Phúc Âm : Lc 9,28b-36
"Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người
biến đổi khác thường". (Lc 9,29)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
28 Khoảng tám ngày sau khi nói những lời
ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.
29 Đang
lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng
tinh chói loà. 30
Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị
hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại
Giê-ru-sa-lem. 32
Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy
vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức
Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật
là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một
cho ông Ê-li-a." Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một
đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ
đám mây có tiếng phán rằng : "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người !" 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức
Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể
lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Suy
niệm:
Canh tân bản
thân
Một khi đã canh tân bản
thân, chúng ta sẽ đổi mới trong đời sống Đức tin và phong cách sống Đạo.
Một
trong những sứ điệp quan trọng của Mùa Chay, đó là canh tân bản thân, thay đổi
đời sống.
Lời
kêu gọi này được Giáo Hội gửi đến chúng ta qua Phụng vụ, ngay từ lúc khởi đầu
Mùa Chay thánh. Cầu nguyện, chay tịnh sám hối và thực thi bác ái, đó là những
thực hành truyền thống của Mùa Chay và đã trở thành rất quen thuộc đối với
chúng ta.
Nhờ
thiện chí canh tân bản thân, chúng ta trở nên con người mới trong Đức Giêsu, để
rồi lời nói, tư tưởng và hành động của chúng ta giống như lời nói, tư tưởng và
hành động của Người. Giữa biết bao bon chen toan tính của cuộc sống thường
ngày, chúng ta bị cám dỗ quên Chúa và sống ngược lại với giáo huấn của Người.
Mùa Chay là mùa trở về với Chúa là Cha, nhìn nhận những lỗi lầm của mình. Mùa
Chay là mùa trở về với anh chị em, để xét lại mối tương quan với họ, nhằm khắc
phục những lỗi lầm, kết nối tình thân thiện và cùng nhau xây dựng cuộc sống
nhân ái.
Một
khi đã canh tân bản thân, chúng ta sẽ đổi mới trong đời sống Đức tin và phong
cách sống Đạo. Do ảnh hưởng của đời sống hằng ngày, nên quan niệm về Thiên Chúa
cũng như hình ảnh của Ngài nơi chúng ta bị biến dạng. Tin Mừng hôm nay muốn giới
thiệu với chúng ta Đức Giêsu vinh quang, chiến thắng. Người là Thiên Chúa, mặc
lấy thân phận con người, sống như mọi người bình thường, chỉ ngoại trừ tội lỗi.
Khi Người biến hình trên núi, các môn đệ được chiêm ngưỡng không chỉ vinh quang
đích thực của Người, mà các ông còn được mặc khải cho biết sứ mạng thiên sai của
Người. Người được Chúa Cha sai đến trần gian để kiện toàn Lề luật và giáo huấn
của các Ngôn sứ trong Cựu ước. Hai nhân vật Môisen và Elia hiện ra đàm đạo với
Chúa, là hai chứng nhân về sứ mạng đó. Cuộc biến hình này đã giúp ba môn đệ
kiên vững lòng tin vào Thày mình. Trước những chống đối gay gắt đến từ phía người
Biệt phái và Luật sĩ Do Thái, các ông bị dao động và có nguy cơ nản chí. Việc được
chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa giúp các ông trung tín và can đảm đón nhận thập
giá sắp xảy đến.
Không
chỉ có ánh vinh quang chói loà làm chứng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Thánh Luca
còn ghi lại lời phán từ trời xác nhận Đức Giêsu là Đấng được tuyển chọn. Trong
truyền thống Thánh Kinh, lời phán từ trời là chính Thiên Chúa, được coi như một
cuộc "Thần hiện". Như vậy, đó chính là lời của Thiên Chúa Cha giới
thiệu Con yêu dấu của mình cho nhân loại, đồng thời mời gọi mọi người hãy vâng
nghe lời Người, tức là đón nhận giáo huấn do Chúa Giêsu rao giảng.
Đối
với các tín hữu, cuộc sống trần gian cũng là một cuộc biến đổi không ngừng. Nhờ
cuộc biến đổi này, chúng ta sẽ từ bỏ tội lỗi, nên giống Chúa hơn. Thánh Phaolô
trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Philipphê đã nhắc mọi người phải cố gắng không
ngừng, để hoàn thiện bản thân nhờ những thực hành đạo đức.
Nên
hoàn thiện là kết quả của những hy sinh cố gắng. Cuộc biến hình của Chúa được đặt
trên núi mang nhiều ý nghĩa. Muốn thay đổi cuộc sống, phải "lên núi",
tức là chấp nhận hy sinh gian khổ. Lên núi còn là tâm tình hướng lên cao, gạt bỏ
những gì thấp hèn ti tiện nhỏ nhen, sống cao thượng hơn. Khi chấp nhận lên núi,
tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự an bình và dễ dàng gặp gỡ Chúa, tâm sự với
Ngài.
Mùa
Chay đang từng bước mời gọi chúng ta đi theo Đức Giêsu trên chặng đường thập
giá. Chúng ta hãy lên núi với Người, bỏ lại đàng sau những gì là toan tính nhỏ
nhen của đời thường. Hãy trung thành với Chúa trong niềm hy vọng và phó thác.
Hãy can đảm từ bỏ những gì làm cản trở chúng ta theo Chúa Giêsu. Chắc chắn Người
sẽ thêm sức cho chúng ta trong hành trình này, như chính Người đã hứa: "Này đây, Thày ở
cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Xin Chúa biến đổi chúng
ta nên con người mới.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống đời thường của con, Chúa dùng muôn
vàn phương cách để tỏ lộ cho con vinh quang của Ngài, nhưng nhiều lúc con chẳng
nhận ra. Xin Chúa ban cho con đôi mắt biết rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và
tâm hồn biết thinh lặng để nhận ra Chúa. Xin cho con biết lưu giữ những kỷ niệm
về những lần con gặp Chúa để mỗi khi gặp cơn sóng gió trong đời, con hồi tưởng
lại những kỷ niệm tuyệt vời ấy mà vững tâm sống đạo.
Lẽ sống:
Người cùi hủi
Raoul
Follreeau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện
đáng thương tâm như sau:
Trong
một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các
bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi... Tuy không là một phán quyết dứt
khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh
mỗi lúc lại càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che dấu con người
mà họ coi như một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một
cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực
tiếp tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường.
Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng:
đó là chốn thoát được chính nhà giam của anh... Ngày nọ, anh đã chốn ra khỏi
khuôn mùng và gia đình của anh. Nhưng chẳng may, người ta đã nhận bắt được anh.
Lần nay, người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ
còn muốn tìm sự giải thoát qua cái chết...
Lần
thứ hai, anh chốn khỏi vũ trụ tối tăm của anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn
không tìm được sự tin tưởng và giúp đỡ của những người khác, anh đã tìm đến cái
chết như một lời biện hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận
trước mặt mọi người. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta
yêu cầu cho khám nghiệm tử thi. Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã
không bao giờ mắc bệnh phong cùi...
Những
ai đã và đang sống dưới một chế độ độc tài trong đó mọi thứ tự do cơ bản nhất của
con người bị chối bỏ, đều cảm nhận được sự độc hại của thái độ thiếu tin tưởng
lẫn nhau giữa người với người... Một xã hội mà quan hệ giữa người với người chỉ
xây dựng trên dối trá, lừa đảo, hận thù, ganh ghét.... Một xã hội như thế không
thể không đi đến chỗ diệt vong...
Người Kitô chúng ta
luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của
Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau...
Chúa Giêsu đã để lại
cho chúng ta chế độ kiểu mẫu: Ngài không nhìn người bằng một nhãn hiệu, bằng một
lăng kính có sẵn. Tất cả mọi người, dù tội lỗi thấp hèn đến đâu cũng đều được
Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương, của tha thứ... Tất cả mọi
người đều được nhìn dưới ánh mắt yêu thương của Ngài như một giá trị độc nhất
vô nhị trong tình yêu của Thiên Chúa.
Ðể được một cái nhìn
như thế, chúng ta luôn được mời gọi để gạt bỏ mọi thứ thành kiến ra khỏi tâm hồn
chúng ta. Trong tất cả mọi sự và trong mọi người, chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn
của Chúa Giêsu. Chỉ với cái nhìn ấy, chúng ta mới mong tái tạo được sự tín nhiệm
và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét