PHÚC ÂM: Mt 5,20-26
"Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã". (Mt 5,24)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu.
20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu
anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng
được vào Nước Trời.
21 "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa
rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận
anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị
đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì
đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ,
mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì
hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở
lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn
đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan
toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy
bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối
cùng.
Suy niệm:
Sự
thánh thiện đích thực
Chân phước
Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và
sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như
sau: tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt
nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng
con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ
không còn hình tượng con người nữa.
Mang đến cho bà
vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:
- Bà làm gì suốt ngày?
Có ai đến thăm bà không?
Người đàn bà trả
lời:
- Tôi sống đơn độc một
mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn
trông thấy gì nữa.
Marchello tỏ ra
cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:
- Vậy chắc bà phải cô đơn
buồn chán lắm phải không?
Người đàn bà liền
nói:
- Thưa ngài, không.
Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi
cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.
Ngạc nhiên về
lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:
- Thế bà cầu nguyện
cho ai?
Người đàn bà như
mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:
- Tôi cầu nguyện cho Ðức
Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người
phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung
tâm này.
Chân phước
Marchello ngắt lời bà:
- Bà không cầu nguyện
cho bà sao?
Với một nụ cười
rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:
- Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi
người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.
Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn
bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống
cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái
độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con
người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người.
Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.
Chúa Giêsu đã đến
để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực
thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật
Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu
toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến
linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những
qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha
nhân.
Ðả phá quan niệm
và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái
vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một
luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt
qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa
là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: "Nếu các con
không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước
Trời."
Quả thật, nếu an
bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này,
thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà
thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu
mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống
cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh
phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: "Một vị
thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" đó sao?
Nguyện xin Chúa
cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm mến được niềm vui và hạnh phúc đích thực
trong yêu thương và phục vụ.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Các kinh sư và người Pharisêu cho mình
là công chính hơn người khác khi họ tuân giữ những luật lệ một cách
khắt khe. Chúa Giêsu không bãi bỏ luật cũ như sự công chính của các
kinh sư và người Pharisêu, nhưng Ngài đưa ra sự công chính mới. Sự công chính mới
này đòi nó phải đi sâu vào nội tâm và kiểm soát cả đến ước muốn
của con người.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dù con tội lỗi Chúa vẫn thương con, để
con biết sửa chữa những sai lỗi của mình. Xin cho con tránh xa những
hình thức giả dối bên ngoài để che đậy những sự xấu xa bên trong. Sự
công chính là thực lòng với Chúa vì Chúa biết rõ mọi sự nơi con.
Lẽ sống:
Thiên Chúa Quan Phòng
Người Do Thái
thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người
bộ hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở
hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt
đuốc để soi đường.
Một người bộ
hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói:
"Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng
hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi
ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên
Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin
như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Trước khi mặt trời
lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi,
nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến
bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới
thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn
tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa dành cho chúng
ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm
sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn
đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú
sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ
cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai
họa.
Vừa tức giận, vừa
mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt
nữa không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử
không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi.
Chúa là Ðấng tốt lành".
Một vài phút
sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ
nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng
lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã
chúc tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp
chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".
Họa vô đơn chí.
Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai
người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên
tiếng mỉa mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong
đêm nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.
Sáng hôm sau,
hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó
một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh
tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu
ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá
như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta
cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc
của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất
cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo".
Tin ở Thiên Chúa
quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong
cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh
mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và
quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân
cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô,
chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc
quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất
hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành
khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của
cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân
huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu
quan phòng của Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét