PHÚC ÂM: Mt 19,23-30
"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước
Trời". (Mt 19,24)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
23 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của
Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. 24 Thầy
còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào
Nước Thiên Chúa." 25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và
nói: "Thế thì ai có thể được cứu? " 26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông
và nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với
Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được."
27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người:
"Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng
con sẽ được gì? " 28 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh
em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà
vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc
Ít-ra-en. 29
Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh
Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.
30 "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống
hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
Suy niệm:
Chúa có lên án người giầu
không?
"Thầy bảo thật anh em : người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy
còn nói cho anh em biết : Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào
Nước Thiên Chúa" (Mt 19: 23- 24; Mc 10:25)
Chúa đã nói với các môn đệ những lời trên đây
trong hoàn cảnh một thanh niên giầu có đển gặp Chúa nhưng đã buồn rầu bỏ đi vì
không thể nghe theo lời Chúa muốn anh bán hết tài sản của mình để cho người
nghèo vì anh có nhiều của cải. (Mc 10: 17-22) Chính vì anh không thể từ bỏ sang
giầu ở đời này để đổi lấy kho tàng phú quí vĩnh cửu trên Trời, nên Chúa mới nói
thêm với các môn đệ như sau "Những người giầu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết
bao!" (Mc 10:23)
Thật vậy, đời sống
con người bao gồm cả hai mặt tinh thần và thể xác. Do đó, không thể chú trọng về
mặt này mà bỏ quên mặt kia. Không thể chỉ đề cao đời sống tinh thần mà quên
lãng hay lơ là nhu cầu của thân xác, đòi hỏi có cơm ăn, áo mặc nhà ở và phương
tiện di chuyển. (ở Mỹ, người đi rửa chén,
hầu bàn ăn trong các nhà hàng cũng phải có xe hơi để đi làm, không riêng gì những
công tư chức đi làm ở các công sở). Do đó, thỏa mãn những nhu cầu trên là
điều chánh đáng và phù hợp với đạo đức. Nhưng muốn giải quyết thì phải có tiền và những phương tiện vật
chất cần thiết cho một đời sống hợp với nhân phẩm. Do đó, không có gì là sai
trái khi mọi người phải làm việc, hoặc buôn bán để kiếm tiền nuôi sống bản thân
và gia đình. Giáo Hội cũng cần tiền để chi phí cho những nhu cầu thiêng liêng
và mục vụ như phúc âm hóa thế giới, đào tạo chủng sinh, trợ giúp các xứ truyền
giáo, các địa phận nghèo ở Phi Châu và Á Châu v.v.
Như thế, không
ai có thể ngây thơ nói rằng chỉ cần tinh thần chứ không cần tiền hay của cải vật
chất. Sự thật phải nhìn nhận là con người nói chung và Giáo Hội nói riêng đều cần
có tiền và phương tiện vật chất tối thiểu để chi phí và sử dụng cho những nhu cầu
rất cần thiết.
Nhưng có tiền để
chi dùng vào những mục đích chinh đáng thì khác xa với lòng ham mê tiền của hơn
cả những giá trị tinh thần và nhất là hơn cả yêu mến Thiên Chúa là cội nguồn của
mọi phú quý giầu sang vĩnh cửu. Người không có tín ngưỡng thì tiền bạc, của cải vật chất và
danh vọng trở thành mục đích tôn thờ, yêu mến của họ . Người tín hữu Chúa Kitô,
ngược lại, phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, và chỉ coi tiền bạc, của cải
vật chất kể cả danh vọng như phương tiện tốt để sống hữu ích cho bản thân và
làm việc bác ái mà thôi. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã chúc phúc
cho "những
ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ." (Mt 5:3).
Có tâm hồn nghèo
khó thì không làm nô lệ cho tiền của, cho sự giầu sang chóng qua ở trần gian
này, đến nỗi quên mất hay coi thường kho tàng trên Trời "nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp
không đào ngạch mà lấy đi được." (Mt 6: 20; Lc 12: 33).
Không phải chỉ
người tín hữu giáo dân cần có tâm hồn nghèo khó, mà cách riêng, các giáo sĩ và
tu sĩ phải là những người nêu gương sáng trước tiên về tinh thần khó nghèo của
Phúc Âm để không còn thi nhau ra nước ngoài tìm tiền hết đợt này đến đợt khác,
làm phiền rất nhiều cho giáo dân ở Mỹ, ÚC, Canada v.v. Cụ thể, tại sao Giám mục
hay Bề Trên các Nhà Dòng, Tu Hội không ở nhà lo dạy dỗ, đào luyện,và thăm viếng
những xứ hay cộng đoàn nghèo mà cứ bỏ đi một năm mấy lần ra nước ngoài làm gì ?
xin tiền? Nhưng mang nhiều tiền về làm gì ? để giúp người nghèo, giúp các nhà
Dòng thiếu cả nước mắm cho các nữ tu dùng bữa hàng ngày, hay để sửa sang nhà ở
cho thêm sang trọng, tiện nghi hơn để sống thoải mái cho cá nhân mình trong khi
bao nhiêu giáo dân và giáo sĩ thuộc quyền coi sóc vẫn đang thiếu thốn về nhiều
mặt ??? Đây là một
thực trạng đáng buồn mà vì lương tâm và lòng yêu mến Giáo Hội phải bất đắc dĩ
nói thêm một lần nữa chứ không hề có ác ý đả phá ai để làm gì. Ai có tai thì
nghe.
Trở lại vấn đề
nghèo khó nội tâm, người có nhiều tiền bạc và của cải vật chất vẫn có thể sống
nghèo khó vì không tôn thờ hay làm nô lệ cho tiền bạc. Trái lại, chỉ dùng tiền
bạc và của cải vật chất làm phượng tiện sống hữu ích cho mình và thực thi bác
ái với anh chị em kém may mắn cụ thể là chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó
thực sự về vật chất như không đủ cơm ăn, áo mặc và vô gia cư. Sử dụng tiền của
vào những mục đích này chắc chắn là điều đẹp lòng Chúa và mưu ích thiêng liêng
cho những ai giầu có mà biết khôn ngoan dùng tiền của để mua lấy "Kho tàng Nước
Trời" như Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên giầu có trong
Tin Mừng Marcô (Mc
10: 21).
Để chỉ rõ mối
nguy hại của sự giầu có mà thiếu bác ái, Phúc Âm thánh Luca kể dụ ngôn về người
giầu có bị phạt xuống hỏa ngục trong khi người nghèo La-da-rô được vào Thiên
Đàng bên Tổ Phụ Abraham (Lc 16: 19-26). Người giầu bị phạt không phải vì tội
giầu có, phú quý khi còn sống mà bị phạt vì không có lòng bác ái, không chút
thương người nghèo La-da-rô hằng ngày ngồi ăn xin trước cửa nhà mình mà không
được bố thí cho chút của ăn dư thừa.
Cụ thể hơn nữa
là Dụ ngôn ngày Phán xét chung trong Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa nói với những
người ở bên trái như sau:
"Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho
khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và sác sứ thần của
nó. Vì xưa Ta đói, các người đã không cho ăn; Ta khát các người đã không cho uống.Ta
trần truồng các người đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù,các ngươi đã chẳng
thăm nom." (Mt 25: 41-43 )
Như thế rõ ràng
cho thấy, về một phương diện, Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi những người khèo
khó, đói rách, bệnh hoạn và tù đầy. Và Người mong đợi những ai giầu có, sẵn
phương tiện vật chất hãy mở lòng bác ái thương giúp những anh chị em xấu số,
đang sống kiếp nghèo hèn trong mọi xã hội chuộng vật chất, ích kỷ, vô luân và
phi nhân bản ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.
Chúa đến trần
gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội, nhưng Người không tiêu diệt hết
tội, bệnh tật, tai ương và nghèo đói trong trần gian này. Những thực tại này
còn tồn tại đó để cho con người phải chiến đấu chống lại tội lỗi mà lập công,
cũng như có dịp tốt để thi hành bác ái đối với những người nghèo khó, đau yếu bệnh
tật, hoặc gặp những tai biến như động đất, sống thần (Tsunami) bão lụt, hỏa hoạn...
Những người bị
Chúa quở phạt trên đây là những kẻ, khi còn sống, có phương tiện vật chất dồi
dào nhưng đã không biết chia sẻ, thương giúp những người nghèo khó. Cho nên sự
giầu có đã trở thành trở ngại cho họ được vào Nước Trời để hưởng vinh phúc giầu
sang bất diệt với Chúa
Điều nguy hại lớn
nhất của lòng ham mê tiền của và sang giầu ở đời này là khiến con người trở nên
ích kỷ, lạnh cảm (numb) trước sự đau khổ vì nghèo đói của biết bao đồng loại ở
khắp mọi nơi trên thế giới, và tệ hại hơn nữa là bóc lột người khác cách tàn nhẫn
để làm giầu cho mình. Ham mê tiền của cũng dẫn đưa con người đến chỗ phản bội,
quên tình quên nghĩa với người khác kể cả ân nhân của mình. Đó là trường hợp của
Giuđa It-ca-ri-ôt, một trong 12 môn đệ của Chúa Giêsu đã bán Thầy lấy 30 đồng bạc
và thất vọng đi treo cổ tự tử sau đó. (Mt 27: 5)
Như vậy, ham mê
của cải, tiền bạc ở trần gian này là mối nguy hại và là trở ngại lớn nhất cho
những ai muốn tìm sự sang giàu trên Nước Trời.
Và chính vì mối
nguy hại đó mà Chúa phải cảnh giác chúng ta chớ nên ham mê tiền của ở đời này đến
nỗi không còn mong muốn tìm kiếm sự sang giầu đích thực của Nước Trời, nơi trộm
cắp không thể lấy được. Nói khác đi, chỉ những ai giầu có mà không biết dùng của cải vào việc mưu
ích cho phần rỗi của mình và giúp ích cho người khác thì mới đáng bị chê trách
mà thôi. Ngược lai, nếu biết dùng tiền của như phương tiện hữu ích để thực thi
đức ái thì chắc chắn không có gì phải phiền trách.
Tóm lại, Chúa
không lên án những người giầu có chỉ vì họ giầu có mà vì có những người giầu
làm nô lệ cho tiền của đến nỗi tôn thờ nó thay vì chỉ phải tôn thờ Chúa trên hết
mọi sự, như Chúa đã dạy các môn đệ xưa : "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền
của được" (Mt 6: 24).
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn : danchuausa
Sống Lời Chúa:
Chúa nói “Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),
Nếu như chúng ta ra sức tìm kiếm kho tàng nơi của cải vật chất, thì trái tim của
chúng ta sẽ bị kìm chặt nói thế giới vật chất này. Thói ham mê của cải vật chất
sẽ bóp nghẹt sức sống của hạt giống nước trời đã được gieo vào lòng chúng ta. Của
cải vật chất sẽ làm chúng ta khép lại với chính mình, đóng cánh cửa tâm hồn và
không có chỗ cho Chúa làm việc trong lòng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan của Lời Chúa để biết dùng
tiền của và phương tiện vật chất hầu làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi
linh hồn chúng con.
Lẽ sống:
Ngài là sự bình an của chúng ta
Năm 1899, cuộc
xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến
tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng
giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần
thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu
gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang
Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội
của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua
trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc,
một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình,
quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành
một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là "Ðức Kitô của dãy núi
Andes". Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh
tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm
thánh giá.
Chính phủ
Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước.
Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến
xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi,
chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng
bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến
thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã
long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô". Trên mặt khác của chân
tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: "Chính Ngài là
sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một".
Giải thưởng
Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của
Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô
nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối
cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng
thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự
"đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của
bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở. Người La Mã ngày
xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào
gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của
bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự
có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức
tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét