Thánh Martino, giám mục – Lễ nhớ
Thánh
nhân sinh khoảng năm 316 trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận bí tích
thánh tẩy, sau đó bỏ binh nghiệp. Trước tiên, người làm đồ đệ của thánh
Hilariô, lập đan viện Liguygê, nước Pháp. Rồi khi được đặt làm giám mục giáo phận
Tua (372), người thành lập nhóm đan sĩ truyền giáo. Cùng với họ, người đi giảng
Tin Mừng ở các vùng quê thuộc miền Turen và các vùng phụ cận. Người qua đời năm
397.
PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên
Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". (Lc 17,18).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
11 Trên đường lên
Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc
Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại
đằng xa 13 và
kêu lớn tiếng : "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !" 14 Thấy
vậy, Đức Giê-su bảo họ : "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi
đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền
quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức
Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói : "Không
phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18 Sao
không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này
?" 19
Rồi Người nói với anh ta : "Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa
anh." "Triều Đại Thiên Chúa
đang ở giữa các ông"
Suy niệm:
Thể hiện của tự do thực sự
Trong suốt nhiều
thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên
Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào
vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa
đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do
thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi
vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày
nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy
của ngày Hưu lễ.
Thế nhưng, dần
dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày
Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh
nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê
khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của
tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì
là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở
thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa
cách Thiên Chúa.
Ðó cũng là tình
trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người,
nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách
lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến
Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái
trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa
Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải
tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9
người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng
người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại
cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.
Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ
đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari
vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật
của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên
Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự
do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó
con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn
quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng
giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan
niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài
loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu
độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những
người đầu tiên được vào Nước Chúa.
Ngày nay, có lẽ
nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng
hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời
tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu
của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ
ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta
vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi?
Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa
như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho
chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên
Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri
ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó
con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa
trong cuộc sống mỗi ngày.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Lòng biết ơn cảm tạ Chúa
xuất phát từ việc nhận ra ơn phúc Chúa ban. Không nhận ra hồng ân của Chúa,
không những đưa đến sự vô ơn mà còn ngăn cản chúng ta đến với Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ cho những vong ân bội nghĩa của con. Xin cho con
nhận ra hồng ân và tình thương của Chúa, để con đến với Chúa, để con đền đáp
tình yêu bao la của Chúa cho xứng đáng. Xin giúp con mỗi ngày biết dâng lên
Chúa lời tạ ơn.
Lẽ sống:
Xẻ Áo
Trong một ngày
đông giá lạnh, Martinô, lúc ấy đang còn phục vụ trong quân ngũ và chưa lãnh nhận
niềm tin Kitô, gặp một ông ăn mày nghèo khổ đến độ không có lấy một mảnh vải
che thân, đang ngồi tựa lưng vào bức tường giơ bàn tay khẳng khiu van xin từng
đồng xu nhỏ của những người qua lại. Không sẵn tiền trong túi và cũng không có
lương thực để cho, Martinô nhanh nhẹn leo xuống ngựa, tuốt gươm cắt phân nửa áo
choàng của mình và quàng lên tấm thân gầy guộc của người ăn xin đang run rẩy vì
cái lạnh buốt xương. Kẻ qua đường đồng thanh cười nhạo cử chỉ khác lạ của người
thanh niên.
Ðêm hôm đó, Martinô nằm mơ thấy chính Chúa
Giêsu bận nửa áo choàng mà chàng đã trao tặng cho người ăn mày và Chúa nói:
"Martinô, tuy chưa lãnh nhận Phép Rửa Tội, đã đắp lên tôi chiếc áo
này".
Ai trong chúng
ta cũng biết câu chuyện truyền khẩu trên về hành động bác ái của thánh Martinô,
vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay.
Chào đời vào khoảng
thế kỷ thứ 4 tại Sabaria, nay thuộc nước Hungari, năm 20 tuổi, Martinô được gửi
theo học tại Italia. Tuy là người không theo đạo Kitô, nhưng vì sống giữa các
sinh viên Công Giáo, nên chàng đã suy nghĩ nhiều khi nghe bạn bè nói đến Ðức
Giêsu. Chàng nhất định tìm hiểu xem Giêsu là ai?
Nhưng chẳng bao
lâu chàng bị động viên. Khoảng năm 350, rời khỏi quân ngũ, Martinô xin làm đồ đệ
thánh Hilariô, giám mục thành Potiers. Nhận thấy Martinô là người đầy nhân đức
và có học thức, giám mục Hilariô đã phong cho chàng các chức thánh.
Năm 350, bè rối
Ariô bắt thánh Hilariô đem đi đày vì ngài chống lại họ. Martinô cũng bị giám mục
thành Milan là người bệnh vực bè rối trục xuất khỏi giáo phận và sống trên một
hòn đảo cùng với một linh mục khác. Sau khi thánh Hilariô được tha, Martinô trở
lại Poachi và lập một dòng tu tại Luguygé. Năm 370, khi đến Cadet để hòa giải một
bất bình giữa một số linh mục và tu sĩ, ngài đã ngã bệnh và từ trần tại đó.
Mỗi năm gần đến
ngày lễ thánh Martinô thành Tôrinô, các trẻ em vùng nói tiếng Ðức cũng náo nức
như các trẻ em Việt Nam nôn nao đếm từng ngày trước lễ Trung Thu. Vì đây cũng
là ngày các em rước đèn đi đến khoảng sân rộng để xem diễn tuồng thánh Martinô,
với những bài hát ca ngợi tình yêu thương cụ thể của chàng sĩ quan trẻ tuổi, với
vở tuồng được trình diễn bằng người ngựa thật và nhất là với những quà bánh
thơm ngon được trình bày bán chung quanh chỗ diễn tuồng.
Chủ đích của cuộc
lễ này vẫn là khắc ghi đậm nét vào lòng các trẻ em mẫu gương "xẻ áo"
của thánh Martinô để giúp các em hiểu rõ lời Chúa Giêsu tuyên bố trong ngày
phán xét: "Ta bảo thật: mỗi lần anh chị em làm những
điều ấy cho một kẻ hèn mọn trong anh em Ta, thì là làm cho chính Ta vậy".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét