh, đã đến gặp gỡ con người. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể đã trở nên người
phàm và ở giữa chúng ta. Người rảo khắp các thành phố làng mạc để loan báo Tin
Mừng cứu độ. Mầu nhiệm nhập thể là một bước tiến mới nữa trong tiến trình mạc
khải của Chúa. Thiên Chúa đã làm người, và con người có thể chạm tới Người, có
thể nghe tiếng Người và chiêm ngưỡng dung nhan của Người. Thiên Chúa đã trở nên
gần gũi con người để lắng nghe, tha thứ và chúc lành cho họ. Hơn thế nữa, con
người được gọi để trở thành những bạn hữu và cộng sự viên của Chúa. Thánh Luca
đã thuật lại việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Các ông là những người
dân chài đơn sơ chất phác, khi nghe tiếng Chúa gọi, đã mau mắn bỏ mọi sự mà
theo Người.
Để cho lời mời gọi có tính
thuyết phục, Đức Giêsu đã thực hiện một phép lạ ngoạn mục, đó là mẻ cá lạ. Vào
một thời điểm mà theo kinh nghiệm chuyên môn của những ngư dân, không thể bắt
được cá, nhưng Chúa đã can thiệp cách lạ lùng, và nhờ quyền năng của Chúa, họ
đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi thuyền gần chìm. Qua hình ảnh mẻ cá lạ, Chúa
Giêsu muốn tỏ cho các môn đệ biết, họ sẽ cộng tác với Người để chinh phục các
tâm hồn.
Nhờ Đức tin vào Chúa,
chúng ta không còn mặc cảm thân phận tội lỗi, nhưng xác tín vào tình Chúa yêu
thương. Ngài là Cha nhân hậu, không bỏ rơi bất cứ ai kêu cầu Thánh Danh Ngài.
Như thế, dầu là thân phận tội lỗi thế nào đi nữa, chúng ta cũng được Chúa kêu gọi.
Nghe theo tiếng gọi của Chúa, chúng ta sẽ được tha thứ mọi tội lỗi và trở nên
thánh thiện. Người tin Chúa sẽ được sự thánh thiện của Chúa bao bọc, nhờ đó, ơn
thành của Ngài thấm đượm trọn vẹn đời sống của họ. Cuộc đời và ơn gọi của Thánh
Phaolô là một bằng chứng: Thánh nhân đã được Chúa chinh phục do cuộc gặp gỡ với
Ngài trên đường đi Damas. Từ một người đi tìm giết các Kitô hữu cách điên cuồng,
ông đã được Chúa biến đổi để trở thành tông đồ hăng say của dân ngoại, nhiệt
thành loan báo và làm chứng về Chúa Giêsu. Sự thánh thiện của Chúa đã thấm nhuần
nơi cuộc đời của ông và làm cho ông được nên thánh.
Trong Đức Giêsu và nhờ Đức
Giêsu, người tín hữu không còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa, nhưng được trở
nên con Thiên Chúa. Hơn thế nữa, họ được mời gọi chia sẻ vinh quang của Thiên
Chúa, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên khí cụ tình thương bao la của Ngài.
Ước mong mỗi chúng ta có thể nói như ngôn sứ Isaia: "Dạ con đây, xin sai
con đi", hoặc như các tông đồ, sẵn sàng bỏ mọi sự để đi theo và làm môn đệ
của Chúa.
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm âm lịch Ất
Mùi. Chúng ta được mời gọi xét mình trước mặt Chúa về một năm đã qua để tạ ơn
Chúa vì những ơn lành và xin lỗi Chúa về những thiếu sót. Giây phút chuyển giao
giữa năm cũ và năm mới được gọi là "giao thừa", rất thiêng liêng và
có ý nghĩa. Xin Chúa cho chúng ta được biến đổi từ thân phận tội lỗi yếu đuối
trở nên thánh thiện tinh tuyền, nhờ việc "tiếp xúc" với Chúa qua việc
lắng nghe và thực thi Lời Người.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời
chuyển cầu của Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, cùng các thánh xin Chúa thương chúc
lành để mỗi người chúng con luôn khiêm tốn vâng theo ý Chúa hướng dẫn qua Hội
Thánh.
Lẽ sống:
Một lý tưởng để đeo đuổi
Một
buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra
tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong
ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một
lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng
lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ
mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua
của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu
sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm
phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc
đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh
của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về
mình.
Ông
quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy,
ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất
cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới:
đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần
vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày
nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa
Bình.
Có
một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn
lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống
mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất
hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự
chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng,
những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu
những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác
lại khai quật lên.
Người
Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn
sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự
bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống
chứng tá của họ.
Khi
nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước
tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitô hay một
nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón
tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác
trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những
người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá
trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào
một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời
ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những
câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế?
Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa
chúng ta?".
Ðâu
là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta
trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét