PHÚC ÂM: Lc 21, 12-19
"Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi
tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất". (Lc 21,17-18).
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
12 "Nhưng trước khi tất
cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh
em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì
danh Thầy. 13
Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều
này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn
nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi
hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và
bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi
người thù ghét. 18
Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có
kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
Suy niệm:
Cơ hội
làm chứng
Bài Tin Mừng hôm
nay là một đoạn ngắn trong diễn từ về ngày tận thế. Có một câu chúng ta cần lưu
ý, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội
đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy. Ðó là cơ hội để các con
làm chứng về Thầy". Thật lạ lùng: bị bắt bớ, ngược đãi, tống ngục
là chuyện đau khổ, nhục nhã, thất bại, thế mà Chúa Giêsu lại cho là hân hoan,
là cơ hội tốt để làm chứng.
Trong thực tế,
các môn đệ đã sống và thực hành điều đó. Phêrô và Gioan bị bắt và bị điệu ra
trước Công nghị Do thái, các ngài chẳng những không buồn phiền, lo sợ, mà còn
hân hoan, vui vẻ, vì nhờ đó có dịp để nói về Chúa Giêsu cho người khác. Phaolô
bị bắt và bị xét xử, ngài cũng mạnh dạn nói về Chúa Giêsu cho các nhân vật cỡ lớn,
như Tổng trấn Felix, Festo, và cả Hoàng đế Herode Agrippa nữa.
Nhưng cái gì đã
tạo ra sự biến đổi nơi các môn đệ, cũng là bắt bớ, bách hại mà có người cho là
thất bại, người khác lại cho là cơ may? Thánh Augustinô giải thích: cuộc sống
con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc
yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì
dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian, như tiền bạc,
danh vọng, sắc đẹp, và khi bị bắt bớ, tôi bị mất tất cả, lúc đó, bắt bớ bị coi
là thất bại. Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bị bắt bớ
vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị
của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó còn là dịp để tôi rao
giảng về Chúa cho họ là khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là
tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.
Trong thực tế,
muốn biết chúng ta có yêu Chúa hay không, cứ nhìn vào cuộc sống hàng ngày xem
chúng ta có dám vì Chúa mà can đảm khước từ những đam mê bất chính, những tham
vọng không hợp ý Chúa, những thú vui không đẹp lòng Chúa, cho dẫu có vì thế
chúng ta phải nghèo túng, phải vất vả hay không? Nếu trong cuộc sống, chúng ta
dám hy sinh tất cả vì Chúa, lúc đó chúng ta mới có thể coi trường hợp bị bắt bớ
vì Chúa là cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Xin cho chúng ta
được luôn mạnh mẽ trong niềm xác tín đó, và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất
cả cảnh huống nào của cuộc đời.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Phục
hồi tôn giáo: Tướng Bô-na-pạc (Bonaparte) chiến thắng các nước Châu Âu nên
thanh thế của ông ngày càng lớn mạnh, ở bên trong cũng như bên ngoài nước Pháp.
Quân cách mạng bị mang tiếng là cướp của giết người quá nhiều, cũng như phá bỏ
mọi quy luật trong nước, nên dân chúng chán ghét và ước ao thoát khỏi cảnh kềm
kẹp của quân cách mạng.
Tướng
Bonaparte hiểu biết lòng dân như thế nên sau khi đánh giặc xong trở về nước,
ông dẹp tan phe cách mạng, tha cho những kẻ lưu đày được trở về quê quán, trả tự
do cho tù nhân, ông tái lập những phong tục tập quán xưa đã bị quân cách mạng
phá bỏ, sửa sang mọi việc trong nước và lo liệu cho dân chúng được tự do giữ đạo.
(M.
Cardo, Thánh Gioan Viannay)
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con biết con đường thánh giá đưa đến vinh quang. Tuy nhiên, bản
tính con người vẫn muốn né tránh đau khổ. Xin giúp chúng con can đảm hơn để
không đánh mất chính mình khi phải đối đầu với đau khổ.
Lẽ sống:
Không qúa muộn để
nên thánh
Người Nhật Bản
có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một
thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một
viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người
vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một
vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể
ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ
nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và
ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần
cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của
mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của
mình.
Anh đi về một
vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng
như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con
đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất
thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã
trong 30 năm trời.
Hai năm trước
khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều
đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh
niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi
án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân
người thanh niên và van xin:
"Tôi xin sẵn
sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang
làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".
Người thanh niên
ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi,
không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với
Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một
năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý
muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong
lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được
hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một
cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa,
Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt.
Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
"Làm sao
tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"
Câu chuyện trên
đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói: "Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người,
nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp
quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm
và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên
đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà
Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người. Nhưng bài học
đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên
đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã
khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó
anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện
bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét