PHÚC ÂM: Mt 23,27-32
"Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết
các tiên tri". (Mt 23, 31).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
27 "Khốn cho các người, hỡi các kinh
sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có
vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.28 Các
người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên
trong toàn là giả hình và gian ác!
29 "Khốn cho các người, hỡi các kinh
sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho
những người công chính.30 Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào
thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các
ngôn sứ."31
Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã
giết các ngôn sứ.32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người
đi!
Suy niệm:
Kết án tội giả hình
“Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!
Các người giống mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương
người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)
Bài Tin Mừng hôm
nay ghi lại hai lời kết án nữa của Chúa Giêsu chống lại các Luật sĩ và Biệt
phái.
Với lời kết án
thứ sáu,
Chúa Giêsu ví các
Luật sĩ và Biệt phái như những mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên
trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Tại Palestina, người
dân có thói quen quét vôi trắng các mồ mả, nhất là vào dịp lễ Vượt Qua, để người
ta có thể nhận ra và tránh xa khỏi bị nhơ uế ngăn trở cho việc phụng tự. Vẻ đẹp
bên ngoài của các mồ mả che dấu thực tại ghê tởm bên trong. Cũng vậy, các Luật sĩ và Biệt
phái bên ngoài xem ra là những người công chính, nhưng bên trong thì đầy sự giả
hình và tội ác; việc họ giữ luật cách nghiêm nhặt chỉ là tấm màn che đậy một đời
sống tương phản với những điểm cốt yếu của Lề Luật Thiên Chúa, đó là sự công
bình, lòng bác ái và trung tín.
Trong lời kết án
thứ bẩy,
Chúa Giêsu tố cáo
sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: họ xây mồ cho các tiên tri
và sửa sang phần mộ những kẻ mà cha ông họ đã sát hại; họ than trách tội ác của
cha ông họ trong quá khứ và tự phụ rằng nếu sống vào thời tổ tiên, họ sẽ không
hành động như thế; nhưng họ quên rằng họ là con cháu của những kẻ đã sát hại
các tiên tri, và giờ đây họ đang đi vào con đường đó bằng việc mưu hại Ngài.
Chúa Giêsu cũng
chờ đợi nơi mỗi người chúng ta những thành quả tốt đẹp của việc cải hóa tâm hồn,
nếu không, chúng ta cũng sẽ phải lãnh nhận số phận như các Luật sĩ và Biệt
phái: cây khô sẽ bị chặt đi và bị ném vào lửa đời đời.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Là người KiTô hữu, không
thể bằng lòng với một mức thánh thiện nào đó, theo thói quen, mà phải cố gắng
hoàn thiện mỗi ngày như cha trên trời là
Đấng hoàn thiện. Với một lòng yêu mến Đức KiTô, chúng ta không lên án, không đổ
lỗi, không xét đoán anh em, hãy nắm tay và khuyên bảo nhau trong đức ái hơn loại
bỏ. Hãy đơn sơ và khôn ngoan, đừng như loại rắn độc gây chết người, vì chúng ta
là con Thiên Chúa, Đấng đã vì tội lỗi muôn dân mà gánh chịu nhục hình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin giải thoát con
khỏi sự giả hình, khỏi tính ích kỷ và tự mãnm, xin cho con khiêm tốn nhận mình
tội lỗi và thành tâm trở về với Chúa.
Lẽ sống:
Gia đình là nền tảng của vũ trụ
Án Tử, người nước
Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình
nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Ðỗ đạt làm quan,
Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực
trung thành với vợ.
Một hôm vua Cảnh
Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong
bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc
nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: "Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một
đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?".
Án Tử liền trả lời
một cách dứt khoát, không chút do dự: "Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã
lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn
bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy
khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của
nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để
tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi".
Nói xong Án Tử lạy
hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.
Gia
đình là nền tảng của xã hội. Con
người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô,
thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng
thành.
Nền tảng
để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu
không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới
của con người... Một
gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng
ngày của con người.
Hai cử chỉ dường
như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của
Ðức Gioan Phaolo II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ
chồng.
Cây tốt thường
sinh trái tốt: con người của Ðức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ
ngài. Viếng mộ của
song thân, Ðức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc
sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.
Giữa thời đại mà
đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Ðức Thánh Cha muốn
gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung
thành với nhau.
Trong Thánh Lễ cầu
nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời
thề hứa trong hôn phối, Ðức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích
Hôn Phối. Ngài nói như sau: "Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ
chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt
Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu
họ và yêu cho đến cùng".
"Tôi
hứa sẽ giữ chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn
cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời
tôi".
Khi tuyên hứa với
nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu
thương và yêu thương cho đến cùng.
Yêu
cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn
nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái.
Luật của đời sống
hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết.
Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người
sẽ gặp lại chính mình trong người khác. Ðó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại
cho chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét