PHÚC ÂM: Lc 16, 9-15
"Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối,
thì ai sẽ giao của chân thật cho các con". (Lc 16,12).
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
9 "Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết
: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ
sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung
tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong
việc lớn. 11
Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ
tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? 12 Và nếu anh em không trung tín
trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải
dành riêng cho anh em ?
13 "Không gia nhân nào có thể làm tôi
hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà
khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của
được."
14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc,
nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ : "Các ông là
những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết
lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước
mặt Thiên Chúa.
Suy niệm:
Sử dụng tốt tiền của
Tham nhũng là
cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người tham nhũng là người chỉ nghĩ đến mình, bất
chấp thiệt hại có thể gây ra cho người khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng
rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa.
Chính vì tính
cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đưa ra một
đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của",
bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều
xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra,
không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà
thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói
lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ
tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang
tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.
Tham nhũng và lừa
đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế
nhưng "thà đốt
lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối". Chúng ta
hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng
ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của
bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các
con?". Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những
sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn
không?
Tham nhũng đối với
mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới,
cảm thông. Xét cho cùng, của cải là để mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham
nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ
hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham
nhũng. "Không
ai có thể làm tôi hai chủ": của cải vật chất chỉ là phương tiện
giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa. Trong khi mưu cầu
cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời.
Xin cho chúng ta
biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua
những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Thiên Chúa là Thiên Chúa
duy nhất, chỉ mình Ngài đáng được tôn thờ. Ta không được đặt bất cứ sự gì thay
thế vị trí của Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa gìn giữ con để suốt đời con luôn biết làm tôi Chúa. Xin
cho con đừng vì tham việc mà bỏ lễ Chúa Nhật, xin cho con đừng vì tham lời mà
làm hại anh em. Xin cho con biết khôn ngoan như người tôi tớ trong Tin Mừng: biết
dùng của cải là ân huệ Chúa ban mà sinh lợi thiêng liêng cho linh hồn con. Xin
cho con luôn quảng đại mở rộng đôi tay chia sẻ những của cải Chúa ban, để giúp đỡ
những anh em đang khốn khó hơn con. Xin cho con nhận ra rằng: một hạt gạo cho đi
vì yêu mến Chúa sẽ trở thành một hạt vàng ân phúc tô điểm cho linh hồn con.
Lẽ sống:
Nỗi khao khát của hạt muối
Khao khát duy nhất
của hạt muối là được xem thấy biển. Bằng mọi giá, nó muốn khám phá thế nào là
biển... Ngày kia, nó ra đi... Vừa đến bờ biển, nó khám phá ra một cái gì mênh
mông, xanh ngắt và sống động. Nó thốt lên:
- Biển ơi, hãy
nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng trả
lời:
- Hãy chạm đến
ta, rồi ngươi sẽ hiểu.
Hạt muối trườn
mình xuống nước. Ô kìa, nó cảm thấy ngây ngất, niềm vui tột cùng làm nó cảm thấy
như không còn đứng vững được nữa. Nó cảm thấy như đang hòa lẫn từ từ trong nước.
Niềm vui dâng trào. Nó lại hỏi một lần nữa:
- Biển ơi, hãy
nói đi, ngươi là ai?
Một đợt sóng cuối
cùng ôm ghì lấy nó và nó từ từ tan biến trong nước. Nó chợt reo vui lần cuối
cùng:
- Bây giờ ta mới
hiểu thế nào là biển: biển là một phần của chính ta.
Hạt muối chỉ có
thể hiểu được thế nào là biển khi nó được hòa tan trong nước. Có chìm ngập
trong biển, có đi vào biển mới hiểu được thế nào là biển... Thiên Chúa cao cả
hơn lý trí của con người. Chúng ta không thể chỉ biết Thiên Chúa bằng lý trí...
Hãy để cho Thiên Chúa chiếm ngự, hãy để cho Thiên Chúa ôm chầm lấy ta, ta mới
có thể biết được Ngài là ai. Tình tri giao giữa Thiên Chúa và con người chỉ có
thể nảy nở bằng thinh lặng, hòa nhập trong cảm mến, tri ân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét