Thánh Leo Cả, giáo hoàng, tiến sĩ – Lễ nhớ
Quy tắc cư xử trong Giáo hội.
Thánh
nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông
rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân
man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe dọa niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng
trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng
nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Người qua đời
năm 461.
PHÚC ÂM: Lc 17, 7-10
"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì
chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
7 "Ai trong anh em có
người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó :
'Mau vào ăn cơm đi', 8 chứ không bảo : 'Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt
lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !' ? 9 Chẳng
lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? 10 Đối với
anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói :
chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy
thôi."
Suy niệm:
Tinh thần phục vụ đích thực
Nhân vật nổi tiếng
trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là
Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do
chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô
VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng,
tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ
chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của
Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là
giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến,
cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc
mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh
quang Chúa".
"Tất
cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người
nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các
giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc
âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một
người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một
công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp
mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người
biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế
giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một
Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại,
khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục
vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo
Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của
chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa
được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của
Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa
Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy
nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận
mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ
là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao
quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và
Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên
Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây,
Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái,
để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người
chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà
Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người
càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm
vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên
và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu
đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II
trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được
chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô
vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý
nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và
xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Ta chỉ là đầy tớ của Chúa.
Có làm được gì cho Chúa, thì đó cũng là do bổn phận phải làm. Vì vậy hãy phục vụ
Chúa cách khiêm tốn.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu !.
Xin
cho con ý thức mình là đầy tớ để con làm việc bổn phận phải làm.
Xin
cho con ý thức mình là đầy tớ, để con làm theo Ý Chúa chứ không theo ý con.
Xin
cho con ý thức mình là đầy tớ, để con làm hết sức mình như thể chỉ có mình con,
nhưng đồng thời cũng khiêm tốn như thể chẳng cần đến con.
Xin
cho con ý thức mình là đầy tớ, để khi thất bại hay bị chê bai, con không nản
chí, và khi thành công hay được khen ngợi, con không tự mãn.
Xin
cho con ý thức mình là đầy tớ, để con đừng bao giờ ganh tị với người khác, nhưng
vui trong phận mình và sẵn sàng làm những công việc nhỏ bé thấp hèn nhất.
Xin
cho con ý thức mình là đầy tớ, để con phụng sự Chúa cho xứng đáng, phục vụ với
tâm hồn quảng đại, vô vị lợi, và phần thưởng duy nhất là biết mình đã làm theo ý
Chúa.
Lẽ sống:
Hôm nay là ngày của Chúa
Khi Ðức Gioan 23
lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn dấu nhẹm sự nguy kịch
của căn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng lở bao tử. Nhưng Ðức Gioan 23 biết rõ
bệnh tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói: "Tôi đã dọn sẵn hành trang".
Ông Giacômô
Manzu, một nhà điêu khắc nổi tiếng người ý viết hồi ký về những giây phút sau hết
của cuộc đời Ðức Gioan 23 như sau: Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn
kéo dài, linh mục Capovilla, bí thư riêng của Ðức Thánh Cha đến bên giường bệnh,
hôn tay bệnh nhân và hỏi xem ngài thấy thế nào. Ðức Gioan 23 trả lời: "Tôi cảm thấy
trong mình khỏe khoắn và an bình như thể tôi đang ở trong Chúa. Nhưng đồng thời
tôi cũng cảm thấy hơi lo".
Linh mục
Capovilla thưa: "Xin cha đừng lo. Những người phải lo là chính chúng con,
vì con đã nói chuyện với bác sĩ...". Ðức Gioan 23 ngắt lời hỏi: "Họ
đã nói với con những gì?".
Nghẹn ngào, linh
mục bí thư của ngài nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn nói với cha sự thật: hôm
nay là ngày của Chúa. Hôm nay cha sẽ được về Thiên Ðàng".
Nói xong, linh mục
bí thư quỳ xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua,
bỗng cha cảm thấy một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng ôn tồn nói:
"Hãy ngước mắt nhìn lên. Bình thường, người bí thư của tôi rất mạnh mẽ,
can đảm, nhưng bây giờ phải trở nên mềm nhũn. Cha đã nói với người bề trên của
cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng của một linh mục:
Hôm nay cha sẽ được vào Thiên Ðàng".
Chúng ta đang sống
trong tháng 11:
- Ðây là tháng Giáo Hội
dành riêng để tưởng nhớ đến những người quá cố.
- Ðây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để
báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, tháng để trả nghĩa cho cha mẹ, anh chị em, bà con
thân thuộc đã qua đời bằng những kinh nguyện, bằng những chuỗi lần sốt sắng, nhất
là bằng cách siêng năng tham dự tích cực và cố gắng sống thành lễ để thực hành
những công việc bác ái như thánh lễ đòi hỏi.
Nhưng, vào tháng
11 hằng năm, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ bến bờ chúng ta phải
tới, nhắc nhở khúc quẹo ngoặt nhất trong đời chúng ta sẽ phải đi.
- Ðó là từ giã
cõi đời.
- Ðó là nhắm mắt
xuôi tay.
- Ðó là sự thật:
ai trong chúng ta cũng phải chết.
Ước gì chúng ta
có được sự bình thản trong giờ lâm tử như Ðức Gioan 23 . Ước gì, như ngài,
chúng ta có được sự bình an trong tâm hồn và có niềm hy vọng để tin tưởng rằng:
lời Chúa Giêsu phán với người trộm lành cũng được áp dụng cho chúng ta: "Hôm nay con sẽ
được cùng Ta về Thiên Ðàng".
Nhưng, nếu Thiên
Ðàng là bến bờ, là Ðức Mến, thì cuộc sống của chúng ta phải định hướng theo đó.
Nếu Thiên Chúa
là cùng đích của giây phút cuối cùng, thì trong những chuỗi ngày sống, chúng ta
cũng phải hướng mục và xây dựng theo tiêu chuẩn đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét