Thánh Martino Porres, tu sĩ
Hôm nay chúng ta tụ họp lại đây để mừng ngày sinh nhật
trên trời của một vị thánh đã sống cách xa chúng ta tới 4 thế kỷ nhưng cuộc sống
Ngài đã sống lại vẫn còn rất gần gũi với chúng ta.
Lúc còn sống ở trên đời, vì khiêm nhường Ngài vẫn tự
xưng mình là "tên tiểu tốt" hay một "con chó lai", nhưng từ
ngày Ngài qua đời đến nay danh tiếng nhân đức và quyền uy của Ngài càng ngày
càng được phổ cập trên khắp bốn bể năm châu. Ngày 8.9.1837 Ngài được Đức
Grêgôriô XVI tuyên lên hàng chân phước. Ngày 10.6.1955 Đức Pio XII đặt Ngài làm
bổn mạng các tổ chức Xã hội tại nước Cộng Hòa Péru.
Ngày 6.5.1962 Đức Gioan XXII suy tôn Ngài lên hàng
hiển thánh.
Ngày 20.7.1966 Đức Phaolô VI đặt Ngài làm bổn mạng
những thợ hớt tóc và uốn tóc tại nước Ý.
Và ngày 25.4.1973 Ngài được dặt làm bổn mạng Hội
Liên hiệp các Công đoàn tại Tây Ban Nha.
Trong Lịch sử của Giáo Hội ít có vị thánh nào được
nhiều người, nhiều tổ chức nhận làm bổn mạng như thế. Đây là một sự kiện hiếm
có trong Giáo Hội và có thể nói là cả trong Lịch sử của Thế giới nữa.
Nguyện
xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Martino, đổ tràn muôn ân sủng và
bình an xuống trên chúng con, đặc biệt những anh chị em yếu đau, nghèo khổ, bệnh
tật.
PHÚC ÂM: Lc 14, 15-24
"Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và
cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi". (Lc 14,23).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
15 Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn
nói với Đức Giê-su : "Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa
!" 16
Người đáp : "Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. 17 Đến
giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng : 'Mời quý vị đến, cỗ bàn
đã sẵn.' 18
Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói : 'Tôi mới mua
một thửa đất, cần phải đi thăm ; cho tôi xin kiếu.' 19 Người khác nói : 'Tôi mới tậu năm
cặp bò, tôi đi thử đây ; cho tôi xin kiếu.' 20 Người khác nói : 'Tôi mới cưới vợ,
nên không thể đến được.'
21 "Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc
cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng : 'Mau ra các
nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui
mù, què quặt vào đây.' 22 Đầy tớ nói : 'Thưa ông, lệnh ông đã được thi
hành mà vẫn còn chỗ.' 23 Ông chủ bảo người đầy tớ : 'Ra các đường làng,
đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. 24 Tôi nói cho các anh biết : Những khách đã được
mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.”
Suy niệm:
Lời mời
dự tiệc
Một trong những
hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc. Sách Cách
Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi. Ngôn sứ
Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến, tất
cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc mà
Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài.
Tại Palestina, mỗi
khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời trước, và người
chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông
chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ
chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên Chúa là
ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Israel.
Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ
đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh
nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc
tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối. Bàn tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và
khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi người chúng ta. Bí tích Rửa tội
là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc này. Nhưng khi giờ đã đến,
chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất, bởi thú vui trần thế, mà
bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh. Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng
ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi
ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn, chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được
mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên quốc.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Tham dự thánh lễ, đặc biệt
thánh lễ Chúa Nhật, cách “ý thức, trọn vẹn và tích cực” (HC Phụng Vụ, 14).
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, hạnh phúc của con là được Chúa ở cùng. Xin cho con biết chia sẻ niềm
vui đó cho anh em.
Lẽ sống:
Con chỉ là một
tên mọi đen
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Martinô
Porres.
Nhắc đến thánh
nhân, người ta thường liên tưởng đến những ơn lạ lùng như xuất thần ngất trí
trong khi cầu nguyện, như hiện diện ở hai nơi cùng một lúc, hoặc như có thể trò
chuyện và điều khiển cả thú vật.
Vị thánh có lòng
bác ái cao độ này lại xuất thân từ một hoàn cảnh vô cùng bi đát và đắng cay. Là
con của một thiếu nữ da đen đã từng bị đem bán làm nô lệ vào một nhà quý tộc
người Tây Ban Nha, Martinô đã được vị linh mục Rửa Tội ghi trong sổ bộ của giáo
xứ là "con không cha". Quả thật, con không cha như nhà không nóc.
Martinô đa lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cha mãi cho đến năm 8 tuổi. Nhưng
sau khi được chính thức thừa nhận không bao lâu, thì người cha lại bỏ rơi gia
đình. Một lần nữa, cậu bé Martinô lại rơi vào cảnh khốn khổ như đa số các em bé
nghèo của thành phố Lima, Pêru vào giữa thế kỷ thứ 16.
Nhưng cảnh nghèo ấy đã không gieo vào lòng
cậu bé mang hai dòng máu này chút đắng cay nào. Trái lại, cậu tiếp nhận mọi biến
cố xảy đến trong cuộc sống như một thách đố, như một ân sủng.
Năm 12 tuổi,
Martinô đã được học nghề hớt tóc và đôi chút xảo thuật của ngành giải phẫu. Vừa
hành nghề như một người thợ hớt tóc, vừa như một y tá, Martinô đã đem hết sự
hăng say và tận tụy của mình để phục vụ những người nghèo đồng cảnh ngộ.
Nhưng nhận thấy
chỉ có thể sống trọn Ðức Ái trong một tu viện, Martinô đã đến gõ cửa một nhà
dòng Ðaminh để xin được làm trợ sĩ trong nhà. Bí quyết nên thánh của thầy
Martinô là sám hối cầu nguyện và phục vụ, nhất là phục vụ trong những công việc
vô danh nhất. Lần kia, nhà dòng mang nợ đến độ không thể bảo đảm được các nhu cầu
của các tu sĩ, thầy Martinô đã đến thưa với Bề trên như sau: "Thưa cha, con
chỉ là tên mọi đen. Xin hãy bán con đi".
Sẵn sàng hy sinh
mạng sống của mình cho người khác, thầy Martinô cũng luôn nhận tất cả phần lỗi
về mình.
Ôn lại gương hy
sinh, cầu nguyện và bác ái của thánh Martinô, không những chúng ta chỉ chạy đến
xin ngài bầu cử trong những lúc gặp gian nan thử thách, nhưng quan trọng hơn cả
vẫn là lòng tín thác vào Chúa quan phòng của thánh nhân mà chúng ta cần học hỏi,
nhất là trong giai đoạn gặp khó khăn này.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người.
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta. Một Thiên Chúa quan phòng là Ðấng có thể
biến tất cả những đắng cay, buồn phiền, thất bại, khổ đau trong cuộc sống con
người thành khởi đầu của một nguồn ơn cao quí hơn. Cũng như loài
ong chỉ rút mật ngọt từ bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, cũng thế, người có
niềm tin luôn có thể rút tỉa được những sức đẩy mới từ những thất bại rủi ro
trong cuộc sống. Thánh
Martinô đã không hận đời đen bạc vì bị người cha bỏ rơi, mà trái lại xem đó như
một dịp may để cảm thông, để học hỏi và để phục vụ người khác hữu hiệu hơn.
"Hạt lúa rơi
xuống đất có mục nát đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt". Ðó
là định luật của cuộc sống. Thập giá trong cuộc sống thường là khởi đầu và cơ
may cho một vươn lên cao hơn. Chúng ta thường chạy đến khẩn cầu với
thánh Martinô trong cơn hoạn nạn thử thách, chúng ta cũng hãy noi gương ngài để
phó thác cho Tình Yêu quan phòng của Chúa, và nhất là xin Ngài cũng giúp chúng
ta luôn biết lấy Tình Thương để thắng vượt những ngược đãi của người đời, cũng
luôn biết sẵn sàng phục vụ và phục vụ bằng chính mạng sống của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét