Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Lời Chúa: Thứ Hai sau Chúa nhật I Mùa Vọng 30.11.2015

THÁNH ANRE, TÔNG ĐỒ. Lễ kính
Thánh Anrê Tông Đồ, con của ông Jonah hay John (Mt 16:17; Jn 1:42), sinh tại Bethsaida, miền Galilee (Jn 1:44). Ngài là anh em với thánh Phêrô (Mt 10:2; Jn 1:40). Cả hai anh em đều làm nghề đánh cá, và khi được gọi bởi Chúa Giêsu, hai anh em đang sống chung một nhà tại Capernaum (Mk 1:21, 29).
Tin Mừng cho chúng ta biết Anrê lúc đầu là môn đệ của John Baptist, và sau lời làm chứng của thầy mình, Anrê đã đi theo Chúa Giêsu (Jn 1:35-40). Sau khi nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, ông vội vã giới thiệu Ngài cho Phêrô, em mình (Jn 1:41), và cả hai trở thành những môn đệ của Đức Kitô. Hai ông bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu (Mt 4:19-20; Mk 1:17-18; Lk 5:11).
Tên của hai anh em được liệt kê vào Nhóm Mười Hai Tông-đồ trong Tin Mừng Nhất Lãm và CVTĐ (Mt 10:2-4; Mk 3:16-19; Lk 6:14-16; Acts 1:13). Anrê luôn được kể là một trong bốn môn đệ đầu tiên. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Anrê chỉ được nhắc tới một lần cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan, khi các ông hỏi Chúa Giêsu về ngày mà Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy. Trong Phúc Âm Gioan, Anrê là người được nhắc tới trong phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi 5,000 người ăn (Jn 6:8-9), và khi một số người Hy-lạp đến với Philip để xin cho họ gặp Chúa Giêsu, Philip đã chuyển lời của họ cho Anrê (Jn 12:20-22).
Khi các Tông-đồ bắt đầu nhận lệnh đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng, thánh Jerome cho biết thánh Anrê lúc đầu đã đi rao giảng tại Cappadocia, Galatia, Bithynia, và trong vùng sa mạc Scythia; sau đó ngài tới Byzantium, Macedonia, Thessaly và Achaia. Truyền thống tin ngài bị đóng đinh bởi Aegeas, Thống Đốc Rôma, tại Patrae trong miền Achaia. Cuộc tử đạo của ngài xảy ra dưới thời hoàng-đế Nero (ngày 30 tháng 11 năm 60 AD). Di hài của ngài lúc đầu được giữ ở Constantinople, khi thành phố này bị chiếm bởi người Pháp vào đầu thế kỷ 13, đức hồng y Phêrô của Capua đã mang di hài của ngài về Ý và đặt trong thánh đường Amalfi. Thánh Anrê được tôn làm quan thầy của Sô Viết và Tô Cách Lan.

PHÚC ÂM: Mt 4,18-22
"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người". (Mt 4,22).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông : "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Suy niệm:
Hãy đi theo tôi

Trong những lúc cuộc sống gặp nhiều khó khăn hay khi áp lực công việc nặng nề, thì niềm tin chính là sức mạnh giúp con người có đủ nghị lực vượt qua để vươn đến tương lai tốt đẹp. Niềm tin ấy có thể đến từ bên ngoài do những người thân yêu khích lệ, nhưng niềm tin ấy phần lớn được thúc đẩy từ bên trong. Đó cũng chính là điều mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 1 của ngày lễ mừng kính thánh Anrê tông đồ hôm nay.
Thánh Phaolô nhấn mạnh đức tin chính là điều kiện cốt yếu giúp con người vượt thắng mọi trở ngại mà vươn đến đỉnh cao của sự công chính và ơn cứu độ. Nhưng làm thế nào để có được đức tin?
Để có được đức tin, Thánh Phaolô đề cập đến hai tác động:
Tác động từ bên trong bởi tiếng nói của Chúa thúc đẩy: “Lời Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng anh em”.
Tác động từ bên ngoài bởi nhờ lời rao giảng: “làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng?”.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu độ chứ không riêng người Do Thái. Nhưng để đạt đến ơn cứu độ thì cần phải có đức tin. Mà muốn có đức tin, trước hết ta phải lắng nghe tiếng nói của Chúa nơi lương tâm cũng như Tin mừng do Giáo hội rao giảng. Mà lắng nghe xong vẫn chưa đủ, ta còn phải cụ thể hóa Lời Chúa bằng những hành động cụ thể . Vì “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có tuyên xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ”. Thánh Giacôbê cũng đã xác quyết điều này: “Đức tin không có việc làm là Đức tin chết”. (Gc 2,17).
Do đó khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ cộng tác với Ngài trong sứ mạng rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Một trong những môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn gọi chính là tông đồ Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Với lời mời gọi thân thương của Chúa Giêsu và ý thức được sứ vụ loan báo Tin mừng hết sức cao trọng nên các ông đã mau mắn đáp Lời. Sẵn sàng bỏ lại tất cả, kể cả những gì thiết thân nhất trong cuộc sống trần gian để mau mắn lên đường, hăng say loan báo Lời Chúa, ngõ hầu mọi người Tin mà được cứu độ.
Mùa vọng là mùa trông ngóng, đợi chờ ơn cứu độ đến với ta và với mọi người. Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Anrê tông đồ mau mắn lắng nghe và đáp lại Lời  mời gọi của Chúa, hăng say ra đi loan truyền Tin mừng tình thương, giúp mọi người đón nhận được Đức tin mà được cứu độ.

Sống Lời Chúa:
Trong tiến trình đem con người đến với Thiên Chúa, con người chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng để rao giảng. Để con người hoán cải và tin vào Thiên Chúa, con người cần ơn thánh hoạt động cả bên trong lẫn bên ngoài.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Kitô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến.

Lẽ sống:
Bảo chứng của trường sinh bất tử

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư  hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà cha. Năm phụng vụ đã kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét