Phúc Âm : Lc 21,25-28.34-36
"Giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
(Lc 21,28).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt
trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh
biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những
gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy
giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây
mà đến. 28
Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì
anh em sắp được cứu chuộc."
34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ
để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một
chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt
đất. 36
Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp
xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."
Suy
niệm:
Hãy tỉnh thức
Trước hết, chúng ta cần tỉnh thức để nhận
ra Chúa đang đến trong đời mình: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng
nề vì chè chén say sưa”. Mỗi ngày, Chúa đang đến để gặp gỡ chúng ta.
Mùa
Vọng đã về. Nói đến Mùa Vọng, chúng ta nghĩ ngay đến những điệu nhạc du dương,
những trang hoàng lộng lẫy, những kiểu mẫu đầu tóc, quần áo sành điệu. Lời Chúa
hôm nay lại nhấn mạnh đến sự tỉnh thức, như một điều kiện cốt lõi của đời sống Đức
tin. Một số người ngày nay thường thích nói công thức thuộc lòng: ngày lễ Giáng
Sinh không còn của riêng của người Công giáo, nhưng của cả xã hội. Công thức
này hàm chứa một quan niệm lệch lạc, đó là coi ngày kỷ niệm Chúa giáng trần như
một lễ hội truyền thống mà quên đi chiều kích thiêng liêng và sứ điệp của việc
Chúa đến trần gian. Bởi lẽ Hài Nhi Giêsu đã làm người từ hơn hai ngàn năm nay để
cứu nhân độ thế và để mời gọi con người hãy tỉnh thức để lắng nghe và thực hiện
giáo huấn của Người.
Trước
hết, chúng ta cần tỉnh thức để nhận ra Chúa đang đến trong đời mình: “Anh em phải đề
phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”. Mỗi ngày,
Chúa đang đến để gặp gỡ chúng ta. Đức Thánh Cha Benêđitô đã định nghĩa: Đức tin
là cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa. Nhờ Đức tin, chúng ta được gặp Ngài, có thể
nói chuyện với Ngài, thân thưa với Ngài biết bao chuyện vui buồn của cuộc sống.
Nhờ gắn bó với Chúa, cuộc đời chúng ta thuộc trọn về Ngài, “Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức, vẫn tin yêu một
mực chân tình” (Thánh thi Kinh tối). Chúa hiện diện qua vẻ đẹp huy
hoàng của vũ trụ, qua cha mẹ và những người bạn tốt biết lắng nghe và đồng cảm
với chúng ta. Chúa còn hiện diện cách đặc biệt qua Lời Chúa và Thánh Thể. Mỗi
khi suy niệm và thinh lặng tôn thờ, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Ngài.
Có Chúa trong đời, chúng ta không còn cô đơn. Nghe lời Chúa, chúng ta không sợ
lầm lạc. Tín thác nơi Chúa, chúng ta không sợ thất vọng. Trong xã hội hôm nay,
dường như Lời Chúa bị bóp nghẹt bởi biết bao thứ âm thanh hỗn tạp của đam mê
quay cuồng. Chúng ta cần tỉnh thức và dành một chốn riêng tư trong tâm hồn, nhờ
đó chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời.
Sống
trong cuộc đời, chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ thời đại. “Bấy giờ, thiên hạ sẽ
thấy Con Người đầy quyền năng ngự trong đám mây mà đến”. Công đồng Vatican II đã
chỉ rõ: “Để chu toàn phận vụ ấy (bổn phận phục vụ con người), Giáo Hội phải
luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy
dưới ánh sáng của Tin Mừng; như vậy, Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp
thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người, về ý
nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống
ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như
những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó” (MV
4). Mỗi ngày, xung quanh chúng ta, có biết bao sự việc xảy đến, Đức tin và Lời
Chúa mách bảo chúng ta, hãy nhìn nhận những vụ việc ấy như những dấu chỉ của thời
đại, tức là mỗi sự kiện xảy đến đều kèm theo một sứ điệp, như lời cảnh báo
chúng ta hãy thận trọng và khôn ngoan, hoặc hãy tin tưởng phó thác nơi Chúa
quan phòng. Nếu biết “giải mã” các dấu chỉ thời đại, chúng ta sẽ nhận ra thánh
ý của Chúa để thực hành, và như thế, chúng ta tìm được sự bình an.
Sau
cùng, chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra mọi người đều là anh chị em: Mỗi
người sống trên đời không phải là một ốc đảo cô đơn, nhưng sống cùng và sống với
mọi người trong cộng đồng xã hội. Hơn nữa, là tín hữu, chúng ta còn có sự bao bọc
nâng đỡ của cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Đức tin khẳng định, họ cùng là anh
chị em với chúng ta, và cùng là con của Cha trên trời. “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với
nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương
của chúng tôi đối với anh em vậy”. Tình yêu thương là nền tảng của mọi
cộng đoàn Đức tin, là điều kiện cốt lõi để công cuộc truyền giáo có hiệu quả. Lễ
Giáng Sinh sẽ trở nên vô nghĩa nếu được cử hành với tâm trạng thù oán chia rẽ.
Chúa Hài Nhi sẽ không ngự đến nơi những tâm hồn ích kỷ khép kín hoặc chứa đầy
tham vọng. Giuse, Maria, những mục đồng, đó là những người có tấm lòng rộng mở để
đón Chúa đến trong đời.
“Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta”.
Đây là danh xưng của Chúa, vừa là một mơ ước về một cuộc sống tương lai, khi
con người sống hài hòa với nhau, không còn chia rẽ, không còn hận thù, nhưng chỉ
còn sự công chính của Chúa bao trùm vũ trụ và toàn thể nhân loại.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận
Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Mẹ Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót, Thân Mẫu của Đấng Chịu
Đóng Đinh và cũng là Thân Mẫu của Đấng Phục Sinh đã bước vào trong thánh địa
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, xin dẫn chúng con bước vào cửa lòng thương xót
cả Thiên Chúa.
Lẽ sống:
Cái
Dũng Của Thánh Nhân
Thánh
Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.
Ngài
được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực,
Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại
vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung
nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh.
Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với
người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa
của các trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên
vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành
phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân
chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ
nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng
chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động.
Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết
phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ
khí ác hại nhất là hận thù.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét