PHÚC ÂM: Lc 4,16-30
"Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng
cho người nghèo khó... Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương
mình". (Lc 4,18.24)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi
Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày
sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a.
Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu
tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người
giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn
Người.21
Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa
nghe."22
Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông
muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì
chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại
quê ông xem nào! "24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông:
không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông
hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải
đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến
giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền
Xi-đôn.27
Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước
Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ
Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy
phẫn nộ.29
Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người
lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy niệm:
Diệt trừ bản ngã
Một trong những lý do ngăn cản con người tiến
tới trên đường trọn lành là bản ngã: cái tôi ích kỷ trong con người. Hầu như mọi tội lỗi đều
có nguồn gốc từ bản ngã này. Trong khi Đức Kitô cố gắng dạy dỗ các
môn đệ vượt qua khuynh hướng xấu xa này, thì đa số nhân loại ngày nay lại tôn
thờ nó dưới mầu sắc khác nhau: khuynh hướng cá nhân chỉ nhằm đạt lợi ích cho bản thân,
khuynh hướng vật chất chỉ nhằm hưởng thụ vật chất và gạt ra ngoài những giá trị
luân lý, tinh thần. Làm sao con người có thể diệt trừ bản ngã này?
Tin
Mừng hôm nay là lời tiên báo về sự chống đối và bách hại mà Chúa Giêsu sẽ trải
qua. Sau một thời
gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến.
Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của
người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ
quen thuộc: "Không tiên tri nào được đón tiếp nơi quê
hương của mình", đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng
không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Nazaréth nhỏ bé,
mà sẽ là toàn cõi Palestina. Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà của Ngài đã
không đón tiếp Ngài. Cái chết trên Thập giá là tuyệt đỉnh sứ mệnh
tiên tri của Chúa Giêsu, là lời nói cuối cùng của Ngài như một vị tiên tri.
Là
thân thể, là sự nối dài của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng đang tiếp tục sứ mệnh tiên
tri của Ngài trong trần thế, do đó, Giáo Hội không thoát khỏi số phận bị chống đối và bách hại.
Một Giáo Hội
không bị chống đối và bách hại là một Giáo Hội thỏa hiệp, nghĩa là đánh mất vai
trò tiên tri của mình.
Nhờ
phép Rửa, người Kitô hữu cũng được tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất
là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò tiên tri của mình trong xã hội.
Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào trần
thế.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Ước
gì chúng ta luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thời thuận tiện
hay không thuận tiện, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi tiên tri. Tôi cảm tạ Chúa vì
hồng ân biết Tin Mừng của Ngài, và nỗ lực trở thành chứng tá tích cực khi thực
hành những điểm trên đây.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, được thấm nhuần Lời
Chúa, để tất cả trong tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con luôn soi vào Lời
Chúa để sống.
Lẽ sống:
Ốc đảo hòa bình
Cách Giêrusalem
khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với
nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập
thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa
bình".
Năm 1978, khi mới
thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó
lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống
với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất
cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả
Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Người sáng lập
ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi. Cha
ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do
Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại
công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác
tín như sau: "Trong
Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố
gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần
nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo
và vô thần".
Ước vọng của các
phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được
giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu
giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều
có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết
như sau: "Ngay
từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều
đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý
thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác".
Ðể bảo tồn văn
hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở
thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều
chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất
cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong
ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.
Người phụ tá của
cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn
để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi
thái độ rất nhiều".
Cũng như trong
tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức
được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ
đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà
còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa.
Thà đốt
lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Những người dân
cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa
Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một
cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.
Tình yêu là điều có thể có giữa con người.
Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng
nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau. Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một
khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được
một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét