Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Tư 02.03.2016 Tuần III Mùa Chay – Năm C

PHÚC ÂM: Mt 5,17-19
"Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời". (Mt 5,19)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-theu.
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.  19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Suy niệm:
Tuân giữ Lời Chúa

Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Lời Chúa đã phán ra: “Một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,11).Luật của Thiên Chúa là một. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói cho chúng ta biết: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Giúp cho chúng ta luôn vững tin vào Luật, mà giữ Luật Chúa cho trọn. Mười điều răn của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta biết đâu là hành động xấu, cần phải tránh, phải từ bỏ. Tất cả chúng ta đang cảm nghiệm: Trên con đường sống của mỗi người đều đang bước đi như là một cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, để được sống và sống hạnh phúc đời đời cùng Thiên Chúa; hay phải chết đời đời.
Các Bài Đọc hôm nay là những ví dụ của tiến trình trở nên hoàn hảo.Trong Bài Đọc I, khi thánh Phaolô bị chất vấn bởi những người Do-thái thủ cựu, Ngài so sánh cho họ thấy sự hoàn hảo của giao ước mới trên giao ước cũ, và kết luận: vì giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ; nên vinh quang có được do việc phục vụ giao ước mới cũng lớn hơn vinh quang có được do việc phục vụ giao ước cũ. Trong Phúc Âm, khi nhiều người thuộc phái Pharisees nghĩ Chúa Giêsu đến để dạy dân chúng phá bỏ Lề Luật, nên Ngài tuyên bố: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn."
Chúa Giêsu đến để kiện toàn Lề Luật: Nhiều Kinh sư nghĩ, khi Chúa Giêsu chỉ trích họ về việc rửa tay và giữ ngày Sabbath, là Ngài muốn hủy bỏ tất cả Lề Luật và truyền thống của tổ tiên. Thực ra, Ngài chỉ phê bình thói giả hình và khinh thường Lề Luật của họ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn làm sáng tỏ điều này với các môn đệ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành." Sự quan trọng của Lề Luật: Khi nói "giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ," cả Chúa Giêsu và thánh Phaolô không bao giờ có ý muốn nói Lề Luật Thiên Chúa ban qua Moses trở thành vô hiệu. Các tín hữu vẫn phải giữ Lề Luật của Thiên Chúa như Chúa Giêsu dạy: "Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời."

Sống Lời Chúa:
Người khôn ngoan là người phải biết suy xét và so sánh cẩn thận, để nhận ra những gì của quá khứ là tốt cần giữ lại, những gì là xấu cần bỏ đi; đồng thời biết nhận ra những cái hay đẹp của hiện tại để học hỏi và áp dụng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tuân giữ và vui sống với Luật Chúa. Nhờ ơn Chúa giúp, chúng con sẽ có đời sống kính Chúa yêu người hơn, hầu đem lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Lẽ sống:
Bàn thờ cho người nô lệ

Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên Châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".
Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.
Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Ba 01.03.2016 Tuần III Mùa Chay – Năm C

PHÚC ÂM: Mt 18,21-35
"Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em,  thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con". (Mt 18,35)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-theu.
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?" 22 Đức Giê-su đáp : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy : "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : "Trả nợ cho tao !" 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?" 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

Suy niệm:
Tha thứ

Tha thứ đến 7 lần, đó là tha thứ theo đúng công bằng của lề luật, của lý luận con người. Nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn bằng cách nói: tha thứ cho đến 70 lần bẩy.
Trong dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ, người này xin chủ chờ thêm thời gian nữa anh sẽ trả hết, nhưng chủ đã tha luôn cả số nợ. Thế mà anh đã không hành xử như vậy đối với người bạn chỉ mắc nợ anh một trăm bạc. Chúa Giêsu đã đưa ra bài học từ dụ ngôn này: “Cha Ta trên trời sẽ xử với các người như thế nếu mỗi người trong các ngươi thật lòng tha thứ cho anh em mình”.
Chúng ta hãy kiểm điểm xem chúng ta đã sống thế nào về điều chúng ta thường cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Về vấn đề này tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ như sau:
“Tính phê bình chỉ trích là một trở ngại lớn cho đời sống siêu nhiên. Chỉ tiêu cực phàn nàn kẻ khác, con quấy rầy họ, và muôn đắng cay trong lòng con. Va chạm người khác là sự thường. Sống trong một xã hội không va chạm nhau chỉ có thể là Thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà bóng láng hơn, sạch đẹp hơn. Phàn nàn là bệnh dịch hay lây, triệu chứng là bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp với Chúa. Bác ái không chỉ có yêu thương và tha thứ. Bác ái là cả một hành động để tạo bầu khí mới giữa cộng đồng xã hội, quốc gia và quốc tế, biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa. Chỉ giây phút hiện tại là quan trọng. Đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc, nó đã vào dĩ vãng. Đừng nhìn ngày mai của con để bi quan, nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng của Ngài và giao tất cả cho tình yêu Chúa”.
Xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên con đường canh tân cuộc sống đức tin và đức ái. Xin Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày được nên giống Chúa hơn để xây dựng hoà bình và hoà hợp trong môi trường chúng ta sống.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Khởi đi từ câu hỏi của Phêrô: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy".
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tha thứ không ngừng nghỉ! Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình. Tha thứ là một điều rất khó, nhưng nó là tuyệt đỉnh và cao quí nhất mà Đức Giêsu đã cống hiến cho con người.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy chúng con hôm nay thật tuyệt vời, vì nếu chúng con không tha thứ thì làm sao chúng con được Chúa thứ tha trong khi chúng con là kẻ có tội? Xin Chúa ban cho chúng con có lòng nhân hậu như Chúa là Đấng Nhân Hậu. Biết yêu tha thiết để sẵn sàng tha thứ không ngừng nghỉ như Chúa.

Lẽ sống:
Tro tàn của lịch sử

Một buổi sáng dạo đầu tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ của mẹ ông.
Georgi Dimitrov đã từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...
Người ra lệnh đưa ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con người bởi đâu mà ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những câu hỏi lớn ấy thì có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là người có niềm tin, chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người. Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không là điều chúng ta đang tìm kiếm?
Tin Mừng ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói, chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát. Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.


Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Hai 29.02.2016 Tuần III Mùa Chay – Năm C

PHÚC ÂM: Lc 4,24-30
Mọi người trong hội đường phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành... để xô Người xuống vực. (Lc 4,28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
24 Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Suy niệm:
Đời sống đức tin thật

Trong cuốn phim Mỹ do tài tử Marcel Marso thủ diễn có kể câu chuyện sau: Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng ánh nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Nhưng bỗng nhiên niềm vui của anh bị quấy rầy do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó sủa, tiếng chim hót, tiếng người qua lại. Mỗi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó, nhưng đối với chàng, tất cả đều trở thành cực hình. Để chống lại sự phiền nhiễu ấy, anh xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây. Cứ như thế bức tường lớn cao dần, cho đến lúc ngăn cản được hết mọi tiếng động, thì bức tường cũng che mất ánh nắng tuyệt vời, bức tường trở thành chiếc mộ khổng lồ giam hãm anh trong đó.
Dân Do Thái cũng đã được tắm gội ánh sáng. Đó là niềm tin được trao ban từ Tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn, ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên. Không chịu mở lòng đón nhận khiến niềm tin của họ trở nên khô cằn mất sức sống. Xây lên bức tường để bảo vệ mình hoá ra lại tự hại chính mình.
Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ đó trong bài Tin mừng hôm nay. Người Do Thái trong Hội đường Nazaret đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng kỳ thực nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã sao chép nguyên bản việc làm ấy. Tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin nhưng niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Đó là thứ niềm tin mà tác giả cuốn sách “Đường Hy Vọng” đã nhắc nhở: “Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái, trung thành”.
Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái đã mất đi Chúa Giêsu –nền tảng của niềm tin. Cũng vậy, nếu Kitô hữu chỉ đóng khung trong một nghi thức, luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoà không lưu chuyển, hệ thần kinh không vận động. Đời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em. Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương, Chúa không phải là Đấng bắt con người ta phải kính mến, nói đúng hơn Thiên Chúa là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương vô hạn. Tin là chấp nhận Đức Kitô và quyết tâm sống chết cho Ngài.
Trong Mùa Chay này, xin cho chúng ta biết trở về, trở về trước hết trên căn bản của một đức tin không co cụm trong lý thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng đón nhận để tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin.

Sống Lời Chúa:
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay  “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến mọi người. Nhất là những người cùng sống và làm việc trên quê hương với chúng con.

Lẽ sống:
Từ Hiển Dung Đến Thập Giá

Đức Kitô đánh dấu sự hoàn thành của mạc khải: chính nơi Người, Thiên Chúa đã tự tỏ hiện hoàn toàn. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa thiết lập giao ước mới và vĩnh cửu với con người.
Tuy nhiên, sự hoàn thành của giao ước đã không xảy ra trên núi Ta-bo, dù cho các tông đồ đã ước muốn được ở lại trên đó và dựng ba lều: một cho Đức Kitô, một cho Mô-sê và một cho Ê-li-a (Lc 9,33). Núi Ta-bo chỉ là nơi mà sự hoàn thành của giao ước được cô đọng lại nơi con người và sứ mạng của Đức Kitô trong tư cách là Con Thiên Chúa. Nơi mà giao ước được hoàn thành không phải là núi Hiển Dung mà chính là núi Can-vê. Trên núi Can-vê, Đức Kitô sẽ được tôn vinh qua sự tự hạ đến tận cùng trước mặt Thiên Chúa và loài người.
Thiên Chúa – Đấng thiết lập giao ước với Abraham – giờ đây tự tỏ hiện hoàn toàn trong sự hi sinh tận cùng. Con cháu của Abraham – được sinh ra trong đức tin – sẽ được thâu họp bằng lời và bằng sức mạnh của giao ước được đóng ấn với máu Con Chiên Thiên Chúa. Giao ước này sẽ tồn tại đến tận cùng thời gian.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta tiến lên núi Hiển Dung và sửa soạn cho chúng ta đi tới núi Khổ Nạn. Thật vậy, chính cuộc khổ nạn của Đức Kitô là nơi mà cuộc hiển dung phải tìm thấy sự hoàn thành của nó.
Vâng, Thiên Chúa – Đấng luôn trung thành với giao ước của Ngài – mời gọi tất cả chúng ta tiến tới với Khổ Nạn Thập Giá.

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Lời Chúa: CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C - 28.02.2016

Phúc Âm : Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". (Lc13,3)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : 'Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?' 8 Nhưng người làm vườn đáp : 'Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Suy niệm:
Thương xót như Chúa Cha

Lòng bao dung đối với anh chị em là một trong những điều kiện cần có để chúng ta được đón nhận sự tha thứ của Chúa.
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Môi-sen qua bụi gai cháy bừng là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến triển của mạc khải. Quả vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thiên Chúa tự giới thiệu danh của Ngài cho con người. Tuy vậy, nếu được Thiên Chúa cho biết Ngài là “Đấng Tự Hữu”, thì ông Môisen cũng chẳng hiểu danh xưng đó có ý nghĩa. Ông chỉ dễ dàng nhận ra Chúa khi Ngài liên hệ đến các tổ phụ, tức là Abraham, Isaac, và Giacóp. Mối tương quan này cho thấy Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành với lịch sử Do Thái, là dân riêng Ngài đã chọn. Danh Thiên Chúa được kêu cầu cho các thế hệ tương lai, chính là danh xưng gắn liền với các Tổ phụ của dân tộc thánh. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa đã làm cho Abraham, Isaac và Giacóp, đã tạo nên tên gọi của Ngài.
Khi tự mạc khải mình cho ông Môisen, Thiên Chúa tỏ cho ông thấy Ngài là Đấng thương xót và quan tâm đến con người. Ngài đã nghe thấy tiếng kêu than khổ cực của người Do Thái bị áp bức tại Ai Cập, và Ngài sẽ dùng ông Môisen để giải phóng họ, đưa họ tới bến bờ của tự do. Đây cũng là một nét mới mẻ của Mạc khải: Thiên Chúa là Chúa của tình thương, như mẹ hiền lắng nghe nỗi lòng của con cái, để che chở độ trì.
Thiên Chúa là Đấng giải phóng con người. Điều này được chứng minh trong suốt bề dày của lịch sử cứu độ, nhất là nơi Đức Giêsu Kitô. Người là vị thủ lãnh, giải phóng loài người khỏi tội lỗi, ban cho họ được tự do và được hưởng ơn cứu độ.
Chúa Giêsu cũng giải thoát con người khỏi những thành kiến, nhằm quy tội và lên án người khác. Tin Mừng hôm nay cho thấy quan niệm hẹp hòi của những người đương thời đối với những sự kiện xảy đến trong cuộc sống. Đối với Chúa Giêsu, những gì xảy ra xung quanh chúng ta đều là những điểm báo mời gọi chúng ta ăn năn sám hối và sửa mình để sống tốt hơn. “Ta bảo các ngươi: Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”. Lời mời gọi hối cải mang tính cấp bách, và là một điều kiện cần thiết để tránh mọi tai họa. Hình ảnh cây vả đã ba năm không sinh trái, vừa diễn tả sự kiên nhẫn của Thiên Chúa vừa nói lên sự lười biếng của con người. Thiên Chúa kỳ vọng nơi chúng ta hãy sinh nhiều hoa trái là những nhân đức và những việc làm tốt đẹp, nhưng trong thực tế, chúng ta không làm những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi ta. Mỗi chúng ta cần nhìn lại thực trạng cuộc sống bản thân, để xem mình có sinh hoa trái trong đời hay không.
Mùa Chay vừa giúp chúng ta khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình, vừa nhắc bảo chúng ta hãy có cái nhìn bao dung đối với tha nhân, vì mỗi chúng ta đều là những tội nhân đang cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đây cũng là mục đích của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thiên Chúa yêu thương và bao dung tha thứ những tội lỗi của chúng ta.
Ngài cũng mong muốn chúng ta hãy có lòng thương xót đối với đồng loại. Lòng bao dung đối với anh chị em là một trong những điều kiện cần có để chúng ta được đón nhận sự tha thứ của Chúa. Những ai sống khép kín và dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, không thể đón nhận ơn tha thứ của Chúa và như thế, họ sống trái ngược với giáo huấn của Ngài. Để sống tinh thần của Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta quan tâm đến những người bị bỏ rơi trong làng xóm và trong cộng đoàn, nhất là những người còn sống trong “ngăn trở” hoặc vì lý do nào đó mà chưa hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội. Những người này, nhiều khi là nạn nhân của những kỳ thị, bị xa lánh và khinh bỉ ngay giữa những cộng đoàn Đức tin, trở nên lạc lõng lẻ loi đối với những sinh hoạt đạo đức.
Thiên Chúa bao dung và yêu thương mọi người, nhưng con người lại khắt khe và hẹp hòi trong cách đối xử với nhau. Vì thế mà cuộc sống này vẫn còn tồn tại những thập giá và đau khổ. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy luôn thận trọng, lấy bài học của dân Do Thái trong hành trình sa mạc làm gương, để khỏi gục ngã trước cám dỗ của kiêu ngạo và dục vọng. Kể cả những ai nghĩ là mình đang đứng vững cũng phải coi chừng, vì rất có thể họ bị vấp ngã một cách bất chợt (Bài đọc II).
Xin Chúa giúp chúng ta có lòng thương xót như Chúa Cha, nhờ đó có tâm hồn mới nhờ biết ăn năn sám hối, và có cái nhìn bao dung nhân hậu đối với những người xung quanh.

Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám Mục Giáo Phận Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã lãnh nhận muôn hồng ân phúc lộc của Chúa, xin cho chúng con biết dùng thời giờ, của cải và khả năng để sinh lợi cho đời sống thiêng liêng của chúng con và anh chị em. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa tới muôn ngàn đời.

Lẽ sống:
Nụ Cười Của Bà Sarah

Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!... Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống... Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười...
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn... Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân.
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: "Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền".
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: "Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát..."
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai...
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: "Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột".
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Lời Chúa: Thứ Bảy 27.02.2016 Tuần II Mùa Chay – Năm C.

PHÚC ÂM: Lc 15,1-3.11-32
"Em con đã chết nay sống lại".   (Lc 15,32)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp : "Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : 'Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.' 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
"Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : 'Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...' 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : 'Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.' 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !'
31 "Nhưng người cha nói với anh ta : 'Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.'"

Suy niệm:
Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm con người

Có một người đàn ông nọ khao khát đi tìm gặp gỡ Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền, ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa. Ngày nọ, ông đến ngồi thơ thẩn bên một dòng sông nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông nhìn thấy một con vịt mẹ và một đàn con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch muốn rời mẹ để ra đi kiếm ăn riêng. Ðể tìm con này đến con nọ, vịt mẹ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay thất vọng. Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương. Ông chợt khám phá ra một chân lý và ông thốt lên: Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đang đi tìm tôi.
Con vịt mẹ không ngừng đi tìm kiếm con của mình, đó là hình ảnh nói lên chính tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm con người. Qua bài dụ ngôn "người con hoang đàng" quen thuộc mà chúng ta có dịp lắng nghe trong Mùa Chay này, Chúa Giêsu cũng mạc khải cho chúng ta tình yêu cao vời ấy của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta có tự do. Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta như một con người trưởng thành. Ðó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói lên qua hình ảnh một người cha không muốn khăng khăng giữ lấy đứa con, mà trái lại chia gia tài cho nó, để nó được tự do sử dụng tất cả những gì thuộc về nó. Mà dẫu cho người con có lên đường đi tạo lập một cuộc sống riêng tư, người cha vẫn không ngừng ngóng trông, theo dõi và chờ đợi đứa con. Ông khắc khoải từng giây từng phút. Ngày ngày ông ra trước ngõ để ngóng trông. Và khi người con vừa xuất hiện từ đằng xa, người cha đã chạy đến ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để, rồi ông lại sai gia nhân mặc áo đẹp cho cậu con, xỏ nhẫn, đeo giày cho cậu và mở tiệc ăn mừng. Có lẽ trong văn chương nhân loại từ cổ chí kim chưa có một áng văn nào đẹp cho bằng hình ảnh trên đây. Thiên Chúa yêu thương đến độ tìm kiếm, ngóng trông con người từng giây từng phút, Thiên Chúa yêu thương đến độ sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi phạm của con người, để phục hồi nó hoàn toàn trong thân phận cao quý của một con người.
Ðó là tất cả Tin Mừng của Kitô giáo. Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả chân lý ấy bằng câu nói: "Thiên Chúa là tình yêu". Thiên Chúa không mong gì hơn nơi con người, là con người nhận biết được tình yêu ấy. Không gì xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng khi con người khước từ tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng trở về, nhưng điểm nhắm của Người lại là người con cả, hiện thân của những người biệt phái. Ðây là hạng người tự cho mình là những kẻ yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn của Ngài, nhưng kỳ thực họ lại tỏ ra lời phát biểu của người anh cả trong bài dụ ngôn. Anh ta nói: "Ðã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, vậy mà không bao giờ cha cho con riêng một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Quả thật, những người biệt phái tuân giữ không sai chạy tất cả mọi luật lệ của Chúa, nhưng họ chỉ tuân giữ lề luật trong tinh thần sợ sệt cứng ngắt và giả hình, bởi vì họ không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Và bởi vì không cảm nhận được tha nhân là người anh em ruột thịt của mình. Khước từ Thiên Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.
Mùa Chay qua bí tích hòa giải, Giáo Hội mời gọi chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn dang rộng cánh tay để ôm ấp, để vỗ về và tha thứ cho chúng ta. Và tình yêu vô bờ của Người Cha ấy chờ đợi gì nơi chúng ta hơn là chúng ta biết nhìn ra nơi tha nhân, người anh em của chúng ta, để chúng ta cũng yêu mến và tha thứ không ngừng.
Nguyện xin Ðấng đã chết để mạc khải cho chúng ta bộ mặt tình yêu của Chúa, giúp chúng ta biết đón nhận tình yêu ấy trong từng giây phút của cuộc sống và san sẻ tình yêu ấy với mọi người anh em chúng ta.
Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa:
Khước từ Thiên Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, sám hối trở về là điều kiện để được sống trong niềm vui. Xin cho chúng con trong Mùa Chay này dứt khoát đứng lên trở về với Chúa là Cha đầy tình thương và tha thứ.

Lẽ sống:
Ðám đông dưới chân thập giá

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông.
Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.