Thánh Macximilanô Maria Kolbê. LM, tử đạo – Lễ nhớ
PHÚC ÂM: Mt 19,3-12
"Vì lòng chai đá của các ngươi mà
Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".
(Mt 19,8).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức
Giê-su để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ
lý do nào không? " 4 Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này
sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", 5 và Người
đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai
sẽ thành một xương một thịt." 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một
xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân
ly." 7 Họ
thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?
" 8
Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các
ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ
trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại
tình."
10 Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng
mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn."11 Nhưng
Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ
những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi
lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị
người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được
thì hiểu."
Suy niệm:
Vấn đề
ly dị
Vào thời Chúa
Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14,1-4, thì mọi trường
phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về
lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường
phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà
thôi. Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin
Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của
việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho
phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại
tình.
Trong câu trả lời,
Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng
Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng
con người: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly". Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người
nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con
người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo
lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.
Chứng kiến cuộc
đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: "Nếu sự thể việc
vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Trong câu trả
lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể
hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân
trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần
túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu
không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không
hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia
đình. "Ai có thể hiểu được thì hiểu", ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc
tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những
điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc
thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người
cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình
thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.
Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị
cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ
do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương
trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng
hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh
phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp
chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc
đời chúng ta.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Chúa Giêsu khẳng định tính
cách bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân. Chúa cũng mời gọi sống độc thân để phục
vụ Nước Trời. Ngài mời gọi ta hãy sống chứng nhân trong bậc sống mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa chúc phúc cho chúng con, dù sống bậc hôn nhân, hay tu trì
tận hiến. trong ơn gọi mỗi người xin cho chúng con biết ý thức rằng: Yêu thương
là con đường của Chúa. ước gì mọi gia đình chúng con sống hòa hợp để làm phát
sinh những người con ích lợi cho xã hội. cho Nước Trời. Xin cho các bậc tu trì
biết hoàn toàn hiến thân vì hạnh phúc muôn người, để danh Chúa được vinh sáng.
Lẽ sống:
Còn tình nào cao
quý hơn
Vào khoảng cuối
tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định
của những người Ðức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì
10 người khác phải thế mạng.
Duyệt qua khu biệt
giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến
10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể.
Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: "Vợ
tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi". Cha
Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế
chỗ cho anh.
Sau này, Francis
Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại:
Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp
và sâu xa. Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một
mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho
người khác.
Liên tiếp trong
hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp
hối kéo dài quá lâu khiến những người Ðức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau
cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.
Thân xác của cha
đã được hỏa táng và tro tàn đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước
lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: "Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Ðức Trinh Nữ Vô
Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không
còn một mảnh thi hài nào còn sót lại".
Nhà tù nào cũng
có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có
lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần
những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Ðức quốc xã.
Nhà tù có thể là
hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Ðàng: Thiên Ðàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương,
tha thứ, quảng đại. Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy.
Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.
"Không
có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình
yêu".
Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết
của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của
con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến
cùng...
Cái chết hy sinh
vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô.
Ðã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và
hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy
sinh hằng ngày của mình. Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh
Maximiliano Kobel, người đã chết thay cho một người bạn tù. Ðức Thánh Cha Gioan
Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của
thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong
xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống
cho người khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét