PHÚC ÂM: Mc 6,7-13
“Đức Giêsu bắt đầu sai các Tông Đồ đi rao giảng.” (Mc 6,7)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co.
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại
và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. 8 Người
chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được
mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng ; 9 được đi dép, nhưng không được mặc
hai áo. 10
Người bảo các ông : "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại
đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời
anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." 12 Các
ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu
cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Suy niệm:
Ngài gọi
và sai đi
Đức Giêsu là người
làm nên Nhóm Mười Hai.
Sau một thời
gian ở với Ngài (x. Mc 3,14), họ đã được Ngài sai đi rao giảng.
Người được sai đi
phải là người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.
Đức Giêsu sai họ
lên đường. Ngài trao cho các ông những quyền năng Ngài có: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.
Đó là hành trang lên đường của các ông. Mọi hành trang khác chỉ là
phụ thuộc: một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.
Đức Giêsu cấm
các ông không được mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc... Không lương thực đi
đường nên có thể bị đói. Không bao bị nên không thể để dành. Không tiền bạc nên
không thể mua sắm. Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa vào lòng tốt của Thiên
Chúa và của con người.
Ra đi mà không
có một chút bảo đảm. Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia, lê gót qua các
làng mạc và thành phố. Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công, vì họ nhớ
lời của Thầy: "Chúng
ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa"
(x. Mc 1,38)
Tính cơ động là đặc
tính thiết yếu của người tông đồ. Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.
Các môn đệ loan
báo về Nước Thiên Chúa đang đến. Đó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải.
Hoán cải là điều
chẳng ai ưa. Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói. Không làm nhẹ đi những
đòi buộc của Tin Mừng, không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân, cũng
không mỵ dân để vuốt ve dư luận. Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón một
cách nồng hậu hay lạnh nhạt.
Họ chỉ là những
người phục vụ cho Tin Mừng.
Chúng ta cần cảm
nghiệm niềm vui của các môn đệ. Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng.
Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh. Họ đem đến cho con người
niềm vui, sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.
Hôm nay Đức
Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới. Đi từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ
nhau. Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, nhưng không vì thế
mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa. Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật: bệnh tuyệt
vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín... Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi
đau hôm nay.
Sống Lời Chúa:
Khi sai các môn đệ lên đường không chút
hành trang, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thấy sự thành công trong hoạt động tông đồ
không do tài lực của con người nhưng là do quyền năng Thiên Chúa. Chính Chúa
Giêsu hoạt động qua các vị như đôi bàn tay của Người.
Để trở nên suối
nguồn ánh sáng trong thế gian, người ta không cần giàu sang hoặc có tiếng tăm.
Người ta chỉ cần có một tấm lòng yêu thương nồng cháy.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dùng cuộc sống yêu thương để làm chứng cho
Tin Mừng ngay trong cộng đoàn và trong môi trường sống của chúng con.
Lẽ sống:
Lạy Cha Chúng Con Ở Trên Trời
Con gái ông Karl
Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được huấn luyện cho
biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm
tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào.
Nhưng bà tâm sự
tiếp: một ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong
ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.
Nghe nói thế,
người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay
thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx
chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel “Lạy Cha chúng con ở trên trời".
Có một Giám Mục
kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão.
Người ta nói bà
là một tấm gương cho cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi:
- Bà thường hay
đọc sách đạo đức nào nhất?
- Thưa Ðức Cha
con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi:
"Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của
mình, bà cụ thật thà thưa:
- Thưa Ðức Cha,
con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi
sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong.
- Tại sao thế? Vị
Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp:
- Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con.
Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn
như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể
nào đọc tiếp hết chuỗi được.
Nghe thuật lại kinh
nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:
- À, này bà cụ,
đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà
cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó.
Tục ngữ Việt Nam
có câu: "Gần
chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con người.
Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng
ngày thường bị hạ thấp giá trị.
Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức
thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu
chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những
gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét