Kính trọng thể các
Thánh Tử Đạo Việt Nam
Hôm nay chúng ta vui mừng và cảm
dộng mừng lễ các anh hùng Tử đạo Việt Nam . Việc mừng lễ hôm nay phải làm bộc
phát lên trong lòng chúng ta niềm tự hào chan chứa. Chúng ta tự hào vì trong những
trang sử của Giáo Hội Việt Nam chúng ta có những trong sử đầy chất anh hùng. Đây
là những biến cố có tầm vóc không phải chỉ với chúng ta mà còn cả với Giáo Hội
toàn cầu. Chính Đức Thánh Cha Lêô XIII trong sắc phong 64 vị tử đạo Việt Nam
lên hàng chân phước ngày 27.5.1900 đã nói: “Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì
những chiến sĩ ngày xưa trong những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội."
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ II
trong bài giảng ngày lễ tuyên phong 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển
thánh cũng phát biểu tương tự như thế. Ngài nói: "Từ năm 1533 tức là từ
khi cuộc rao giảng Tin Mừng Kitô bắt đầu tại vùng Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam
trong suốt 3 thế kỷ đã phải chịu những cuộc bách hại liên tiếp nhau với một vài
giai đoạn lắng dịu giống như các cuộc bách hại mà Giáo Hội tại Tây Phương
đã chịu trong 3 thế kỷ đầu tiên. Đã có hàng ngàn tín hữu Kitô chịu tử đạo và rất
nhiều người khác đã chết trong rừng núi, những vùng ma thiêng nước độc, nơi mà
họ bị lưu đầy tới".
Phúc Âm : Mt 10, 17-22
"Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền
và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết". (Mt
10,18).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
17 "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ
nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và
anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ
và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải
nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải
nói gì : 20
thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong
anh em.
21 "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh
cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm
cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
Suy
niệm:
Sống chứng nhân
"Tin
đạo chứ không tin người có đạo". Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói.
Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo
nói. Đa số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ. Họ bỏ xưng tội rước
lễ. Họ bỏ đồng đạo. Họ có đạo nhưng không sống đạo. Họ mang danh ky-tô hữu
nhưng lại bảo rằng "đạo tại tâm" nên không thể hiện ra bên ngoài dấu
chỉ là người ky-tô hữu. Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của
mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo. Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B
đã không tốt với họ. Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắc khe trong lề luật của Chúa.
Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ
đâu? Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu
làm chứng cho Tin mừng. Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi
thù oán. Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một
mình không gắn bó với giáo xứ. Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp
của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Kitô. Họ chính là những người có đạo nhưng
không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.
Các
thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi
chính những con người mang danh ky-tô hữu nhưng đã không còn sống men Tin mừng.
Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc. Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp
trong tội lỗi. Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi
chính người cháu tội lỗi, ngang ngược. Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi
nhưng chứng nào tật ấy. Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.
Trường
hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế. Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết
những tay anh chị trong giới giang hồ tại Chợ Quán. Một lần, chứng kiến một phụ
nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc. Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp,
làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân. Vì hành động
nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu,
còn tiếp tay với quân đội Pháp. Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm
quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.
Trường
hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn. Có hai tên tội
phạm đang chờ xét xử. Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội.
Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận,
họ phải đưa Cha về Thăng Long. Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém
đầu.
Điểm
chung của các thánh Tử Đạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà
không oán hận kẻ làm hại mình. Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến
Chúa Kitô. Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với
vinh quang bất diệt mai sau. Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng
được sống lại vinh quang muôn đời. Đó là điều mà thánh Đaminh Hạnh đã xác tín,
khi mà quan triều đình nói với ngài: "Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ
đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông". Nhưng thánh
Đaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: "Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được
lên thiên đàng".
Mừng
kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta hãy sống thể hiện niềm
tin trung kiên của mình trong mọi tình huống. Đừng vì một chút cỏ dại lấn át mà
chán nản bỏ đạo. Đừng vì một chút giận hờn mà thù hận cả niềm tin của mình. Đừng
chối đạo vì ghét ai đó hay đánh mất niềm tin vì bên trong Giáo hội vẫn có cỏ
lung xen lẫn. Và nhất là đừng bán đứng anh em để cầu vinh.
Ngày nay chúng ta không
còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng để sống niềm tin đòi
hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình. Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn
còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam
mê truỵ lạc. Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những
người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu
thương trong lời nói và việc làm. Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều
người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không
còn xứng đáng mang danh là ky-tô hữu. Quả thực, ngày nay
không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh
lợi thú trần gian. Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn
còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia
đình, khỏi cuộc sống của mình. Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án
"tin đạo chứ không tin người có đạo", vì lẽ họ không còn sống niềm
tin của mình.
Lm.Giuse Tạ
Duy Tuyền
Chánh xứ Giáo
xứ Hà Nội
Cầu
nguyện:
Lạy
các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con. Xin cho chúng con biết tôn thờ
Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài để thể hiện niềm tin trung kiên của
mình trước những cám dỗ lợi lộc của thế gian. Xin giúp chúng con biết thể hiện
niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương.
Lẽ sống:
Xuống
Núi
Có
hai vị thiền sư vừa xuống núi. Họ đi vào trong một con đường lầy lội. Cơn mưa nặng
hạt đã khiến một thiếu nữ xinh đẹp không thể băng qua ngã tư lầy lội được... Lập
tức, một trong hai vị thiền sư đến bồng người thiếu nữ trên tay và đưa qua đường.
Vị sư khác lấy làm khó chịu nên không mở miệng nói với bạn mình một lời.
Mãi một
lúc sau, không còn nhịn được nữa, ông ta mới lên tiếng: "Chúng ta là người
tu hành, không được phép gần đàn bà, nhất là những cô gái đẹp. Sao anh lại bồng
đàn bà trên tay?".
Vị
sư đã bồng người thiếu nữ trên tay mỉm cười đáp: "Tôi đã bỏ cô ta tại chỗ
rồi. Còn anh sao cứ mãi mang cô ta tới đây". Chúa
Giêsu đã nói: "Chính từ lòng người mới xuất phát mọi tội ác... Sự hoán
cải đích thực chính là hoán cải nội tâm. Tất cả những thực hành đạo đức bên
ngoài, nếu không đi cùng một ý hướng ngay lành và một tâm hồn sám hối thực sự,
chỉ là trò giả hình...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét