PHÚC ÂM: Mt 18,21;19,1
"Thầy không bảo con phải tha đến bảy
lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy". (Mt18,22)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su
mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải
tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " 22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không
bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện
một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi
nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.
25 Y
không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả
nợ. 26
Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng
hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương,
cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một
người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo:
"Trả nợ cho tao! " 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ:
"Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng
y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy
sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn
chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo:
"Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van
xin ta, 33
thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương
xót ngươi sao? " 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành
hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử
với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh
em mình."
1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy
xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.
Suy niệm:
Bài học
tha thứ
“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với
anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em
mình." (Mt 18,35)
Tin Mừng hôm nay
quả là khó hơn cả vượt sông sâu, leo núi cao hiểm trở. Bởi lẽ, để tha thứ đòi hỏi
ta phải vượt qua biển sâu của tự ái và núi cao của kiêu căng, tự mãn. Khó như vượt
biển đỏ mênh mông, sông Giođan sâu thẳm ấy vậy mà với Thiên Chúa mọi chuyện đều
trở nên dễ dàng như trở bàn tay. Do đó mọi việc đều có thể làm được nếu ta có
lòng tin vững vàng vào Thiên Chúa uy quyền. Chính vì thế Chúa Giêsu mời gọi
chúng ta hãy luôn nghĩ đến tình thương và lòng bao dung tha thứ của Chúa dành
cho ta để nhờ đó ta có thể dễ dàng tha thứ cho nhau.
Nếu chúng ta gặp
khó khăn trong nỗ lực sống lời mời gọi “tha thứ bảy mươi lần bảy” của Đức Giêsu, thì
chính kinh nghiệm đích thân được tha thứ, mà dụ ngôn diễn tả, sẽ mở rộng con
tim của chúng ta để cũng có thể tha thứ cho nhau đến vô hạn. Nếu không, chúng
ta sẽ tự làm cho mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã nhận được hay với ơn
tha thứ mà chúng ta xin Chúa thương ban cho chúng ta mỗi ngày với Kinh Lạy Cha:
“Xin tha nợ chúng
con, như chúng ta con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Sống Lời Chúa:
Lời kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô vẫn còn văng vẳng bên tai:
"... Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ..." Tha thứ là hành động của trái tim, là chìa
khóa dẫn đến sự bình an cho tâm hồn, là điều kiện đòi ta phải có để được đón nhận
ơn tha thứ của Chúa. Trong thực tế chúng ta mắc nợ nhau rất nhiều bởi những va
chạm hằng ngày, chúng ta chỉ có thể trả những món nợ ấy bằng tình thương qua sự
tha thứ cho nhau mà thôi. Có thương thì chúng ta mới dễ dàng tha.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giesu, xin cho chúng con luôn biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa quyền
năng. Nhất là trong những khi gặp nguy khó, chúng con biết chạy đến tìm nương tựa
nơi trái tim đầy yêu thương của Người. Xin cho chúng con cũng có được tấm lòng
bao dung của Chúa để ta biết cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm
đến.
Lẽ sống:
Bức tường ô nhục
Ngày 13/8/1961,
sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc
chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên
Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường
này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng
còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá
Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn
chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây
Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục...
Nhưng dù được gọi dưới
danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa
Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người
mà chính con người đã tạo nên...
Có những bức tường ngăn cách về kinh tế,
chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng cũng
có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách
với người khác.
Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường
của nghi kỵ.
Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người
ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn
ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn...Bức tường vô hình cũng là bức tường của
ích kỷ.
Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì
đang xảy ra cho người khác...
Bức tường đó cũng có thể là bức tường của
sự bất cảm thông.
Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người
xung quanh... Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ
chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát
trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở
trong nhân cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét