Cung hiến thanh đường Laterano – Lễ
kính
Ðền thờ mẹ của tất cả mọi nhà thờ.
Thánh đường
Latêranô là vương cung thánh đường của Đức Giáo Hoàng. Thánh đường này được hoàng đế Contantinô xây dựng năm
320. Vì thế, đây là thánh đường đầu tiên và danh dự, được mệnh danh “là đầu và là mẹ của mọi thánh đường”.
Ngày lễ này nhắc ta nhớ rằng thừa tác vụ của Đức
Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, là nguyên nhân và nền tảng hữu hình cho sự
hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa.
PHÚC ÂM: Ga 2, 13-22
"Người có ý nói đền thờ là thân thể
Người". (Ga 2,21).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức
Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên,
bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua
đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người
đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu
: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi
buôn bán." 17
Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc
nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su :
"Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế
?" 19
Đức Giê-su đáp : "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ
xây dựng lại." 20 Người Do-thái nói : "Đền Thờ này phải mất
bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao
?" 21
Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi
Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào
Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
Suy niệm:
Ðền thờ mẹ của tất cả mọi
nhà thờ
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ cung hiến
đền thờ Latêranô. Ðền thờ xây cất với tư cách là nhà thờ của giáo phận Rôma, trọng
tâm hiệp thông và hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội công giáo.
Ðền thờ Latêranô
được xem như là đền thờ mẹ của tất cả mọi nhà thờ của thành Rôma và của toàn thế
giới. Toàn thể
Giáo Hội công giáo mừng lễ kỷ niệm cung hiến đền thờ này để nói lên sự hiệp
thông Giáo Hội. Giáo Hội Chúa hiện diện khắp nơi trên thế giới được hiệp nhất
và hiệp thông với nhau. Như thế, đền thờ Latêranô còn là dấu hiệu mời gọi hiệp
thông và hiệp nhất. Sự hiệp thông và hiệp nhất này đã được bắt đầu trước hết nơi
tâm hồn con người đón nhận Tin Mừng của Chúa và tôn thờ Ngài trong sự thật và
trong tinh thần. Ðền thờ bằng đá không còn ý nghĩa nếu không có đền thờ tinh thần
nơi tâm hồn con người, nếu con người không biến tâm hồn mình làm đền thờ sống động
cho Thiên Chúa ngự trị.
Con người mọi thời
đại đều bị cám dỗ trần tục hóa đền thờ, trần tục hóa niềm tin tôn giáo như những
kẻ buôn bán đổi tiền được nhắc đến trong Phúc Âm hôm nay. Mỗi người Kitô chúng
ta từng xác tín điều này và góp phần của mình để giúp anh chị em chung quanh
cũng được soi sáng hiểu như vậy. Ðây là một trong những trách nhiệm của từng người
Kitô đối với anh chị em mình. Ðó là chỉ cho anh chị em mình phải biết tôn thờ
Thiên Chúa như thế nào cho phải đạo. Chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội vượt ra
bên ngoài cơ cấu hữu hình và đồng thời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về bổn
phận phải làm sao, hay làm chứng cho anh
chị em được hiểu và trở thành kẻ thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong Thánh Thần
và trong sự thật. Ðây chính là ý nghĩa mà lễ mừng cung hiến đền thờ
Latêranô nhắc lại cho mỗi người chúng ta hôm nay.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Tôi xác tín: “Vì nhiệt tâm
lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (c. 17). Biết thật sự kính trọng
đền thờ của Chúa nơi tâm hồn và thân thể. Đừng làm ô uế đền thờ của Chúa bằng
những tư tưởng xấu, những tâm tình ích kỷ, kiêu căng; mà hãy lo trang hoàng đền
thờ của Chúa bằng những tư tưởng và hành động tốt đẹp, bằng những nỗ lực sống
thuận theo thánh ý Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin biến đổi mỗi người chúng con trở thành đền thờ sống động của
Chúa và trở thành những kẻ tôn thờ Chúa đích thực như lòng Chúa mong ước trong
sự thật và trong Thánh Thần.
Lẽ sống:
Dấu chỉ của hòa bình
Một trong những
biểu tượng sống động nhất trên thế giới là khát vọng hòa bình của con người, có
lẽ là bảo tàng viện và đài kỷ niệm những nạn nhân đầu tiên của bom hạt nhân tại
thành phố Hiroshima bên Nhật Bản...
Bước vào tháng
8, kỷ niệm bom nguyên tử được dội xuống Hiroshima, hàng trăm ngàn người Nhật Bản
đã tập trung trước đài kỷ niệm tại thành phố này để tưởng niệm những người đã
chết. Từ 4 giờ sáng, chuông các chùa chiền và giáo đường trên toàn quốc đổ hồi để
nhắc nhở người Nhật về biến cố đau thương này.
Hiroshima tưởng
niệm những người quá cố, nhưng nó không là biểu trưng của hận thù, trái lại,
trong những giây phút mặc niệm trước những nạn nhân của bom hạt nhân, tất cả mọi
người Nhật đều được mời gọi để tha thứ và xây dựng hòa bình.
Ông Akihiro
Takahashi, một nạn nhân còn sống sót của biến cố, nay đã được bầu làm giám đốc
của bảo tàng viện hòa bình Hiroshima và đồng thời điều khiển tổ chức văn hóa phụng
sự hòa bình của thành phố, đã nói lên tâm tình của ông như sau:
"Tôi đã
không bao giờ quên ngày đó... Qua bao nhiêu năm, tôi đã thù ghét chế độ quân
phiệt của Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi là đứa bé khỏe mạnh, ngày
nay tôi đã trở thành một người bệnh hoạn... Tuy nhiên, trong những năm gần đây,
tôi đã gặp gỡ với rất nhiều người có tín ngưỡng, nhất là các bạn trẻ. Họ đã mời
gọi tôi tha thứ... Qua những cuộc gặp gỡ này, tôi đã lướt thắng được hận thù.
Tôi cũng đã nói chuyện với viên trung úy phi công ném bom và tôi đã có thể nói
với ông rằng tôi không kết án ông nữa".
Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết
ấy có lẽ chỉ có giá trị đối với sự thù hận. Người chết không còn hận thù nhau nữa.
Dù có căm thù sâu sắc đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa địa, những người
chết sẽ không bao giờ thấy một cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế
giới không còn chiến tranh, không còn vũ khí, không còn hận thù nhau nữa... có
lẽ đó là thế giới của nghĩa trang. Nơi đó chính là nơi an nghỉ khỏi mọi thù hận.
Cái chết, dù độc
ác đến đâu, cũng trở thành đấu chỉ của hòa bình... Ðó là điều mà chúng ta có thể
xác quyết khi nhìn ngắm cái chết của Ðức Kitô trên thập giá. Ngài chết để lôi kéo
mọi người đến với Ngài. Và để thực hiện điều đó, trong những giây phút cuối
cùng của cuộc sống trần gian, Ngài đã
tha thứ ngay cho những kẻ đang hành hạ Ngài.
Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta
hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người quá cố đó có thể là những người
thân của chúng ta, họ cũng có thể là những người chúng ta chưa hề quen biết, nhưng
nhất là những người đã từng là kẻ thù của chúng ta... Tâm tình của người Kitô
chúng ta trước hết phải là tâm tình tha thứ của Chúa Giêsu... Cái chết của Chúa
Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và hòa bình. Cái chết của những
người Nhật Bản tại Hiroshima đã trở thành một lời kêu gọi xây dựng hòa bình và
tha thứ... Cái chết
của những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm trong suốt tháng 11 này
cũng phải là một âm vang của chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: Xin Cha tha cho chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét