Thánh nữ Monica - Lễ nhớ
Bạn thân mến,
tình mẹ thật bao la, không bút mực nào diễn tả hết được. Vì thế, Balzac cảm nhận:
“Chỉ trong sự
nuôi dưỡng, người phụ nữ mới nhận ra bổn phận làm mẹ của mình một cách rõ ràng
và hiện hữu; nó là niềm vui trong mọi khoảnh khắc.” Làm Mẹ : “Có làm mẹ mới biết
thương con như thế nào. Làm mẹ đâu thể nào bỏ con của mình được. Dù có vất vả cỡ
nào cũng phải sống chết vì con.”
Thánh
Monica và thánh Agustinô mời gọi chúng ta hãy tin tưởng hướng về Mẹ Maria, ngai
tòa của sự Khôn ngoan. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ những bậc làm Cha Mẹ Kitô,
ngõ hầu, noi gương thánh nữ Monica, họ biết đồng hành với
con cái bằng gương tốt và lời cầu nguyện. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ
Thiên Chúa những người trẻ, ngõ hầu, noi gương thánh Agustinô, họ biết luôn hướng
về sự Thật Trọn Vẹn và Tình Thương Tròn Ðầy, là Chúa Kitô: chỉ một mình Chúa mới có thể thỏa mãn những ước vọng sâu xa của
con tim con người.
PHÚC ÂM: Mt 24,42-51
"Các con hãy sẵn sàng".(Mt 24,44)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
42 "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh
em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. 43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ
nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách
nhà mình đâu. 44
Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ,
thì Con Người sẽ đến.
45 "Vậy thì ai là người đầy tớ trung
tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực
cho họ đúng giờ đúng lúc? 46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta
đang làm như vậy. 47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi
sóc tất cả tài sản của mình.48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng:
"Còn lâu chủ ta mới về", 49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và
chè chén với những bọn say sưa, 50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không
chờ, vào giờ hắn không biết, 51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những
tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
Suy niệm:
Tỉnh thức chờ Chúa
Các nhà chú giải
thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc Chúa trở lại
trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô học và Giáo Hội học. Trên bình diện
Kitô học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một quan tòa xét
xử mọi người. Trên bình diện Giáo Hội học nhắc đến thời giờ của Giáo Hội trong
thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong thời gian này,
mỗi Kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.
Hai dụ ngôn
trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về
kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng
này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn
ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người
nhà.
Thật không dễ
dàng mà có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những
tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình.
Ðó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến
cáo: "Thưa anh em, về ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập
hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng
tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để
cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ
cách nào".
Sống chờ đợi
Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích cực.
Thánh Phaolô mô tả thái độ đó như sau: "Anh em không ở trong bóng tối, để
ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là
con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.
Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết
độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn
cứu độ".
Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi
chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi
người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực
góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Định mệnh đời đời của mỗi người chúng ta sẽ hoàn toàn khác nhau,
tùy theo cách sống hiện tại, tùy theo sự lựa chọn của riêng mỗi người: lựa chọn
Thiên Chúa hay lựa chọn Danh Lợi Thú Trần Gian. Và hãy cụ thể làm thật chu đáo một
công việc phục vụ trong gia đình.
Cầu nguyện:
Xin
Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, chúc lành cho mỗi người chúng
con, giúp chúng con luôn biết “Sống Sẵn
Sàng” trong khi “chu toàn bổn phận là những tín hữu của Chúa, để chúng con xứng
đáng thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời, Chúa đã sắm sẵn cho chúng con ở trên trời!”
Lẽ sống:
Ăn cắp lửa trời
Thần thoại Hy Lạp
có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửu trời để sáng tạo con người.
Theo óc tưởng tượng
của người Hy Lạp, Thiên Triều do thần Zeus cai trị gồm có hai loại thần: các đại
thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị nhóm các vị thần trung thành
với Ngọc Hoàng Zeus đánh đổ... Trong số các tiểu thần thất sủng ấy, Prométhée
là vị thần duy nhất vẫn còn được Ngọc Hoàng Zeus tín nhiệm nên ban cho quyền tạo
dựng con người và súc vật trên mặt đất.
Ngày nọ,
Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khả năng sáng tạo của họ. Họ dùng mọi yếu
tố trên trần gian để nhào nặn nên con người... Thế nhưng, giống người mà họ tạo
nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có các vị đại thần
trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò rèn của thần
Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đã lan tràn khắp mặt
đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.
Ngọc Hoàng Zeus
đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi giận lôi đình và cho sấm sét đến lay chuyển cả
mặt đất. Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhée đã bị Zeus cho trói vào một ngọn
núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.
Huyền thoại
Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần
như không giới hạn của con người. Khả năng đó là một thể hiện của chính hình ảnh
Thiên Chúa khắc ghi vào con người. Khả năng sáng tạo đó cũng nói lên phẩm giá
siêu việt của con người. Khả năng sáng tạo đó, Thiên Chúa phú bẩm cho con người
là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó? Ðó là câu hỏi đang được đặt
ra cho con người của thời đại chúng ta.
Có nhiều người
chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà ra. Ðứng trên phương diện
khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng tượng. Tuy nhiên, một
thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có một tiến trình ngược lại
theo đó con người có trở thành khỉ không?
Cách đây không
lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học Firenze bên Italia
đã đề nghị cho khỉ cái được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người nam. Giống
sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa người nửa khỉ. Mục
đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các công tác tạp dịch
hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.
Vấn đề được đặt
ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được ngôn ngữ của con người,
nó sẽ xưng hô thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó được thụ thai? Dù muốn
dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người đàn ông cho tinh trùng.
Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ này là con của ông, nó có
quyền gọi ông là cha. Vậy thì, có người cha nào muốn dùng con mình vào những cuộc
thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biết con của mình thành một con thú hay
không?
Ðặt câu hỏi như
thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này, khi con người chối bỏ lẫn
nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá siêu việt của người khác,
thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến. Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt
gần 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết:
con người chỉ là một con vật! Câu chuyện khoa
học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong nghiên cứu khoa học,
trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hằng ngày: vấn đề vẫn giống
nhau. Mỗi khi con
người chối bỏ phẩm giá của người khác là lúc con người cũng muốn biến người đó
thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một thứ luận lý rất chặt chẽ, con người
cũng tự nhận mình là khỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét