Lễ cầu cho các Đẳng
"Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với
Ta".
·
Theo Tông Hiến
ngày 10/08/1915, hôm nay mọi linh mục được
phép cử hành hoặc đồng tế ba thánh lễ, miễn là cử hành vào những giờ khác nhau;
có thể chỉ một ý lễ cho bất cứ ai và nhận bổng lễ, còn ngoài ra phải dành một lễ
cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời và một lễ cầu nguyện theo ý Đức Giáo
Hoàng (không có bổng lễ đối với hai lễ này).
·
Cầu nguyện cho
những người đã qua đời là một trong những truyền thống cổ kính nhất của Hội
Thánh. Vì thế, sau ngày mừng các anh chị em đã được sống thân mật với Thiên
Chúa trên thiên đàng, ta lại hướng về các anh chị em chúng ta đã qua đời trong
niềm hy vọng phục sinh, và cùng hướng về “tất cả mọi người quá cố mà chỉ một
mình Chúa biết lòng tin của họ”.
PHÚC ÂM: Ga 17, 24-26 (Lễ III)
"Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con". (Ga
17,24)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
24 Lạy Cha, con muốn rằng
con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm
ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu
thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế
gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết
là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ
biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."
Suy niệm:
Cầu cho các tín hữu đã qua
đời
Hôm nay chúng ta
tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người thân cũng như mọi người quá cố. Lễ cầu
cho các đẳng đã được thánh Audilo, tu viện trưởng tu viện Crainy, tại Pháp, thiết
lập cách đây một ngàn năm, liền sau lễ Các Thánh, qua đó Giáo Hội vui mừng cử
hành việc thông hiệp các thánh và ơn cứu rỗi.
Thánh Audilo đã
thúc giục các tu sĩ trong tu viện hãy cầu nguyện một cách đặc biệt cho người
quá cố. Lời cầu cho các đẳng không mấy chốc đã lan rộng ra khắp nơi. Ðể nuôi dưỡng
tâm tình và lời cầu nguyện của chúng ta trong ngày hôm nay, thiết tưởng chúng
ta nên lắng nghe lại sứ điệp mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gửi cho đức
cha Raymon Sagi, giám mục Otinsalone và Margone, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm
thánh Audilo thiết lập lễ cầu cho các đẳng linh hồn.
Mầu nhiệm vượt
qua phải là trọng tâm của những suy tư và là nền tảng của những lời cầu nguyện
của chúng ta trong ngày hôm nay.
Ðức Thánh Cha viết
như sau:
"Khi cầu nguyện cho người quá cố, trước
tiên Giáo Hội chiêm ngắm mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, Ðấng mang lại ơn cứu
rỗi và sự sống vĩnh cửu cho chúng ta qua thập giá của Ngài. Do đó, cùng với
thánh Audilo, chúng ta có thể lặp lại không ngừng như sau: "Thánh giá là
nơi nương ẩn, là đường đi và là sự sống của tôi. Thánh giá là khí giới bất diệt
của tôi. Thánh giá chiến thắng mọi sự dữ. Thánh giá đẩy lui mọi bóng tối".
Thánh giá của Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng mọi cuộc sống đều được ánh sáng phục
sinh soi dẫn và không có một hoàn cảnh nào là hoàn toàn hư mất, bởi vì Ngài đã
chiến thắng sự chết và mở đường cho chúng ta tiến vào sự sống thật. Trong ngày
cầu cho người đã qua đời, chúng ta nói lên niềm hy vọng cho chúng ta".
Ðức Thánh Cha giải
thích:
"Tin vào sự phục sinh của thân xác là
nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người. Một cùng đích
thỏa mãn khát vọng của con người đến độ nó không còn gì phải khao khát nữa. Niềm
khát vọng ấy được thánh Augustinô diễn tả một cách thật kỳ diệu như sau:
"Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không thể an nghỉ
khi chưa được nghỉ an trong Chúa". Do đó, tất cả chúng ta được mời gọi để
sống với Chúa Kitô, Ðấng ngự bên hữu Chúa Cha và được chiêm ngắm Thánh Thần, vì
Thiên Chúa là đối tượng của niềm hy vọng Kitô. Cầu nguyện cho người quá cố,
chúng ta không chỉ tưởng nhớ đến những người thân và các tín hữu Kitô. Chúng ta
cũng được mời gọi để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố, dù
tin hay không tin, dù thuộc về hay ở ngoài Giáo Hội hữu hình".
Ðức Gioan Phaolô
II đã trích dẫn kinh Tin Kính của Ðức Phaolô VI như sau:
"Chúng ta tin rằng Giáo Hội là cần
thiết trong ơn cứu rỗi, bởi vì Chúa Kitô là trung gian duy nhất và là con đường
cứu rỗi duy nhất, và bởi vì Ngài hiện diện với chúng ta trong thân thể Ngài là
Giáo Hội, nhưng chương trình của Thiên Chúa ôm trọn lấy tất cả mọi người. Do đó
những ai không do lỗi của họ mà không biết Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo Hội của
Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Chúa và hành động theo lương tâm của mình nhờ ơn
Chúa thúc đẩy, mà thực thi ý muốn của Ngài, những người đó cũng thuộc về dân
Ngài, cho dẫu bằng một cách thế mà chúng ta không thấy và do đó cũng có thể được
phần rỗi đời đời. Chỉ có Chúa mới biết con số những người ấy".
Chính vì thế mà
Ðức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người quá cố. Lời cầu
nguyện mà Giáo Hội không ngừng dâng lên Chúa có một giá trị lớn lao, đó là đặc
điểm của một tâm hồn luôn hướng về lòng nhân từ của Chúa. Giáo Hội tin rằng các
linh hồn đã được thanh luyện, đã được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của các tín hữu,
và nhất là bởi thánh lễ trên bàn thờ cũng như các việc bố thí và những việc làm
đạo đức khác.
Trong phần kết
thúc sứ điệp gởi cho đức giám mục kiêm tu viện trưởng tu viện Crainy, nhân dịp
kỷ niệm một ngàn năm thiết lập ngày cầu cho các đẳng, Ðức Thánh Cha tha thiết
kêu gọi như sau:
"Tôi cổ võ các tín hữu công giáo hãy
sốt sắng cầu cho những người quá cố, cho người thân trong gia đình và cho tất cả
mọi anh chị em đã ly trần để họ được tha thứ khỏi hình phạt cho tội lỗi của họ,
và có thể lắng nghe được lời mời gọi của Chúa: "Hỡi linh hồn yêu dấu, hãy
vào nghỉ ngơi muôn đời trong vòng tay từ ái của Ta". Trong ngày hôm
nay và trong suốt tháng 11 này, chúng ta hãy dâng mọi ý nguyện và những hy sinh
của chúng ta để cầu nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời
cầu nguyện và hy sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta
vào cuộc sống mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đạo hiếu luôn dạy chúng ta
"ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta phải tỏ
lòng hiếu thảo với cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống biết kính trọng vâng lời. Khi
các ngài qua đời luôn nhớ đến các ngài trong kinh tối, kinh sáng và trong thánh
lễ hằng ngày.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin Chúa cho mỗi chúng con, luôn biết tỏ lòng thảo kính đối với các
bậc tổ tiên ông bà, cha mẹ, anh chị em đã qua đời, bằng việc đọc kinh, dâng những
hy sinh việc lành, và đặc biệt là thánh lễ mồng 2 tháng 11 hôm nay, xin vì công
nghiệp của Con Chúa trên Thập giá, mà thứ tha muôn tội lỗi và đưa các ngài về hưởng
hạnh phúc tôn nhan Nước Chúa.
Lẽ sống:
Bên kia sự chết
Trên giường hấp
hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con
một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh".
Có lẽ nhiều người
trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng
của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt
cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy.
Cần được thương,
cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một
hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho,
còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất
lực của mình.
Ðể giúp chúng ta
có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể
hiện mối tình thông hiệp "các thánh
thông công", Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ
động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã
dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và
cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với
những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công
đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: "Giáo Hội lữ
hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho
họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh...".
Nói về sự bầu cử
của các đẳng linh hồn, Công Ðồng viết như sau: "Khi được về quê Trời và hiện diện trước
nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu
bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại đó vừa
là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố
Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.
Quỳ cầu nguyện một
mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang
nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những
người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự
sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết
đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết...
Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh
hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng
chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới
làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với
những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự
bất diệt.
Mỗi lần chúng ta
hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi
một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn
thân để canh tân cuộc sống... Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử. Yêu thương chính
là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Ðó phải là niềm tin
của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người
quá cố. Xin Chúa
nâng đỡ Ðức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng
ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét