PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10
"Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức
Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu
những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là
ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền
chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi
qua đó. 5 Khi
Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông
Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" 6 Ông vội
vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : "Nhà
người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng
: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu
tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." 9 Đức
Giê-su mới nói về ông ta rằng : "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi
người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những
gì đã mất."
Suy niệm:
Thủ lãnh người thu thuế
Gặp gỡ Chúa
Giêsu Kitô luôn luôn là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không
lo sợ hay tránh né cuộc gặp gỡ này với những lý do này, lý do nọ. Hôm qua,
chúng ta cùng nhau suy niệm về thái độ khiêm tốn của anh mù ăn xin bên vệ đường
gần thành Giêrikhô, nhưng vội vàng nắm lấy vận may khi nghe biết Chúa Giêsu đi
ngang qua và chân thành cầu xin: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót con.
Xin cho con được nhìn thấy". Và anh đã được nhìn thấy ơn lành của Chúa và
ca tụng Ngài.
Hôm nay, Giáo Hội
trình bày cho chúng ta một cuộc gặp gỡ khác nữa, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và
ông Dakêu, người thu thuế. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho ông Dakêu ơn ăn năn
trở lại và sự an vui trong tâm hồn mà ông hằng mong ước.
Trong cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, chúng ta thấy có hai thái độ:
1. Thái độ của những kẻ tự cho mình là
công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác gặp được Chúa, được ơn
lành của Ngài và ăn năn trở lại. Ðó là thái độ mà chúng ta nhìn thấy nơi những
kẻ lẩm bẩm trách Chúa đến trú ngụ và chia sẻ tình thân với ông Dakêu qua bữa tiệc:
"ông này trú
ngụ tại nhà người tội lỗi và là tội lỗi nặng, đã bị cộng đồng chối từ loại bỏ".
Thái độ của họ cũng giống như thái độ của những người ngăn trở không cho anh mù
ăn xin bên vệ đường đến gặp Chúa Giêsu. Họ ngăn cản anh, bảo anh hãy im đi. Liệu
chúng ta có có thái độ giống như vậy hay không?
Chúng ta có thể
tự phụ mình là người công chính mà khinh dễ anh chị em chung quanh. Xét đoán
anh chị em là kẻ tội lỗi và không đáng gặp Chúa Giêsu, không đáng lãnh nhận ơn
lành Ngài ban, không đáng được thông cảm để trở về với Chúa và canh tân đời sống
tốt đẹp hơn. Chúng ta có thái độ tự phụ như vậy không? Không ai xấu xa mãi mãi đến độ không đáng hưởng
nhận lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa.
2. Thái độ thứ hai là thái độ của ông
Dakêu, người thu thuế trưởng và giàu có. Hai chi tiết này không nhằm mô tả địa
vị xã hội của ông, mà mô tả tình trạng tinh thần của ông. Người thu thuế là kẻ
tội lỗi công khai, tội phản bội quê hương, tội cộng tác với ngoại bang đế quốc
Rôma thống trị và tội gian lận tham nhũng tiền thuế, vì người thu thuế có quyền
do người Rôma thống trị ban cho là thu thuế cao mà chỉ góp cho chính quyền Rôma
theo mức qui định thấp hơn để có thể có lợi cho mình. Ông Dakêu là người thu
thuế trưởng và giàu có. Sự giầu có chứng minh là ông đã có hành vi bất chính để
làm giàu, đó là thu nhiều nộp ít để làm giàu. Ðối với người đồng hương của ông,
hay những kẻ tự phụ cho mình là người công chính mà khinh dễ kẻ khác, ông Dakêu
là con người tội lỗi, và tội của ông ta không thể tha thứ được nữa.
Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài vốn đến là để
cứu chữa những gì đã hư mất, thì ông Dakêu lại là nơi để thể hiện tình thương
nhân từ của Ngài.
Nơi con người tội lỗi Dakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong ước
được nhìn xem Chúa đi qua. Ðây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người. Từ khao khát gặp được
Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng cách không vượt qua được. Chúa
Giêsu có thể vượt qua được khoảng cách này một khi con người có sẵn thái độ chờ
mong Ngài đến. Thái độ của ông Dakêu có thể khuyến khích chúng ta
trên con đường trở về với Chúa. Ông Dakêu đã thể
hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho
anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã
gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy hay không?
Lạy Chúa, Chúng
con đã nhiều lần dốc lòng với Chúa sẽ làm điều này, làm việc kia để chứng tỏ đã
được trở về với Chúa. Nhưng có thể chúng con không can đảm, không nghiêm chỉnh đủ
để làm như ông Dakêu đã làm. Xin cho chúng con đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng
lòng nhân từ của Chúa. Ơn Chúa mạnh hơn tội lỗi nhưng chúng con phải cộng tác với
ơn Chúa. Lạy Chúa, Xin thương giúp chúng con trở về với Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đức
Thánh Cha Bênêdictô 16 đã gửi đi một sứ điệp : “Trong mọi thời kỳ của lịch sử, nhiệm vụ căn bản và cấp bách của Giáo Hội là làm
cho mọi thành viên hoán cải mà đến gần
Chúa hơn. Thánh Carôlô Bôrômêô là một mẫu gương thích hợp cho mọi người, qua sự
hoán cải cá nhân và Cộng Đoàn, đã có
thể hoán cải các tâm hồn bằng sức mạnh của kinh nguyện và việc sám hối.” Ngài nhấn mạnh “Trước hết,
Phúc Âm Hóa ngày nay không phải là rao giảng cho người-không-tin, mà là Phúc Âm
Hóa chính Giáo Hội, là canh tân liên tục nội tâm..., tức là Phúc Âm Hóa những người rao giảng Phúc Âm.”
Theo
thánh Gioan Tông Đồ, hoán cải, sám hối có nghĩa là “Hãy Nhớ Lại Ngươi Đã Đón Nhận Và Nghe Lời Chúa Thế Nào, Hãy Giữ Lấy
Lời Ấy”, hoán cải cũng có nghĩa là phải thấy và cảm nhận được chính
Chúa đang đứng ngoài cửa “Này Ta Đứng Ngoài Cửa, Ta Gõ; Nếu Ai Nghe Tiếng Ta Mà Mở Cửa
Cho Ta, Ta Sẽ Vào Nhà Người Ấy”.
Lời
Chúa là LỜI YÊU THƯƠNG nên đón nhận và nghe Lời Chúa là tiếp nối là LỜI YÊU THƯƠNG
của Chúa dành cho mọi thọ tạo. Từ đó Phúc Âm Hóa chính là làm cho mình trở
thành sứ giả của Tình Yêu Thiên Chúa giữa chư dân.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chính vì gặp được Ngài mà cuộc đời của người thu thuế, ông Giakêu, đã
được biến đổi. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa mỗi ngày và mở lòng tiếp rước
Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa. Ðể nhờ sức mạnh và ân sủng của Chúa,
chúng con cũng được đổi mới, từ bỏ những việc làm bất chính tội lỗi, mà trở nên
xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban.
Lẽ sống:
Trong mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích
Một ngày nọ, triết gia Diogene của Hy Lạp
đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm hàng chữ như sau:
"Ở đây có bán sự khôn ngoan".
Một bậc khoa cử tình cờ đi qua căn lều đọc
được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết đằng sau căn lều ấy có
những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và mua cho được cái mà người
bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền ra đi làm theo lời
căn dặn của chủ... Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ của anh muốn có sự
khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói với người đầy tớ một
cách trang trọng như sau: "Anh hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu này:
Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích".
Vị khoa cử thành Athène vô cùng thích thú
vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà như khuôn vàng thước ngọc
để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi qua trước nhà ông đều có
thể đọc thấy...
"Trong tất cả mọi sự,
hãy nghĩ đến cùng đích".
Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với
mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi
năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này. "Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến
cùng đích". Người lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học
sinh nghĩ đến ngày đỗ đạt thành tài... Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm
việc.
Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười
nhạo khi ông cho đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương
đầu với tai nạn, chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển
vông, là điều ngu xuẩn...
Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể
con người sẽ không bao giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta.
Sống như thế là sống không định hướng, sống như thế là sống không mục đích.
Thánh Phaolô đã gọi những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của
mình...
Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai hậu
ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc sống tại
thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động của chúng
ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng ta sẽ ra đi
tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ không ngỡ
ngàng, thất vọng... Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình,
chúng ta có thể xây dựng cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là
ân ban nhưng không của Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận
và đáp trả tích cực mà thôi... Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ,
từng hơi thở của chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời
mời gọi vào sự sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn
ngoan hướng dẫn chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho
chúng ta. Ước gì trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được
niềm vui và hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét