PHÚC ÂM: Lc 16,19-31
"Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ". (Lc 16,25)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn
lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là
La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của
ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh
ta. 22
Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham.
Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực
hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh
La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên : 'Lạy tổ phụ Áp-ra-ham,
xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên
lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !' 25 Ông
Áp-ra-ham đáp : 'Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của
con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô
được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các
con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được,
mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.'
27 "Ông nhà giàu nói : 'Lạy tổ phụ, vậy
thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em
nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !' 29 Ông
Áp-ra-ham đáp : 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị
đó.' 30
Ông nhà giàu nói : 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có
người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.' 31 Ông Áp-ra-ham đáp : 'Mô-sê và các
Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu
tin.”
Suy niệm:
Người
giầu có và Ladarô.
Mẹ Têrêxa
Calcutta kể lại rằng một lần nọ đặt chân đến Ethiopi, Mẹ đã ngỏ ý với một vị Bộ
trưởng để xin một khu đất xây bệnh viện cho những người cùng khốn nhất. Ông Bộ
trưởng trả lời: “Thưa
bà, việc săn sóc bệnh nhân và người nghèo là trách nhiệm của chính phủ, không một
cá nhân hay đoàn thể nào có thể gánh được công việc này”. Mẹ liền
nói: “Nhưng tôi
thấy chính phủ các ông đã không chu toàn được trách nhiệm ấy; vả, việc săn sóc
người nghèo khổ là trách nhiệm của mỗi người”. Và ông Bộ trưởng đã
phải chấp nhận đề nghị của Mẹ.
Câu trả lời và
việc làm của Mẹ Têrêxa là một minh họa cho giáo huấn của Chúa Giêsu về người giầu
có và Ladarô nghèo khổ. Quan tâm đến người anh em, nhất là những người cùng khổ
là một bổn phận, một bổn phận mà Chúa Giêsu cũng khẳng định trong diễn từ về ngày
chung thẩm. Nhiều người ngỡ ngàng khi nhận ra rằng số phận mai hậu của họ gắn
liền với một bát nước lã, một chén cơm họ chia sẻ cho một kẻ vô danh.
Dửng dưng trước khổ đau của người khác là
một tội.
Đó là điều Chúa Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người giầu có trong Tin mừng
hôm nay. Chúa Giêsu không nói đến nguồn gốc của sự giầu có mà người phú hộ đang
hưởng. Ngài cũng không nói đến một hành động gian ác nào của ông. Thế nhưng, sự dửng dưng đến độ
mù loà của ông trước một người hành khất lê lết trước cửa nhà ông, một thái độ
như thế cũng là một tội ác rồi. Mỗi người đều có trách nhiệm về người
anh em, nhất là người nghèo khổ trong xã hội. Giáo huấn của Chúa Giêsu trong
Tin mừng hôm nay có lẽ cũng gợi lại câu hỏi Thiên Chúa đặt ra cho Cain sau khi
Cain giết Abel em mình: “Cain, em ngươi đâu?”. Cain trả lời: “Tôi có phải là người
giữ em tôi đâu”. Câu trả lời ấy có lẽ cũng là thái độ của chúng ta khi đứng trước
nỗi khổ đau của người khác. Thiên Chúa đã tạo dựng nhân loại như một gia đình, trong đó tất
cả chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau.
Mùa Chay, mùa trở
về với Chúa và cũng là mùa trở về với anh em. Nhận ra mỗi người, nhất là người
cùng khổ như người anh em con cùng một cha, đó là lời mời gọi mà Cha trên trời
luôn ngỏ với chúng ta, và đó cũng là thông hành để chúng ta về gặp gỡ Cha trên
trời.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Câu chuyện nhấn mạnh đến đời sau. Cả hai đều
chết, cả người nghèo lẫn người giàu hoàn toàn chết như nhau. Nhưng có khác
nhau: Người giàu được đưa chôn long trọng xôm trò. Người nghèo không thấy nói được
an táng chi cả. Nhưng người nghèo lại được các thiên thần đón rước. Người giàu
phải ở chốn cực hình. La-gia-rô được ngồi bàn tiệc nước trời, trong lòng
Áp-ra-ham, nơi hạnh phúc vinh quang.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, con thật cứng đầu chẳng kém gì những người Do Thái thời xưa, có lẽ
con còn đáng trách hơn họ nữa, vì con chẳng những không chịu tin lời Môsê và
các ngôn sứ, mà ngay cả Lời Chúa dạy bảo con cũng chẳng chịu nghe theo cho tới
nơi tới chốn. Trong mùa Chay này, xin Chúa giúp con thật lòng hoán cải và sống
trong lòng Tin Mừng để khỏi rơi vào tình trạng bất hạnh như ông nhà giàu trong
dụ ngôn được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay.
Lẽ sống:
Dân Thành Athènes
Ngày kia, triết
gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes. Một người
khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: "Dân thành Athènes như
thế nào?".
Triết gia bèn trả
lời: "Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?".
Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: "Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một
lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày".
Một cách bình thản,
triết gia Esopos mỉm cười đáp: "Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng
rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa".
Ngày hôm sau, một
người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: "Dân thành
Athènes như thế nào?". Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos
là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân
chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến...
Lần này, triết
gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: "Này ông bạn
đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes
cũng dễ thương dễ mến như thế".
Câu chuyện mang
tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định người
khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một khung
cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy thường không nằm trong
người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của mỗi người.
Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để
có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con người, nghĩa là chúng ta được mời gọi
để luôn có cái nhìn tích cực về người khác và các biến cố. Một thất bại rủi
ro xảy đến ư? Người
Kitô hãy cố gắng khám phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt,
trong cách cư xử của người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa
bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...
Ðức cố Giáo
Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: "Do bản chất,
tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người
hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ
khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất
cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét