Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B. 09.08.2015

Phúc Âm : Ga 6, 41-51
"Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
41 Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống." 42 Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống? " 43 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Suy niệm:
"Của ăn đàng"

Trong truyền thống của Giáo Hội, việc cho bệnh nhân đau nặng hoặc đang hấp hối rước lễ được gọi là “trao Của ăn đàng – Viaticum, Viatique”. Theo nghĩa thông thường, “Của ăn đàng” là lương thực người lữ khách mang theo, để khi đói thì dừng chân nghỉ ngơi và ăn uống, lấy lại sức và đi tiếp cho đến đích. Lương thực này rất cần thiết, vì đường xa dặm thẳm, không phải chỗ nào cũng có thể tạt vào hàng quán để ăn uống nghỉ ngơi. Như vậy, bệnh nhân được lãnh nhận Mình Thánh Chúa cũng giống như người lữ khách nhờ lương thực mang theo mà đủ sức vượt đường trường, đi đến đích. Đích điểm của người tín hữu là Thiên Đàng, nơi đó họ được gặp Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời.
Tác giả sách Các Vua kể lại với chúng ta, ngôn sứ Elia trên đường chạy trốn sự rượt đuổi của vua Akháp. Ông mệt mỏi vì đường xa, lại thêm sự sợ hãi vì bị săn đuổi, nên ông đã xin Chúa cho chết. Chúa đã sai thiên sứ mang cho ông bánh và nước. Nhờ “Của ăn đàng” này, ông đã đủ sức đi đến núi của Thiên Chúa, và nơi đây, ông được gặp gỡ Ngài. Hành trình của Elia cũng giống như hành trình của chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với biết bao thử thách gian nan. Có những lúc tưởng chừng chúng ta bị đè bẹp trước sức nặng của cuộc đời. Như Elia trong lúc kiệt sức, chúng ta cần đến lương thực thiêng liêng Chúa ban để lấy lại nghị lực, tiếp tục bước đi trong hành trình cuộc đời. Lương thực ấy là Thánh Thể, là Của ăn đàng giúp ta bền sức đi đến đích.
Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh trường sinh. Chúa Giêsu nhấn mạnh tới khía cạnh thần linh của bánh mà Người đang nói tới. Cũng như người Do Thái chỉ nhận ra nơi Chúa Giêsu là con ông Giuse thợ mộc, nên họ khó nhận ra bánh mà Đức Giêsu hứa ban. Đây là bánh từ trời, cũng như Đức Giêsu từ trời xuống, vì thế, bánh này là lương thực thiêng liêng Chúa ban. Nếu ngày xưa, Thiên Chúa nuôi dân trong hành trình sa mạc bằng Manna, thì nay, Chúa Giêsu là Manna từ trời xuống. Cũng như bánh cần thiết cho sự sống thân xác, bánh thiêng liêng là chính Chúa Giêsu cần thiết cho sự sống thần linh nơi chúng ta. “Bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Nếu chúng ta có mặt lúc bấy giờ, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên như những người Do Thái, khi nghe Chúa Giêsu nói về thịt của Người. Nếu màu nhiệm nhập thể dẫn tới việc “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (Ga 1,14”, thì nay, “xác thịt đã trở thành Bánh” (Ga 6,51). Khi nghe Chúa Giêsu nói, Người sẽ lấy thịt mình cho họ ăn, người Do Thái coi đây là sự mạo phạm. Liên hệ với cuộc khổ nạn và được soi sáng bởi mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, người Kitô hữu nhận ra nơi Thánh Thể chính là thịt và máu Chúa Giêsu, Đấng Cứu nhân độ thế. Đây là lương thực thiêng liêng, là “Của ăn đàng”, nhờ đó chúng ta được tăng trưởng mỗi ngày.
Cơn đói bánh là nỗi lo của con người mọi thời đại. Những xung đột và chiến tranh xảy ra cũng nhằm để giải quyết cơn đói này. Đâu là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nhẳn gửi nhân loại, khi hiến trao thân mình Người cho chúng ta? Đó là sứ điệp của sự sẻ chia, dấn thân phục vụ. Thánh Phaolô nói với giáo dân Ephêsô: “Anh em hãy bắt chướ Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta..” (Bài đọc I). Thánh Thể là bài học yêu thương. Như Đức Giêsu đã trao ban chính bản thân mình, người tín hữu được mời gọi bắt chước Chúa, dấn thân phục vụ, để trở nên những cánh tay nối dài của Người giữa trần gian. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự và trao phó cho con người quản lý. Nếu biết phân phối công bằng, thì của cải trên thế giới đủ để nuôi sống tất cả mọi người. Nghèo đói, bất công là con người ích kỷ, chỉ biết chiếm hữu cho mình mà quên tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Sự phân phối bất công của cải vẫn tồn tại, tạo nên tình trạng tội lỗi mang tính xã hội, tình trạng ấy kêu thấu trời xanh và làm cho quá nhiều anh chị em chúng ta không có khả năng đạt được một cuộc sống đầy đủ hơn.” Nghĩa cử quảng đại chia sẻ sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc, vì “Chỉ khi nào biết xả thân cho người khác, chúng ta mới thành công trong đời sống và mới cảm nghiệm được nỗi vui mừng của Thiên Chúa” (Michel Quoist).
Sống ở đời là đang đi trên con đường lữ hành để về quê thật. Để đủ sức tiến bước về phía trước, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể là lương thực thiêng liêng. Thánh Thể chính là “Của ăn đàng”, là nguồn sức mạnh của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu hiện diện trong Hình Bánh, rất khiêm nhường đơn sơ, nhưng âm thầm sâu lắng. Người mời gọi chúng ta đến với Người. Ai đến với Người, chắc chắn sẽ tìm được nghị lực và niềm vui. Người cũng mời gọi chúng ta hãy sống quảng đại với anh em. Ai biết chia sẻ với anh chị em nghèo khó, chắc chắn sẽ được nhận lãnh phần thưởng trong cõi bất diệt.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con tin mạnh mẽ hơn nữa vào sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể. Nhờ niềm tin và niềm vui này, con sẽ hăng hái, nhiệt thành hơn trong việc dấn thân loan báo niềm vui Tin Mừng cho anh chị em.

Lẽ sống:
Xin hãy dùng con như khí cụ bình an!

Ngày 09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng 11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày 09/8/1945, quả bom nguyên tử đầy tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng được trút xuống trên Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần 140,000 người. Và gần đây, hơn hai người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời vì ảnh hưởng của phóng xạ.
Lên tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát biểu như sau: "Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể nhân loại. Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt nhân". Bài diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Cũng trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt nhân...
Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản, cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.
Nhưng hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người... Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn con người. Con người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét