PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu
cứu với Người". (Lc 18,7).
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau
đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người
nói : "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên
Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã
nhiều lần đến thưa với ông : 'Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.' 4 Một thời
gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng : 'Dầu rằng ta
chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì
ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.'"
6 Rồi Chúa nói : "Anh em nghe quan
toà bất chính ấy nói đó ! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho
những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? Lẽ nào Người
bắt họ chờ đợi mãi ? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng
minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên
mặt đất nữa chăng ?"
Suy niệm:
Tín thác vào Thiên Chúa
Tuần báo Công
Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện như
sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà nước
ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận
được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất
đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải
quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết rốt ráo
những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi chính đáng
của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ
thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".
"Cần có một
tòa án xét xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những
trường hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự
sống còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay
không? Cần có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình
thường của người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn
tiếp tục kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân,
nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi
chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường
như vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới
đang phải gánh chịu.
Chúa Giêsu thấu
hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tin
tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về
một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ
Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ
của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người.
Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của
con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người,
lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm
định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là
tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính
toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng
chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào
mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình
yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ
nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống
chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải
qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là
luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên
Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin Chúa
đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Chúa biết rõ tất cả mọi sự,
bởi vì chính bàn tay Chúa đã tạo dựng nên chúng ta. Còn gì cao trọng hơn là được
làm con Chúa. còn gì hạnh phúc hơn là được cầu nguyện, được thưa chuyện với
Chúa bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào vì biết rằng Chúa luôn ở gần và lắng nghe
chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con cầu nguyện và kiên trì cầu nguyện, xin cho
chúng con biết thực thi Lời Chúa dạy, để Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu mưu ích
cho phần thiêng liêng của chúng con cho tới ngày Chúa lại đến.
Lẽ sống:
Tôi tiếp tục cuộc chơi!
Mới đây, tại Thụy
Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác
nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: "Nếu bạn chỉ còn một
ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?". Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia
như sau:
- 57% những người
được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở
một mình hoặc với bạn bè.
- 26% người đàn
ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích
ở một mình hoặc cùng với bạn bè.
- 32% đàn ông lẫn
đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.
- 6% người đàn
ông muốn được sống bên vợ...
Trên đây có lẽ
chỉ là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người.
Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của
con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn...
Cái chết là một
chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên
đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta
còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết...
Giữa một đám trẻ
đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình
sắp chết, chúng con sẽ làm gì?
Một số trả lời rằng
sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết
lành v.v... Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: "Nếu trong giây lát tôi
có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi".
Có lẽ đó là câu
trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một
bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.
Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa
trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu
chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút... thì cái chết chỉ là một nối
dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút
hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết. Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn.
Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Ðó là
những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô.
Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của
chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự,
luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng
ngày...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét