Thánh Josaphat, Giám Mục, tử đạo – Lễ nhớ
Thánh
nhân sinh khoảng năm 1580 tại U-cơ-rai-na, trong một gia đình theo chính thống
giáo. Nhưng người lại sớm gắn bó với giáo hội U-cơ-rai-na hiệp nhất với Rôma.
Năm 1617, người làm tổng giám mục Pô-lốc và dấn thân phục vụ dân tộc mình không
so đo tính toán, nhất là cố gắng lo cho việc hiệp nhất Hội Thánh. Thành công
trong hoạt động tông đồ của người đã khiến cho các kẻ thù của Hội Thánh công
giáo căm ghét người. Người bị giết ở Vi-tép trong lúc đang viếng thăm các tín hữu,
năm 1623.
PHÚC ÂM: Lc 17, 20-25
"Nước Thiên Chúa ở giữa các
ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ
Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : "Triều Đại Thiên Chúa không đến
như một điều có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói : 'Ở đây này !' hay 'Ở
kia kìa !', vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ :
"Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người
thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em : 'Người ở kia kìa !'
hay 'Người ở đây này !' Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ
phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy
trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều
và bị thế hệ này loại bỏ.
Suy niệm:
Sống sung mãn giây phút hiện
tại
Hiện nay, con số
các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang gia tăng đáng kể. Năm 1968, không có
hoạt động khủng bố nào liên hệ đến tôn giáo, nhưng ngày nay có rất nhiều nhóm tự
xưng là Kitô giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo. Mẫu số chung của các nhóm này
là niềm tin vào một ngày thế mạt, họ chủ trương bạo động, vì tin rằng nhờ cuộc
chiến tranh ở qui mô thế giới, hay nhờ một thiên tai nào đó, họ sẽ được đưa vào
Thiên Ðàng. Các giáo phái mong mỏi ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ
19 và hiện nay vẫn còn thu hút nhiều tín đồ. Tuy nhiên mới đây một số đã cáo
chung vì bạo động: cách đây vài năm, một giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo nhiều
tín đồ đến chỗ tự vẫn và đã tự giải tán, vì ngày thế mạt họ chờ đợi đã không đến.
Vụ phun hơi ngạt do giáo phái "Chân Lý Tối Thượng" chủ trương tại Nhật
Bản dạo tháng 3/1995 cũng cho thấy sự khởi sắc bất ngờ của niềm tin vào ngày thế
mạt nơi người Nhật bản.
Tin vào ngày thế
mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những điểm nòng cốt
của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các
tín hữu khi tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và
tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". "Chúa lại đến",
đó là niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là
năm 2000, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không
bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết
ngày giờ nào.
Chính vì tính
cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có
nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không
ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến
Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm
mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những
nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới
có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được
trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống
của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại
mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến
vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Qua cuộc sống của
Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống
sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con
người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh
thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống
như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có
đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của
con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
Nguyện xin Chúa
ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp
gỡ mỗi ngày.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Thánh Phaolô xác định mạnh
mẽ: “Nước Thiên
Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và
hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Luôn sống trong tình thân
nghĩa với Đức Ki-tô để Nước Thiên Chúa lớn lên trong tôi và trong những người sống
quanh tôi.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết kiên trì xây dựng vương quốc tình yêu của
Chúa trong các tâm hồn.
Lẽ sống:
Tình yêu mạnh hơn thời gian
Một hôm, vua Ai
Cập đang đứng chiêm ngưỡng những bia tháp mà ông đã cho dựng lên tại thành phố
Eliopolis. Bỗng nhiên có một cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu đến, đã
cười ngạo nghễ và thách thức với nhà vua như sau: Hãy bỏ tất cả và cút đi...
Nhà vua giận tím
gan, thế nhưng ông ta đã tự chủ và trả lời: "Hỡi người già, ngươi là ai mà
dám ra lệnh cho ta một cách hỗn láo như thế... Không lẽ ngươi có nhiều quyền thế
hơn ta?".
Lão ông tự giới
thiệu: "Ðúng thế, bởi vì ta là Thời Gian...".
Nghe đến tên Thời
Gian, vua Ai Cập tái mặt và té khỏi ngai vàng... Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập
cũng sụp đổ.
Lão già Thời
Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên thế giới. Lão đi đến đâu, thì các đế quốc
rơi rụng như sung: Hôm nay tại Babylone, ngày mai tại Athène, ngày mốt tại
Ninive, tại Carthage...
Nhưng ngày kia,
người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi Vatican một cụ già khác. Cụ tuyên bố
nghênh chiến với lão già Thời Gian. Lão già Thời Gian tưởng mình có thể phá vỡ
tất cả mọi công trình của con người trên trần gian này. Cũng một giọng điệu vô
cùng hách dịch, lão ta cũng đến trước cửa Vatican và dõng dạc tuyên bố:
"Ta là Thời Gian đây". Tiếng gầm thét đó đã làm rung chuyển trái đất,
thế nhưng đã không làm cho bô lão trên ngọn đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình
tĩnh đáp lại: "Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu!... Xuyên qua các thế hệ, ta
phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với loài người...".
Thời gian là liều thuốc chữa được mọi khổ
đau... Thời gian giúp chúng ta quên được dĩ vãng u buồn... Ðó là những câu nói
mà chúng ta thường dùng để tự an ủi mình hoặc người khác khi đứng trước thất bại,
hay bất cứ một nỗi bất hạnh nào...
Mà quả thật, thời
gian không những giúp chúng ta chữa lành được nhiều vết thương trong cuộc sống,
thời gian còn là một kẻ phá hoại tàn nhẫn. Cái chết xảy ra hằng ngày xung quanh
chúng ta là một chiến thắng của thời gian. Sự sụp đổ của không biết bao nhiêu đế
quốc trên cõi trần này cũng là một chiến thắng của thời gian...
Chỉ có một sức mạnh
thời gian phải nhượng bộ: đó là sức mạnh của Tình Yêu. Chúng ta thường nói:
Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Ðúng hơn, chúng ta phải nói: Tình Yêu mạnh hơn Thời
Gian, bởi lẽ thời gian không bao giờ có thể xóa mờ được tình yêu.
Bất cứ một nghĩa
cử yêu thương nào mà con người làm cho tha nhân, đều trở thành bất diệt. Những
nghĩa cử yêu thương trở thành bất diệt là bởi vì nó tham dự vào tình yêu của
Thiên Chúa. Người sống cho kẻ khác là người sống cho Chúa. Và ai sống cho Chúa
tức là sống mãi trong Tình Yêu.
Chúng ta đang cầu nguyện cho các đẳng linh
hồn trong tháng 11 này. Chúng ta cầu nguyện vì chúng ta tin rằng thời gian đã
không đưa họ đi vào quên lãng. Trong tình yêu của Chúa mà chúng ta đang san sẻ
cho những người xung quanh, những người quá cố cũng sẽ được sống mãi. Còn lời
kinh nào hữu hiệu hơn cho những người quá cố cho bằng những nghĩa cử yêu thương
của chúng ta...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét