PHÚC ÂM: Mc 1,29-39
“Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật”. (Mc 1,34)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức
Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng
đi theo. 30
Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói
cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt
dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta
đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức
Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không
cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người
đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi
tìm. 37
Khi gặp Người, các ông thưa : "Mọi người đang tìm Thầy đấy !" 38 Người
bảo các ông : "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để
Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." 39 Rồi
Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Suy niệm:
Sống
tinh thần liên đới
Chúng ta đã nghe
đây đó lời của một bài hát, trong đó có đoạn: “Sống trong cuộc sống, cần có một
tấm lòng”. Thật vậy, trong một xã hội ngày càng giàu có, tiện nghi sang trọng,
nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; điện, đường, trường, trạm được mọi người quan
tâm... Tuy nhiên, về tinh thần liên đới, trách nhiệm, đạo đức... thì e rằng
đang xuống cấp hơn bao giờ hết! Những chuyện vô lương tâm, tàn nhẫn, bất trung
diễn ra nhan nhản đến mức báo động! Lại có những chuyện tưởng chừng chỉ trong
tiểu thuyết, thì giờ đây nó lại xảy ra như cơm bữa trong đời sống hằng ngày...!
Hôm nay, bài Tin
Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon. Mẹ vợ ông Simon được
Đức Giêsu biết đến là nhờ vào sự liên đới của mọi người, họ kể cho Ngài nghe về
bệnh tình của bà.
Phải chăng Đức
Giêsu cần sự thông báo của người ta? hay Ngài buộc họ phải nói thì Ngài mới ra
tay cứu giúp? Không! Tuy nhiên, cứ theo cảm tính tự nhiên, thì việc quan tâm
này rất cần thiết vì nó thể hiện sự yêu thương, liên đới tới nhau.
Sứ điệp Lời Chúa hôn nay mời gọi mỗi chúng
ta hãy sống tinh thần yêu thương, liên đới, để cho ý Chúa được thể hiện trong
cuộc sống thường ngày của mình, và để cho mọi người nhận ra chúng ta là con cái
của Chúa khi mỗi người sống bác ái, xây dựng tình huynh đệ trong cuộc sống thường
ngày.
Sống Lời Chúa:
Noi
gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như
Ngài đang hiện diện. Muốn thế cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên
Chúa. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu
và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha
mình".
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ không vui khi chúng con sống mà chỉ biết mình.
Nhưng Chúa sẽ vui biết bao khi chúng con sống liên đới với tha nhân, nhất là biết
giúp đỡ những người khổ đau, nghèo đói. Xin Chúa ban cho chúng con trái tim của
Chúa để chúng con yêu với tình yêu không phân biệt.
Lẽ sống:
Tiếng chó sủa
Những người có chức vụ và quyền hành trong bất
cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.
Có một nhà lãnh
đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất
công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một
hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không
biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:
"Tôi đã học
được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một nhà
láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa
một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ.
Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ
trừ có người chủ của nó. Oâng không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một
người điếc.
Tất cả bí quyết
của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi
sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng".
Kiên nhẫn chịu đựng
thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó
là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh
hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.
Thiên Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là
nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất
của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng
trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa
chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ
ra kiên nhẫn đối với con người.
Toàn bộ Cựu Ước là một quyển
ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại
cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng
Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua
Saolô. Tân Ước
lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương
nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với
các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc
lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu,
Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của căm hờn, oán
trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét