Thánh Laurenso. Phó tế,
tử đạo – Lễ kính
Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10 tháng 8
năm 258, sau ĐGH Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực hình lửa
thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người nghèo tài
sản của cộng đoàn.
Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến
trong Hội Thánh.
PHÚC ÂM: Ga 12,24-26
"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn
vinh nó".(Ga 12,26)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
24 Thật, Thầy bảo thật anh
em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một
mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống
đời đời. 26
Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.
Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."
Suy niệm:
Hy
sinh vì nước trời
Tin mừng hôm
nay, Chúa Giêsu lại đưa ra cho chúng ta hiểu được quy luật căn bản: “chết để được sống”:
“nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;
còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt”. (Ga 12,24). Theo
nguyên tắc này Chúa Giêsu xác quyết: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng
sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Thầy phó tế Laurensô
đã nhận ra nguyên tắc và hiểu được quy luật ấy nên đã vui vẻ dâng hiến đời
mình, sẵn sàng chết đi vì tình yêu.
ü Yêu Chúa, thánh
nhân đã rời bỏ quê hương Huétcô, nước Tây Ban Nha thân yêu để đến Roma du học.
Tại đây ngài được biết đến là con người nổi danh về tài đức. Nhưng không vì thế
mà ngài tìm cho mình cuộc sống vinh hoa, phú quý. Trái lại, thánh nhân đã dùng
tài đức Chúa ban dấn thân phục vụ Chúa, dưới thời giáo hoàng Xíttô II, trong bối
cảnh đầy hiểm nguy bởi sự cấm cách và bách hại khắt nghiệt của hoàng đế Đêciô.
ü Yêu người, thánh
nhân đã không ngại hy sinh dấn thân trong trách nhiệm phục vụ người nghèo. Với
vai trò là vị phó tế trưởng, quản trị tài sản của Giáo hội, ngài luôn ưu tư lo
cho người nghèo. Ngay trong giờ phút nguy khốn nhất, với cái chết cận kề, ngài
vẫn không quên dùng tất cả tài sản của Giáo hội đem ra phân phát cho người
nghèo. Với ngài tài sản quý giá nhất chính là người nghèo. Nên sau khi phân
phát hết của cải cho người nghèo, ngài đã dẫn họ đến trước mặt viên tổng trấn
Valêrianô và xác nhận cho biết: những người nghèo đứng trước mặt tổng trấn
chính là tài sản của Giáo hội.
Tình yêu chính
là sức mạnh thúc đẩy thánh Laurensô sẵn sàng phục vụ Chúa và tha nhân cho dẫu
phải hy sinh tính mạng. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương”.
Thánh nhân đã vui vẻ dâng hiến vì cảm thấy mình được Chúa yêu thương.
Nên khi bị hỏa thiêu, ngài còn khôi hài nói với hoàng đế: Một bên đã chín rồi
hãy chiên bên kia nữa mà ăn! Sau đó ngài
cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được
lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258 và đã được
Thiên Chúa yêu thương ban thưởng sự sống đời đời vì đã coi thường mạng sống
mình ở đời này.
Sống Lời Chúa:
Mỗi
ngày tôi tự nguyện làm một việc hy sinh, dù nhỏ, để tập sống mầu nhiệm thập giá.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu! Chúng xin cảm tạ Chúa đã đến thế gian, chấp nhận hi sinh thánh giá để
cứu chuộc tội lỗi loài người, gồm tội riêng con. Xin cho con được sẵn sàng chết
đi cho tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu để con được sống lại trong ơn nghĩa với
Chúa.
Lẽ sống:
Tài sản của Giáo
Hội
Hôm nay, Giáo Hội
kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của
Kitô giáo: đó là thánh Laurensô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh
này...
Theo tương truyền,
thì Laurensô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo
Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế
Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện kể lại rằng,
cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Laurensô được giao
phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay
chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau khi Ðức
Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Laurensô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình
mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà
góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho
họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các
chén thánh dùng trong phụng tự...
Hoạt động bác ái
quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo
Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Laurensô đã bị điệu đến để cung khai về
tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời
gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba
ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho
họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố:
"Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".
Viên thị trưởng đã
cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống
Laurensô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để
quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú.
Câu chuyện trên đây
có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai
dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta
vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được
định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.
Sống và chết cho
Ðức Kitô: đó
là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những
sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh
vi.
Có nhiều hình thức
tử đạo khác nhau:
từ cảnh đầu rơi,
máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ
hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.
Sống trọn vẹn ơn
gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết chí trung
thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền
lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai
dẳng.
Quyết chí trung
thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt
quyền lợi:
đó cũng là một cuộc
tử đạo dai dẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét