PHÚC ÂM: Lc 11,29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của
tiên tri Giona". (Lc 11,29)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
29 Khi dân chúng tụ họp đông
đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : "Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng
xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.
30 Quả
thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người
cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương
Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa
bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây
thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi
dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông
Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
Suy niệm:
Dấu lạ
cá voi
Quả thật, ông
Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng là một
dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc phán xét nữ hoàng phương Nam sẽ đứng
lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận
cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của Sa-lô-mon; mà đây thì còn hơn vua
Sa-lô-mon nữa. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế
hệ này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na giảng; mà đầy
thì còn hơn Gio-na nữa. (Lc. 11, 30-32)
Người Do thái đòi Đức Giê-su làm một dấu lạ. Một đòi hỏi gây
cấn luôn có trong đầu óc của họ về Đấng Messia đã được hứa trong Cựu ước: Ngài
phải làm những dấu lạ để chứng tỏ sứ mệnh của Ngài. Thực ra nhiều lần Đức
Giê-su đã làm phép lạ rồi. Nhưng lần này Người từ chối và từ chối khá quyết liệt,
lại còn tố lại họ nữa: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác: chúng xin dấu lạ. Nhưng
chúng sẽ không được dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gio-na”. Dấu lạ độc nhất Đức
Ki-tô bằng lòng cho họ là dấu lạ an táng Người ba ngày trong lòng đất như
Gio-na ở trong bụng quái vật của biển cả ba ngày.
Thái độ thực đáng
kinh ngạc của Đức Giê-su đã đánh lạc hướng những người muốn tin Ngài, nếu họ được
chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Đức Ki-tô chẳng những từ chối đòi dấu lạ của họ mà
còn dồn họ vào chân tường. Ngài đưa ra lý lẽ chứng minh họ không tin Ngài. Lý lẽ
mà Đức Giê-su cho thấy là: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy
cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông
Gio-na giảng …”. Dân Ni-ni-vê không đòi Gio-na làm dấu lạ. Ngôn sứ chỉ rao giảng
đã đủ làm họ sám hối trở về. Chính ra dân Do thái phải nghe lời Đức Giê-su như
vậy, hơn nữa, lời đầy uy quyền của Ngài đủ để là dấu lạ đến từ Thiên Chúa. Đức Giê-su từ chối
yêu sách của họ vì dấu lạ bên ngoài chỉ thỏa mãn tò mò thôi. Chính bên trong
con người lời Ngài mới làm cho họ thấy được tiếng vang dội của niềm tin cậy để
nhận ra Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến, chứ không phải phép lạ hào nhoáng trước
mắt.
Chúng ta cũng vậy,
chúng ta phải đón nhận lời Chúa bằng một đức tin độc nhất vào Đức Giê-su. Chúng
ta phải đón nhận cái chết ngược đời của Ngài làm chướng tai gai mắt những kẻ
tham sân si. Nhờ đó chúng ta mới có thể đối mặt với những cái chết của chúng ta
hàng ngày như thất bại, bệnh tật, buồn tủi đang chôn vùi chúng ta trong bụng thủy
quái. Dù phải chết trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn sống tin cậy vào Đấng đã
phục sinh và đừng đòi hỏi những phép lạ từ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa, trong Đức
Giê-su Ki-tô, không muốn biểu diễn quyền phép để tìm kiếm lợi lộc, nhưng chỉ lo
cứu độ. Thế là đủ cho chúng ta còn đòi chi nữa!
Sống Lời Chúa:
Sự thật mà phụng vụ lời Chúa muốn gởi đến
cho chúng ta ngày hôm nay là làm nổi bật vai trò, sứ mạng của Đức Giêsu Kitô. Từ
đó khẳng định nếu chúng ta không tin vào Ngài thì chúng ta sẽ phải chết. Những
lời đầu tiên và cũng là sứ mạng chính của Chúa Giêsu đó là: “Anh em hãy hoán cải
và tin vào Tin Mừng”.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, người Do thái đã trả giá lòng tin của họ bằng cách đòi cho được những
dấu lạ là bằng chứng về một Thiên Chúa quyền năng và tình thương, luôn sẵn sàng
đáp ứng mọi nhu cầu và khát vọng của con người. Họ đòi dấu lạ, nhưng lại không
tin vào các phép lạ Chúa làm. Xin Chúa thương tha thứ cho sự xúc phạm của con.
Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để con tin vào Chúa và đón nhận Lời Chúa.
Xin ban cho con đôi mắt của niềm tin, để thay vì đòi Chúa làm phép lạ, con sẽ
thấy được quyền năng Chúa vẫn đang hoạt động trong các biến cố, trong cuộc sống
thường ngày nơi chính cuộc đời con.
Lẽ sống:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Bỏ xứ mình để đến
phục vụ tại nơi đất khách quê người quả là một lý tưởng đáng ca ngợi. Hiện nay,
người ta thấy có rất nhiều thanh niên thiếu nữ tây phương chán cuộc sống trống
rỗng, thiếu lý tưởng trong xã hội dư dật, đã tình nguyện sang các nước thuộc thế
giới thứ ba để phục vụ.
Một thanh niên nọ
đã xin đến Ấn Ðộ để phục vụ người nghèo. Ra đi hồ hởi bấy nhiêu, giờ này chạm với
thực tế, anh cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Tất cả đều xa lạ và tất cả đều làm
anh chán nản: từ khí hậu cho đến thức ăn, điều kiện sống và nhất là những khuôn
mặt xem ra rất bí hiểm đối với anh. Nhưng điều làm cho anh mất hết kiên nhẫn lại
là một điều không đáng bận tâm mấy...
Người ta dành
cho anh một căn phòng không sạch sẽ và dĩ nhiên cũng không nhiều tiện nghi lắm.
Anh dọn dẹp và sắp xếp căn phòng lại cho tươm tất. Duy có một chướng ngại mà
anh không thể vượt qua để có thể sống bình thản: đó là sự hiện diện của một chú
thằn lằn. Anh tìm đủ mọi cách để xua đuổi nó ra khỏi căn phòng, nhưng vô ích:
đâu lại vào đó, anh đuổi nơi này, nó chạy vào nơi khác. Cuối cùng con vật chui
được vào trong tủ đựng thức ăn và ngự trị hẳn trong đó. Không còn biết làm cách
nào khác hơn để tẩy chay con vật, anh đành phải nghĩ đến chuyện làm quen với
nó.
Dần dần, con thú
đã trở thành một người bạn của anh. Mỗi khi đi đâu về, việc đầu tiên của anh là
tìm cho được chú thằn lằn. Khi con vật đã trở thành thân thiết với anh, anh đặt
cho nó một cái tên và trò chuyện với nó. Từ một con vật dơ bẩn xấu xa, giờ này
anh nhìn thấy nơi nó rất nhiều đức tính trong đó quan trọng hơn cả đó là tài
săn muỗi của nó.
Sự hiện diện của
chú thằn lằn đã giúp cho anh khám phá được một chân lý trong cuộc sống: những
khó khăn không đến từ môi trường chung quanh, mà chính từ bản thân anh.
Chúng ta vẫn thường
lặp lại câu thơ của Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ",
như để nói rằng lắm khi chúng ta mặc cho ngoại cảnh chính tâm trạng của chúng
ta. Khi chúng ta vui, chúng ta như thấy cảnh vật xung quanh chúng ta cũng vui
lây. Khi chúng ta buồn, cảnh có đẹp đến đâu, chúng ta vẫn thấy u ám. Lắm khi những
vấn đề khó khăn không đến với chúng ta từ ngoại cảnh, từ những người khác, mà
chính từ chúng ta. Gương mặt cau có của chúng ta thường được chúng ta nhìn thấy
nơi tất cả mọi người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta vui, chúng ta như cảm
thấy mọi người đều vui vẻ với chúng ta. Quả thật, chúng ta đong đấu nào, thì
người sẽ đong lại đấu ấy cho chúng ta.
Câu chúc đầu
tiên của Ðức Kitô phục sinh mỗi lần hiện ra cho các môn đệ của Ngài là: “bình an cho các
con". Có sự bình an đích thực trong tâm hồn, chúng ta mới thắng được sợ
hãi, mới vượt qua được những khó khăn trong tâm hồn. Có sự bình an đích thực
trong tâm hồn, chúng ta mới dễ dàng tha thứ và chấp nhận chính bản thân để rồi
từ đó mới có thể tha thứ và chấp nhận tha nhân cũng như mọi nghịch cảnh. Mang lấy
màu xanh của hy vọng, đôi mắt chúng ta mới dễ dàng nhìn đời, nhìn người một
cách lạc quan. Trái lại, mang lấy bộ mặt cau có và buồn chán, đi đâu, ở đâu,
chúng ta cũng chỉ thấy bất mãn, thất vọng và khó chịu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét