PHÚC ÂM: Lc 19, 45-48
"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu
đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ : "Đã có lời chép rằng : Nhà
Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp
!"
47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ.
Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.
48
Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.
Suy niệm:
Nơi gặp gỡ Chúa
Ðền thờ
Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái.
Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ
Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa
tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh
hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu
vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy
Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.
Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần
tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một
sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi
con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa
Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe
Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ
thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo
trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng
Giacob: "Ðã đến
lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự
thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế".
Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa
Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.
Qua cử chỉ thanh
tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng
dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu:
Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng
chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng
Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật
và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn
lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm
dụng của người khác.
Những gì xẩy ra
cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn
cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người
gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần
thế tục?
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đức Giê-su đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ và nói với họ: “Đã
có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành
sào huyệt của bọn cướp !” (Lc 19,45-46)
Hãy cố gắng giữ tâm hồn khỏi
mọi thứ tham lam, ích kỷ, để xứng đáng là đền thờ của Chúa Ba Ngôi.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giesu, Chúa muốn quy tụ chúng con trong nhà của Chúa để hưởng niềm vui được
sống trong sự bao bọc yêu thương của Chúa, và trong tình anh em con cùng một
Chúa, xin Chúa giúp mỗi người chúng con hiểu thấu bài học Chúa muốn dạy chúng
con hôm nay.
Lẽ sống:
Con lừa của Chúa
Thánh Gioan
Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng
như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh
giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã
không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập
bàn quát lớn: "Vianney,
anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?".
Vianney khiêm tốn,
bình tĩnh trả lời:
"Thưa thầy,
ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3
ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được
sao?".
Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào
chương tình của Người. Người chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng
ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự dốt nát, tầm thường của chúng ta
thành những giá trị siêu phàm.
Ðiều quan trọng chính là sự đáp trả quảng
đại của chúng ta đối với chương trình của Người. Thiên Chúa luôn làm được phép
lạ, nếu con người biết cộng tác với Người, ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng
của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét