Phúc Âm : Ga 6, 24-35
"Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin
vào Ta sẽ không hề khát bao giờ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su
cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm
Người. 25 Khi
gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ
vậy? " 26
Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải
vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các
ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương
thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban
cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."
28 Họ
liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa
muốn? " 29
Đức Giê-su trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng
Người đã sai đến." 30 Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu
lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31 Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na
trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."
32 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo
thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà
chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì
bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế
gian." 34
Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." 35 Đức
Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải
đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!
Suy
niệm:
Bánh bởi trời
Cuộc
tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh Hằng Sống được ghi lại
trong bối cảnh Lễ Vượt Qua. Đây là thời điểm người Do Thái ăn bánh không men để
tưởng nhớ biến cố Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa Giêsu đã khởi
đi từ phép lạ Manna để chứng minh Người là Bánh đích thực mà Chúa Cha ban cho
nhân loại. Khi nói đến Manna, bất cứ người Do Thái nào cũng liên tưởng đến những
phép lạ Thiên Chúa đã làm để nuôi dưỡng tổ tiên của họ. Qua việc ban Manna và
chim cút cho dân lữ hành trong sa mạc, Thiên Chúa vừa chứng tỏ quyền năng của
Ngài, vừa cho thấy tình yêu thương Ngài dành cho dân riêng. Những ai theo Chúa
sẽ không bị bỏ rơi, nhưng được Ngài chăm sóc phần hồn phần xác. Ngài nuôi dưỡng
họ bằng Manna trong suốt hành trình về Đất Hứa. Được ban mỗi ngày, Manna là nguồn
sức mạnh vừa thiêng liêng vừa phàm trần, giúp họ nhận ra sự đồng hành của Chúa.
Trong cuộc tranh luận được thánh Gioan ghi lại,
Chúa Giêsu đã chứng minh Người là Bánh bởi trời. Người là Manna mới Chúa Cha
ban tặng cho nhân loại, giống như Manna của thời lữ hành. Tấm bánh có tên gọi
Giêsu được ban không chỉ riêng cho dân tộc Do Thái, mà là cho cả thế giới. Ngày
hôm nay, tấm bánh ấy là Thánh Thể, được hiến dâng mỗi ngày trên bàn thờ để trở
nên lương thực thiêng liêng nuôi sống các tín hữu.
Cùng với sự kiện Manna, Cựu ước cũng ghi lại
sự cứng lòng của dân Do Thái. Trước sự thiếu thốn vật chất, họ đã nhanh chóng
quên tình thương của Chúa thể hiện qua cuộc giải phóng ngoạn mục. Họ phàn nàn
kêu trách ông Môi-sen và quy mọi trách nhiệm cho ông. Những nhu cầu vật chất đã
khiến họ ước mong trở lại thời nô lệ bên Ai Cập. Chi tiết muốn quay lại Ai Cập
được nhắc tới như một sự mỉa mai, bởi vì truớc đó, họ tìm mọi cách để thoát cảnh
áp bức và công việc nô dịch tại đất nước này. Cám dỗ của dân Do Thái ngày xưa
cũng chính là cám dỗ triền miên của con người mọi nơi mọi thời. Vì vật chất, họ
sẵn sàng chối bỏ Thiên Chúa và lãng quên bao điều tốt lành Chúa đã làm trong cuộc
đời. Con người cũng thường đổ lỗi cho Thiên Chúa vì những bất tiện hoặc tai
ương, trong khi có nhiều tai ương do chính họ là thủ phạm.
Khi dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, Chúa che chở
và hướng dẫn họ bằng cột mây, cột lửa và nuôi dưỡng họ bằng Manna, nay Chúa
Giêsu là Bánh bởi trời, để nên nguồn sống cho chúng ta. Thánh Thể là Bánh trường
sinh. Ai ai ăn bánh này sẽ được biến đổi mỗi ngày để được thần linh hóa và được
sống vĩnh cửu. Được nuôi dưỡng bởi bánh từ trời, người tín hữu mặc dù đang sống
giữa trần gian đã phần nào nếm hưởng hạnh phúc thiên đàng. Vì hạnh phúc thiên
đàng là gì nếu không phải được kết hợp với Chúa, được chiêm ngưỡng và ca tụng
tình thương bao la của Ngài?
Những ai lãnh nhận Bánh Thánh Thể mà còn sống
trong tội lỗi, sẽ đi ngược lại với ý nghĩa của Bí tích này, vì Thánh Thể là Bí
tích của sự canh tân. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy trở nên mới
trong lòng trí anh em. Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý
Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật”. Nhờ năng rước lễ,
người Kitô hữu được biến đổi cuộc đời. Mình Thánh Chúa sẽ tác động và làm cho
chúng ta trở nên những tạo vật mới, nên giống Chúa Kitô.
Chúng ta hãy đến tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện
trong Bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong thinh lặng để lắng nghe những nỗi
lòng của chúng ta. Cũng chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể đón nhận lời
giáo huấn của Người.
Thánh
Thể là lời mời gọi sống hiệp nhất giữa các tín hữu. Cũng như tấm bánh được làm
nên bởi muôn hạt miến và chén rượu được chế từ ngàn trái nho, những ai được
nuôi dưỡng bởi lương thực thiêng liêng này sẽ được liên kết nên một để cùng
nhau làm nên một thân thể huyền nhiệm có Chúa Giêsu là Đầu.
Người tín hữu còn được mời gọi sống màu nhiệm Thánh Thể qua
những nghĩa cử sẻ chia mỗi ngày. Noi gương Chúa Giêsu hy sinh hiến mình làm của
ăn của uống cho con người, chúng ta hãy dấn thân phục vụ, quan tâm đến lợi ích
của những người xung quanh, hầu giúp họ tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết ra đi tìm kiếm Chúa, biết quy tụ
mọi sự về Chúa, biết tìm kiếm của ăn không hư nát là chính Chúa và đón rước
Chúa hầu được sống muôn đời.
Lẽ sống:
Nghệ
thuật làm lửa
Thời
xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại...
Có
một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc
này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu
phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng
con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm
hạnh phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự
phát minh của ông.
Cũng
giống như những bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm
ra lửa cũng hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ
lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi
mưu sát ông, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của
ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính
nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được
các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy
lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị
Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát
minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương
sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng
cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về
cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát minh.
Ðể
đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế
ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải
thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lời giải
thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu
chuyện ngụ ngôn trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục
Anthony De Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua
câu chuyện này, cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng
chung của những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo.
Con người dễ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ điệp
thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều bắt
nguồn từ khuynh hướng trên.
Người
tín hữu Kitô chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ
bị cám dỗ nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những
nghi thức, của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của
đạo chúng ta chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo lý để loại trừ,
để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống như bộ
lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu thương mà Chúa
Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi thức
thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo của Tin
Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình...
Quên
đi cốt lõi của Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra
khỏi cuộc sống của chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một
lần thứ hai. Lời
Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng
ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thấm nhuần, tưới
gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét