Thánh Bernado, viện phụ - Lễ nhớ
Lạy
Chúa, Chúa đã cho thánh viện phụ Bernađô đầy nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, để trở
nên ngọn đèn cháy sáng trong Giáo hội. Nhờ lời Người nguyện giúp cầu thay, xin
cho chúng con cũng được lòng hăng hái như Người, để sống thế nào cho xứng danh
là con cái ánh sáng.
PHÚC ÂM: Mt 22,1-14
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ
rằng: 2 "Nước
Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà
vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc,
nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ:
"Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò
tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! " 5 Nhưng
quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi
buôn,6
còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà
vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy
thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn
sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường,
gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận
xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát
khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi
người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?
" Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục
dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người
ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn
thì ít."
Suy niệm:
Tấm áo
và Tấm lòng
Dụ ngôn tiệc cưới
và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những
tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu
là đạo của Tin Mừng.
Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của
cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin
Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh
được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng
mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ
lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc
được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu
thuế khoản đãi; Ngài
đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không những đồng bàn với những người tội lỗi,
Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người
giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại
Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với
các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường
Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng
ăn cùng uống với các ông.
Bữa ăn là nơi thể
hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ,
hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa
Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến đây,
chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc
vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban,
hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Có người đã tưởng
tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm
cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều
cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa
thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là
thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng
người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê. Ước gì niềm vui
bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường
của chúng ta. Ước
gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui
tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt
được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Mỗi ngày ta dệt thêm một sợi
chỉ vào tấm áo thánh thiện của mình bằng một việc lành nho nhỏ: bớt một lời nói
hành, nói xấu, lượm một cái rác nơi công cộng, điều chỉnh âm thanh để khỏi làm
phiền lòng hàng xóm những lúc họ cần yên tĩnh nghỉ ngơi.v.v.v.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin dạy con biết sống xứng đáng là người được mời gọi vào dự tiệc cưới Nước
Trời đó là biết thực hành niềm tin-cậy-mến. Xin dạy con biết làm chứng cho Nước
Trời bằng việc nhận ra và phụng sự Chúa nơi tha nhân.
Lẽ sống:
Hai vì sao mỉm
cười
Một vị ẩn sĩ nọ
tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống.Từ
trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó
là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn
sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa
lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể
từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa
lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô
bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của
mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước.
Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một
mình.
Họ càng đi, cơn
khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải
quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa
lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã
uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì
sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã
biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn
lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.
Ðể mặc khải cho
chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã
không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi.
Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô.
Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi,
những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt
phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: "Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy
thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng
nhân từ chứ không phải của lễ". Qua thái độ và lời
phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng,
cốt lõi của Ðạo chính là tình thương.
Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân. Nói như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mất mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực".
Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân. Nói như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mất mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét