PHÚC ÂM: Lc 9,22-25
"Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống". (Lc 9,24)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
22 Người còn nói : "Con Người phải chịu
đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và
ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người :
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo. 24
Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống
mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất
chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?
Suy niệm:
Theo
Chúa Giêsu
Trong lịch sử
Giáo hội, từ hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân dâng
hiến cuộc đời phục vụ Chúa trong tha nhân. Ơn gọi của mỗi người thường khác
nhau, nhưng có điều chắc chắn là tất cả đều được kêu mời nên thánh, sống hạnh
phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, theo gương mẫu của Chúa Kitô.
Con đường ơn gọi
sống đời tận hiến
là hành trình tìm về khổ đau, về cái chết trên thập giá và sự phục
sinh vinh hiển. Sống đời tận hiến, sống niềm tin Kitô giáo là chấp nhận thiệt thòi, mất mát, là
hy sinh từ bỏ để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác sống ơn gọi
Kitô hữu, ơn gọi làm môn đệ Chúa, ơn gọi trở thành công dân Nước Chúa cần một lựa
chọn quyết liệt và dứt khoát. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai dấn bước theo Ngài sự
lựa chọn ấy, cũng như chính Ngài đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời và mạng sống vì
yêu mến Chúa Cha và để cứu độ con người. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy chối bỏ chính mình, hãy
vác lấy thập gía mình mỗi ngày mà theo Ta”.
Chúa Giêsu có ngặt
nghèo và đòi hỏi quá đáng chăng? Không. Ngài chỉ muốn cho chúng ta đước hoàn
toàn thanh thoát và hạnh phúc trên con đường sống đời Kitô hữu và đặc biệt là đời
tận hiến. Bởi vì chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người một
cách thiết thực, nếu còn bị ràng buộc bởi tiền tài, danh vọng, tình cảm.
Xin Chúa ban sức
mạnh, để chúng ta kiên quyết dấn thân theo Chúa với một tâm hồn thanh thản và
tràn trề hạnh phúc.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. (Lc. 9, 22-23)
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, bước vào Mùa Chay xin cho con biết rõ con đường theo Chúa của con
là phải vác thập giá theo chân Chúa suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên những hy sinh đó
không phải là vô hiệu, vì con biết bước qua cuộc tử nạn là mầu nhiệm Phục sinh.
Ngược lại không thể có Phục sinh nếu không có tử nạn.
Lẽ sống:
Ðức Mẹ Lộ Ðức
Buổi sáng ngày
11 tháng 2 năm 1858 tại Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời
lạnh như cắt. Cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra
phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô
chưa biết đọc và biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một
thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều
nói một thứ thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học.
Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình,
nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.
Bình thường theo
dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó,
dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần
mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô
đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì kìa từ trong hang: một thiếu nữ cực
kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc
độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người
thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đó chỉ mỉm cười.
Trong cơn xúc động
bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô
bắt đầu đọc kinh Kính Mừng trong ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh sáng
chan hòa giữa mùa đông vẫn còn lạnh đó, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Khi
Bernadette vừa lần xong chuỗi mân côi, người thiếu nữ làm dấu cho cô tiến lại gần
hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn
và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt
hẳn...
Ba ngày sau đó,
sau khi đã có những tiếng xì xầm về hiện tượng lạ đó, bà mẹ của Bernadette
nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự
thúc đẩy không thể cưỡng bách được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy
chị em của cô. Lần này, khi người thiếu nữ mặc áo trắng xuất hiện Bernadette đã
mạnh dạn hô lớn: "Nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại".
Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Ðây là lần thứ hai người áo trắng hiện ra với
cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào ngày 18 tháng 2 và liên tiếp trong vòng
15 ngày, Bernadette đã được diễm phúc gặp Ðức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một
danh tánh vô cùng kỳ lạ: "Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Từ nơi cô đang quỳ cầu nguyện mỗi khi Ðức
Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.
Ðó là nguồn gốc của hang Ðức Mẹ Lộ Ðức.
Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến
để cầu nguyện và xin ơn. Ðến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy
có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.
Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đều có
những hang Lộ Ðức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhớ biến cố này cũng
như kêu gọi lòng tôn sùng Mẫu Tâm.
Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng có một
lần mơ ước đến tận nơi để cầu nguyện. Mẹ Maria đã không hiện ra với tất cả mọi
người. Phép lạ cũng không hiện ra một cách tỏ tường với tất cả mọi người đến cầu
khấn. Ðiều quan trọng không phải là hành hương đến tận nơi Thánh, nhưng chính
là sứ điệp mà Mẹ muốn nhắn gửi với chúng ta qua những người được diễm phúc thấy
Mẹ hiện ra. Sứ điệp đó vẫn luôn luôn là
hy sinh, là phục vụ và nhất là cầu nguyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét