Thánh Agatha, trinh nữ, tử đạo – Lễ nhớ
Agata
là một thiếu nữ quê ở Xi-xi-li-a. Chị đã chịu tử đạo ở Catana, vào thời hoàng đế
Đêxiô bách hại đạo (năm 251). Đồng bào của chị vẫn tin tưởng kêu cầu chị, nhất
là những lúc núi lửa Étna hoạt động. Rồi việc tôn kính chị được phổ biến rộng
rãi trong toàn thể Hội Thánh, cả ở phương Đông lẫn phương Tây
PHÚC ÂM: Mc 6,14-29
“Ông Gioan, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy.” (Mc 6,16)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-co.
14 Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su,
vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói : "Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi
dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ." 15 Kẻ khác nói : "Đó là ông
Ê-li-a." Kẻ khác nữa lại nói : "Đó là một ngôn sứ như một trong các
ngôn sứ." 16
Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói : "Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính
ông đã trỗi dậy !"
17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt
ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của
người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : "Ngài không được
phép lấy vợ của anh ngài !" 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết
ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người
công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất
phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng
sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân
hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu
vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái :
"Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." 23 Vua lại còn thề : "Con xin
gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : "Con
nên xin gì đây ?" Mẹ cô nói : "Đầu Gio-an Tẩy Giả." 25 Lập tức
cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : "Con muốn ngài ban ngay cho
con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm." 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã
trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức,
vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông
ở trong ngục, 28
bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe
tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Suy niệm:
Số phận
của ngôn sứ
Có những cái chết
đã đi vào bất tử, trường tồn, bởi nó đã trở thành biểu tượng cho một tinh thần
bất khuất. Vì thế, muôn thế hệ sẽ còn tưởng nhớ chính nhân.
Cái chết đó
chính là cái chết của Gioan Tẩy Giả.
Nếu các Ngôn Sứ
là những người thay mặt Chúa, thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho dân; sứ mệnh
của các ngài chính là việc dạy dỗ, khuyên răn dân đi theo đường lối của Thiên
Chúa để được sống; đồng thời, lên tiếng tố cáo những việc làm sai trái mà dân đang
thực hiện. Mặt khác, các ngài cũng không quên một nhiệm vụ quan trọng, đó là nhắc
dân từ bỏ con đường bất chính gian tà để trở về với Thiên Chúa. Chính vì thế,
các ngài thường bị dân chúng giết chết để khỏi trướng tai gai mắt họ.
Thật vậy, Gioan
cũng đã chung số phận khi lên tiếng tố cáo cuộc sống loạn luân của vua Hêrôđê
khi ông ta bỏ vợ để cướp vợ của anh cùng cha khác mẹ với mình. Cuộc sống của
vua đã trở thành đồi bại, vô luân, và nhất là gây nên một gương mù lớn trong
dân.
Khi Gioan tố cáo
Hêrôđê, thì đồng nghĩa với việc ông lên tiếng phản đối cả một hệ thống lãnh đạo
suy đồi khi cùng với vua hưởng lạc trong lúc chứng kiến con gái bà Hêrôđia múa
hát để chiêu mộ lòng vua!
Sự thật thì mất
lòng! Gian dối lên ngôi! Tội lỗi hoành hành! Và, nhất là một con người nhu nhược,
không có lập trường như Hêrôđê, Gioan đã bị giết dưới lưỡi gươm của tội lỗi!
Tiếp nối sứ vụ của
Gioan, và nhất là thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu, suốt hơn 2.000 năm nay,
Giáo Hội không ngừng lên tiếng cho công lý, sự thật, bảo vệ những người nghèo,
không có tiếng nói..., thế nên nhiều chứng nhân anh dũng đã can đảm nói không với
cái ác, bất nhân và vô luân. Họ đã: "Vâng lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời con người".
Vì thế, biết bao nhiêu máu đào đã đổ ra và những đống xương “chất đầy thành
núi” qua các cuộc tử đạo để gióng lên tiếng nói của lương tâm, hầu tố cáo những
thói vô luân của con người, nhất là những vị lãnh đạo bất nhân và ham dục...
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên
ngôn sứ của Đức Kitô, trở nên người loan báo chân lý...
Tuy nhiên, theo
bản tính tự nhiên, chúng ta khó có thể vượt qua được những toan tính thiệt hơn
của con người, nên thay vì làm chứng cho Chúa, chúng ta lại phản chứng khi trở
nên như Hêrôđê, ghen tỵ, oán ghét, và tàn độc.
Những lúc như thế,
ấy là lúc chúng ta chưa dám sống công chính và đi theo giáo huấn của Đức Giêsu.
Sống Lời Chúa:
Hêrôđê là một vị
vua xấu xa và đầy tội lỗi. Ông sinh ra chỉ để làm hại đời, hại người. Những tội
lỗi của ông bị người đời nguyền rủa. Do ham muốn đòi hỏi xác thịt, ông đã bày
ra những buổi tiệc tùng linh đình ăn uống no say. Nhẫn tâm chiếm đoạt vợ của
anh mình mà không cảm thấy hối hận vì tội lỗi. Bị cuốn vào vòng xoáy của thế
gian, ông đã bắt giam Gioan Tẩy Gỉa vì dám lên án tội ác ông. Trong cơn men nồng,
không làm chủ được lý trí, ông đã thốt lên những lời hứa nguy hiểm liên quan đến
sinh mạng con người.
Chúng ta hãy tích cực phục vụ lợi ích cho đời,
cho người với tinh thần của Chúa. Nhờ đó ta xứng đáng được người đời yêu mến và
được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời mai ngày.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng can đảm, trung thành với sứ vụ, đồng thời,
xin cũng ban cho chúng con lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ cho anh chị em
chúng con, khi bị thù ghét, bỏ vạ, cáo gian.
Lẽ sống:
Một Cách Tỏ Tình
Du khách viếng
thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở Luân Ðuân có thể
nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ truyền đi khắp
nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt
làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào
tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm
mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.
Cách đây đã lâu,
mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề đóng giày than vãn với
người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng
không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành
nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới.
Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc.
Ðang lúc ấy, một
người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và
những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. Ông ta quyết định làm một cái gì để
giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn
gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và
lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng giày phấn khởi bắt
tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện để anh
có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết
vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc lúc bấy giờ.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến
hai tư tưởng chúng ta có thể đào sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó
là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng
ta, con cái của Người, mọi ơn lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho
chúng ta, như vị thủ tướng Anh quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai
gái trên và ra tay giúp đỡ họ. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc
cầu xin.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét