PHÚC ÂM: Lc 21, 20-28
"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành
cho các dân ngoại chấm dứt". (Lc 21,24).
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
20 "Khi anh em thấy thành
Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến
ngày khốc hại của thành. 21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi ;
ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác ; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22 Thật
vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh
Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người
đang cho con bú trong những ngày đó !"Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên
đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ
bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho
đến khi mãn thời của dân ngoại.
25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời,
mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển
gào sóng thét. 26
Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì
các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền
năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy
ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."
Suy niệm:
Giờ cứu
rỗi gần đến
Từ năm 44 TCN đến
năm 66 SCN, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc ác, dã man,
đến nỗi dân Do thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới gót giầy của
Ðế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang đánh dẹp những
cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi Hoàng đế tại Rôma, ông sai con cả là
Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê. Nghe tin Titô kéo quân về Giêrusalem, 25,000
người Do thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh hưởng đã hợp lực tổ
chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu: 80,000 quân với đầy
đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu tháng 7 năm 70, Titô
lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày 6/8 việc tế tự trong Ðền
thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8 quân Rôma đánh phá và đốt Ðền thờ. Hai ngày sau, tức
ngày 30/8 năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90,000
người Do thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa
Giêsu.
Tuy nhiên, lời của
Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên
báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có
các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt
trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng
biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng
xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ
xuất hiện uy nghi trên đám mây... Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi
đã đến gần".
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ
giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái
chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh,
bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa
Giêsu sẽ là kim chỉ nam: "Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở
trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành". Ðành rằng,
bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui, sự hãnh diện, tình yêu
thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lý do
gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những ràng buộc của thân
xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.
Ước gì mỗi người
chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Thành Giêrusalem sẽ bị tàn
phá, khắp địa cầu sẽ ngập sâu trong cảnh khốn cùng. Thiên Chúa sẽ thi hành án xử
công minh dành cho kẻ khước từ Đức Kitô. Người Kitô hữu phải vững lòng cậy tin
trông chờ ngày cứu thoát.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Đấng quyền phép và công minh, xin giúp con mạnh mẽ quyết tâm sống một
đời vững tin, trung kiên giữ luật Chúa, cương quyết xa đàng tội và chăm lo lãnh
nhận các bí tích thần thiêng của Chúa, và cùng với anh chị em làm sáng Danh
Chúa trước mặt mọi người. Xin giúp con luôn nhớ rằng ngày tận cùng của con đang
được định đoạt từ hôm nay. Con trông cậy Chúa, xin cứu giúp con.
Lẽ sống:
Vui với người
vui, khóc với kẻ khóc
Cha Pierre, người
sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được
nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một
trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia
đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập
trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha
mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em
tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái
độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với
một người anh như sau: "Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý
nghĩa gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi
nơi khác.
Ba tôi đang đau
liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông
cho gọi tôi vào Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm
của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: "Con
không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là
người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được
sung sướng?"
Lúc đó tôi mới
hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội
trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ
quên được câu chuyện trên đây. Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời
còn lại của tôi.
Ba nguyên tắc cơ
bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết
đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một
sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá
trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên tắc thứ
hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ
chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi
dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ
túng thiếu hơn.
Nguyên tắc thứ
ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng
đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm
chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của
mình.
Có lẽ nguyên tắc
cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là
bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng
khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên tắc trên
đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài: "Vui với người
vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống trong địa
vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn,
mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc
đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là: "Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh
phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính
mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét