PHÚC ÂM: Lc 20, 27-40
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ
sống". (Lc
20,38).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp
Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su :
"Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em
của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để
sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy
vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ
goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối
cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là
vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?"
34 Đức Giê-su đáp : "Con cái đời này
cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời
sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả
thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con
cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông
Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là
Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của
tổ phụ Gia-cóp. 38
Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống,
vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư
lên tiếng nói : "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm." 40 Thế là, họ không dám chất vấn Người
điều gì nữa.
Suy niệm:
Có sự sống lại
Sự sống, thân xác và tất cả những gì con
người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo
toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống
hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời.
Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần
gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống
tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.
Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định
khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng
hôm nay.
Vào thời Chúa
Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự
sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết
cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn
uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên,
một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi.
Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ
dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có
con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp
bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại,
người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn
toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người
Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được
biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như
mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ
trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.
Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng
Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống
lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có
lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục
sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự
chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.
Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin
vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đừng bao giờ quá bám víu
vào sự gì ở đời này, vì tất cả đều biến đổi và qua đi; trái lại, hãy tích cực
tìm kiếm và xây dựng đời sống vĩnh cửu bằng việc chuyên cần tham dự vào bàn tiệc
Thánh Thể nhất là bằng thái độ lắng nghe và sống lời Chúa theo mẫu gương của Mẹ
Maria.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho con cuộc sống này, xin cho con biết quý trọng nó và
sống cho xứng đáng với ơn Chúa. Nếu Chúa có gọi con lìa khỏi thế gian này, xin
cho con cũng mạnh mẽ chấp nhận, vì biết rằng Chúa là sự sống vĩnh cửu mà con hằng
mong ước.
Lẽ sống:
Vâng ý cha dưới
đất cũng như trên trời
William Barlay,
một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh
"Lạy Cha" như sau: Giữa những câu "chúng con nguyện danh Cha cả
sáng, Nước Cha trị đến" và câu "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên
trời" thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật
ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời
thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm
mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng
cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.
Bởi lẽ đây là một
trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng
là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
"Ai
vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ
Ta".
Tuyên bố câu
này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với
Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: "Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi
xin vâng như lời sứ thần truyền" và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã
trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá. Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh,
không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: "Xin vâng!".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét