Phúc Âm : Mc 12,38-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
38 Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói
rằng : "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính
trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa
chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt
hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những
người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn."
41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng
tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao.
Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng
tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại
và nói : "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều
hơn ai hết. 44
Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà
này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những
gì bà có để nuôi sống mình."
Suy
niệm:
Của cho và cách
cho
Trong ngôn ngữ “nhà Đạo”, câu nói “đồng tiền
của bà goá” đã trở thành thông dụng, ám chỉ những điều rất nhỏ mọn và đơn sơ nhưng
được thực hiện với thiện ý và tấm lòng chân thành.
Lời
Chúa hôm nay nói đến hai người phụ nữ goá bụa. Một người ở thành Sarepta thời
ngôn sứ Êlia, một người thời Chúa Giêsu. Mỗi người một cách, cả hai đều quảng đại
và chân thành. Trong truyền thống Do Thái thời xưa, người phụ nữ goá bụa bị coi
như đồ bị chúc dữ (x. Tb 3,7-9). Họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi trong đời
sống hằng ngày và trong những sinh hoạt cộng đồng. Vậy mà Lời Chúa hôm nay lại
muốn khẳng định với chúng ta: Họ là những người đáng tôn trọng, bởi họ đã có những
nghĩa cử đẹp. Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước đều diễn tả Thiên Chúa là Đấng
yêu thương bênh vực những người goá bụa, cô nhi và kẻ cô thân cô thế. Ngài là
chỗ dựa cho họ. Các ngôn sứ và các tác giả Thánh vịnh còn khẳng định rõ: ai đối
xử bất công với những người thiệt thòi này sẽ bị Thiên Chúa báo oán.
Người
phụ nữ thời ngôn sứ Êlia, nghèo đến mức chỉ còn một chút bột và chút dầu trong
bình, nhưng cũng sẵn sàng quảng đại làm cho vị ngôn sứ tấm bánh. Tấm bánh mà bà
tặng cho vị ngôn sứ là tất cả những gì bà có, là niềm hy vọng cuối cùng của hai
mẹ con bà. Vậy mà bà sẵn sàng hy sinh tất cả. Sự hy sinh của bà đã được ghi nhận
và thưởng công ngay lập tức. Từ đó, hũ bột của bà không vơi và bình dầu của bà
không cạn cho đến khi mưa xuống trên xứ sở.
Người
phụ nữ thứ hai được nhắc đến trong Tin Mừng cũng là người đàn bà goá nghèo. Bà
công đức vào Đền thờ chỉ vẻn vẹn hai đồng tiền kẽm, là số tiền rất nhỏ so với
giá trị tài chính, nhưng Chúa Giêsu khẳng định: Bà đã dâng cúng tất cả mình có
với lòng quảng đại và như thế có nghĩa bà bỏ nhiều hơn những người giàu có. Tác
giả Tin Mừng cũng nhắc đến sự tương phản trong thái độ và y phục của những người
cùng bước vào Đền thờ hôm ấy: trước hết là những kinh sư súng sính trong bộ áo
thụng để phô trương và biểu diễn, rồi đến những người giàu có vênh vang khoe của.
Bên cạnh họ, người đàn bà goá khiêm hạ, chỉ công đức được một chút tiền bạc. Tấm
lòng của bà đã được ghi nhận, của cho không bằng cách cho.
Lời
Chúa hôm nay muốn lưu ý chúng ta hãy thay đổi cách nhận định về một con người
hay một sự việc. Thông thường, chúng ta hay quan sát và đánh giá theo những
dáng vẻ bên ngoài. Tuy vậy, con người phải được tôn trọng trước hết là vì nhân
phẩm của họ, rồi đến tư cách đạo đức và tấm lòng chân thành của họ đối với những
người xung quanh. Sự thận trọng trong nhận định sẽ giúp ta tránh mọi sai lầm
đáng tiếc, và tránh những thiệt hại cho những người có liên quan.
Lời
Chúa cũng nhắc bảo chúng ta, nghĩa cử chia sẻ luôn có giá trị trước mặt Chúa và
giúp bản thân chúng ta nên hoàn thiện. Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh.
Những gì chúng ta giúp đỡ người bất hạnh, sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui và sự
bình an thanh thản trong tâm hồn. Nghĩa cử chia sẻ của chúng ta giống như lửa,
càng cho đi, càng lan rộng mà không hề mất đi.
Tác
giả thư Do Thái mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đức Giêsu Thượng tế. Người đã
hy sinh vì tội lỗi nhân loại. Người đã mang trên thân mình tất cả những đau khổ
đáng lẽ chúng ta phải chịu, để nhờ đau khổ của Người mà chúng ta được hạnh phúc
và bình an. Noi
gương Chúa, chúng ta hãy hy sinh, chia sẻ, cho đi chính sức lực, thời gian,
tinh thần, vật chất, để đem lại cho cuộc sống này nhiều niềm vui.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống
đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em.
Lẽ sống:
Tôi là người hạnh phúc nhất
trần gian
Một
ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà
ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những
người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người
khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày
nọ, ông vua giàu có đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành
người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày
Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường.
Ông cho tất cả những tiền ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao
so với cả kho tàng của ông, nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ:
bây giờ ta nới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận
được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi
đã gom góp được một số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các
giáo đường, ông đã xin từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi
không ai có thể nhận ra ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi
nhà tranh đơn sơ. Không mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người
trong lối xóm đều mến thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng
nghe, ông đem chúng đi câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong
đám trẻ nhỏ, có một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn
vẹn một con chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con
chim đến tặng ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón
nhận món quà, con người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước
đến nay, tất cả những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người
khác. Người ta cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất.
Giờ đây, với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm
lòng yêu thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian".
Một
thời gian sau đó, trong vùng, có một người tá điền nghèo bị người chủ đe dọa lấy
nhà và trục xuất ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và
7 đứa con dại bị đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối
cùng, ông quyết định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người
tá điền nghèo... Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy
đi một nơi khác.
Bùi
ngùi vì phải chia tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy
hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban
tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt
lên với tất cả xác tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian
này". Câu chuyện của ông vua
đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi
cuộc đời của chúng ta... Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và hạnh
phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng cho đến
lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được
lấp đầy bằng chính Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét