Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết - Lễ nhớ
Một lệnh truyền của một bạo Chúa trong lúc say xưa
chè chén với bọn bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê trong ngày sinh nhật
của mình ( Mc 6, 21 ). Một lời hứa dựa trên cảm tính, hết sức thô bạo và coi thường
luật pháp của mình, Hêrôđê đã
làm một việc hết sức tàn nhẫn, giết chết một vị ngôn
sứ vô tội để thỏa mãn thú tính đê hèn của mình. Cái chết của Gioan Tẩy Giả đã
là một lời cảnh tỉnh tất cả những ai
quyết định thiếu khôn ngoan, thiển cận, ích kỷ, đê
hèn chỉ nghĩ tới mối lợi đê tiện của cá nhân mình mà quên đi việc lớn lao hơn
:” đại nghĩa”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết đi nhưng sự ra đi của Ngài được nâng
cao trên đài danh vọng, danh vọng của những vị ngôn sứ đích thực, những ngôn sứ
dám nói lên sự thật, vì Gioan Tẩy Giả cũng đã chịu cầm tù, đau khổ trong tù ngục,
và chết để làm chứng cho những lời rao giảng của mình.
Gioan Tẩy Giả đã chết đi để bảo vệ cho sự thật, minh
chứng cho Chúa Giêsu:” Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” ( Ga 14, 6 ).
Gioan Tẩy Giả chỉ là vị ngôn sứ dọn đường cho Chúa cứu thế :” Tôi chỉ
là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường cho Chúa đến “ ( Mc 1, 23 ) và khi Đấng
Thiên Sai đến, thánh nhân xác định rõ ràng :” Người phải nổi bật lên, còn thầy
phải lu mờ đi “
Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin cầu bầu cho chúng con
trước ngai toà Chúa để niềm tin của chúng con được nâng cao hầu chúng con luôn
sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa:” làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong
mọi hoàn cảnh của cuộc đời “.
PHÚC ÂM: Mc 6,17-29
"Con muốn đức vua ban ngay cho con
cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". (Mc 6,25)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt
ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của
người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo: "Ngài không được phép lấy
vợ của anh ngài! " 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết
ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người
công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất
phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng
sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân
hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu
vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái:
"Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." 23 Vua lại còn thề: "Con xin
gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con
nên xin gì đây? " Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả." 25 Lập tức
cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho
con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm." 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã
trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức,
vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông
ở trong ngục, 28
bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe
tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Suy niệm:
Sự bất tử của thánh nhân
Những bậc vĩ
nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái tin rằng vị tiên
tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất nhắc về Trời; khi
Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của
Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng ngài đang
sống lại trong con người Chúa Giêsu.
Có lẽ để xóa tan
những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng chi tiết cuộc xử trảm
Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy Giả đã thực
sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc lên trời như
Êlia.
Gioan Tẩy Giả là
nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những
giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta
hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã
hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho
dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống
theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan Tẩy Giả đã
lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa
Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài,
và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi
người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác
tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo,
đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này
luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên
bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa Sai Paris xuất bản tháng 12/1995,
có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:
"Chúng tôi đã
cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng tôi tin
rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi
không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây liên kết với Giáo Hội
mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất khỏi sợi
giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực tiếp với
Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất giữ hài cốt
này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Người mãi
mãi".
Chúng ta cũng
hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng với
thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Thiên
Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Để sống ơn gọi ngôn sứ như
Thánh Gioan Tẩy Giả, người Kitô hữu phải can đảm làm chứng cho sự thật, ngăn chặn
sự xấu, và dám chấp nhận đau khổ vì Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, thật là chua xót nhưng cũng thật hào hùng khi đầu của thánh Gioan nằm
trong tay một vũ nữ. Quyền lực của sự dữ tỏ ra mạnh mẽ, thắng thế, áp đảo. Còn
quyền lực của sự thiện có vẻ mong manh, yếu đuối, bị bóp dẹp trong lòng bàn
tay. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót, và xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng
làm chứng cho Tin Mừng.
Lẽ sống:
Cái chết của một tiên tri
Qua lệnh truyền
của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là
những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà
Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy
một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo
chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào
cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng
của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời
mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả
cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng"
và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm
Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của
tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các
vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn
luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy
Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện
tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính
mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người
được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến. Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để
đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy
Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh
mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét