Phúc Âm : Mc
7,1-8.14-15.21-23
"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn
Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".
(Mc 7,8)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
1 Có những người Pha-ri-sêu và một số
kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy
vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy,
người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền
nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải
rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát,
bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su:
"Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô
uế mà dùng bữa? " 6 Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã
nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:
Dân này tôn kính Ta bằng
môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa
Ta.
7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô
ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy
chỉ là giới luật phàm nhân.
8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên
Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông
tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không
có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế
được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát
xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo
trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều
từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Suy
niệm:
Đức tin tinh tuyền
Vài
năm trở lại đây, cuộc sống kinh tế có phần cải thiện và những quy định khắt khe
về tôn giáo cũng đã được tháo cởi, nhờ đó các cộng đoàn tín hữu có nhiều biến
chuyển trong những thực hành đạo đức. Tuy vậy, tại một số nơi, điều được chú trọng
hơn lại là những gì sầm uất bề ngoài. Những đội trống, đội kim nhạc, những hội đoàn
đồng phục… càng ngày càng nhiều như trăm hoa đua nở, nhưng chiều sâu nội tâm và
tình bác ái nội bộ lại bị coi nhẹ. Không ai phủ nhận giá trị của các hội đoàn
nêu trên, vì những hội đoàn này là biểu tượng và bằng chứng cho đời sống Đức
tin. Tuy vậy, nếu chỉ chú trọng đến bề nổi mà quên đời sống nội tâm thì lại là
coi nhẹ điều chính mà chú tâm đến những điều phụ.
Chúa Giêsu đã gay gắt lên án các kinh sư và
những người biệt phái. Kinh sư và biệt phái là những người học hành uyên thâm,
họ có uy tín trong các cộng đoàn Do Thái, và có vị trí quan trọng trong các buổi
hội họp. Chính những “bậc vị vọng” ấy đang bị Chúa kết án nặng nề. Người mượn lời
ngôn sứ Isaia để lên án họ là những “kẻ đạo đức giả”. Họ lạm dụng khái niệm
thánh thiêng và trần tục, và đã tự đặt ra rất nhiều quy định rườm rà và tỉ mỉ.
Những quy định này, thay vì giúp cho con người nên thánh, lại đặt trên vai họ
những gánh nặng không kham nổi. Những công việc bình thường hằng ngày như rửa
tay, rửa chén, rửa bát, họ đã biến thành những nghi thức tôn giáo để kết tội người
dân. Họ coi thường những điều răn của Chúa để quá chú trọng đến những tập tục
do chính họ đặt ra. Chúa Giêsu đã phê phán quan niệm ấy, và mời gọi họ chú trọng
đến nhân vị, tức là chính con người. Bởi lẽ, những quy định, luật lệ được thiết
lập là phục vụ con người và giúp họ hướng thượng và nên trọn lành.
Với lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã đảo ngược
quan niệm “thanh sạch và ô uế” của người đương thời. Trong khi những người này
chủ trương những gì ở ngoài sẽ gây ô uế cho con người, Chúa Giêsu lại khẳng định,
chính bên trong con người là nguồn gốc của sự ô uế và tội lỗi. Quả vậy, con người
là nguyên nhân của biết bao tội lỗi từ khởi đầu của lịch sử cho đến ngày nay.
Những tham vọng, ích kỷ và mưu mô từ bên trong con người đã gây nên biết bao đau
khổ cho bản thân và cho những người xung quanh. Cuộc sống thường ngày của chúng
ta đã chứng minh điều khẳng định của Chúa.
Khi phê phán những biệt phái và luật sĩ,
Chúa Giêsu mời gọi những ai nghe Người hãy đổi mới quan niệm của mình về việc
thờ phượng, để có thể tôn thờ Chúa với tâm hồn ngay thẳng và với thiện chí sống
tình bác ái với những người xung quanh. Một thứ thờ phượng môi mép giả hình sẽ
biến người ta thành những con rối. Của lễ Chúa muốn, đó chính là tấm lòng chân
thành và yêu mến dành cho Chúa, với thiện chí quyết tâm đổi mới cuộc đời.
Biết bao lần chúng ta tham dự các nghi thức phụng
vụ mà tâm hồn chúng ta xa Chúa. Có nhiều khi chúng ta giống như những người
kinh sư và người biệt phái, chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài mà coi
nhẹ tâm tình cầu nguyện, là điều cốt lõi để làm thành việc tôn thờ đích thực.
Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời được gieo vào lòng
chúng ta… Hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính
mình” (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, lòng đạo đức thật phải sinh ra hoa trái
là lòng bác ái và dấn thân phục vụ người nghèo, giúp họ tìm được niềm vui trong
cuộc sống.
Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã ban
Lề Luật qua ông Môisen. Ngài ban Lề Luật để giúp họ nên thánh. Đây là niềm tự
hào của dân tộc Do Thái, là dân riêng Chúa đã chọn. Ông Môisen kêu gọi người Do
Thái hãy nhìn lại sự ưu ái của Chúa trong lịch sử, nhất là trong hành trình sa
mạc để tiến về Đất hứa. Các dân xung quanh phải ghen tị, vì Chúa luôn ở với dân
Ngài và hướng dẫn họ, nhờ đó, dân tộc Do Thái trở thành một “dân tộc vĩ đại,
khôn ngoan và thông minh”. Các kinh sư và biệt phái đã chất lên vai người dân
những gánh nặng của luật lệ, trong khi Chúa đã truyền qua ông Môisen: “Đừng
thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em”. Ngài cũng hứa ban hạnh phúc cho những
ai chuyên tâm thực thi các thánh chỉ của Ngài. Chúa Giêsu đã đến trần gian để
kiện toàn Lề Luật Cựu ước, và Người đã ban “giới răn mới” là đức yêu thương. Đây
là giới răn quan trọng và cần thiết đối với mỗi tín hữu, vì “yêu thương là chu
toàn lề luật” (Rm 13,10).
Giữa biết bao trào lưu đang lôi cuốn con người
ngả theo những hình thức đạo đức bề ngoài, xin Chúa cho chúng ta một Đức tin
tinh tuyền, để luôn hướng về Chúa, một lòng bền vững tin yêu và thuộc trọn về
Ngài.
“Có đức tin là ký vào một tờ giấy trắng và để cho Thiên Chúa
muốn viết gì vào đó tuỳ Ngài” (Thánh Augustinô).
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, mọi giới luật đều qui tóm về hai giới răn trọng, đó
là mến Chúa và yêu người. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em không phải bằng
môi miệng nhưng bằng chính trái tim cảm mến. Chúng ta có thể làm được mọi việc
mà nếu không có lòng mến, tất cả trở thành vô ích. Chúng ta hãy xin cho hạt giống
yêu thương nẩy nở và sinh hoa kết qủa trong tâm hồn. Thánh Giacôbê mời gọi: Hãy
khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh
hồn anh em (Gc 1, 21).
Lẽ sống:
Ban phát không ngừng
Trong
một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người
khách bộ hành như sau:
Mệt
mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong
vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu
về lợi ích của nó.
Người
thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng
suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi
mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau".
Người
bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với
tôi: Hỡi loài người, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới
được tốt đẹp hơn".
Người
bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: "Những gì các bạn
vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn
chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó
ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp
trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế".
Sự
sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa.
Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi
hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.
Thiên
Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta
cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó
chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát
không ngừng. Thánh Thần là ân ban của
Thiên Chúa. Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên
Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại
chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét