Phúc Âm : Ga 2,1-11
“Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại
Cana miền Galile”. (Ga 2,11)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na
miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được
mời tham dự. 3
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi."
4 Đức
Giê-su đáp : "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến."
5 Thân
mẫu Người nói với gia nhân : "Người bảo gì, các anh cứ việc làm
theo."
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc
thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc
một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ : "Các anh đổ đầy nước
vào chum đi !" Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ : "Bây
giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9 Khi
người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra,
còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và
nói : "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu
xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." 11 Đức
Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang
của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Suy
niệm:
Họ hết rượu rồi
Chúa
mến chuộng dân Người. Không những Người sinh xuống thế làm người để ở với chúng
ta, Người còn chia sẻ với chúng ta trong mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống
hằng ngày. Đó là niềm an ủi và hi vọng của chúng ta. Như hôm nay, Người và Mẹ
Người cùng đến dự tiệc cưới.
Tiệc
cưới Cana hết rượu phải đối mặt với thất bại và bất hạnh. Nhìn vào tình hình thế
giới đầu năm nay ta thấy không khác gì một đám cưới hết rượu. Ta cũng đang đối
mặt với thất bại và bất hạnh. Không dám nói với Chúa vì tình hình tồi tệ này là
hậu quả của việc ta đã không vâng nghe Lời Chúa, không thực hành Lời Chúa. Ta
chỉ còn biết nhờ Đức Mẹ đệ đạt lên Chúa tình trạng thiếu thốn của ta, giống như
Người đã đệ đạt nỗi thiếu thốn của đám cưới Cana.
Thưa
Mẹ, chúng con đã hết rượu. Thế giới hôm nay đã hết rượu tự do dân chủ. Chúng
con chỉ còn thứ nước lã nhạt phèo những lời hứa hẹn suông. Thế giới hôm nay đã
cạn hết rượu tài nguyên phong phú. Trái đất chỉ còn là thứ nước lã khô cằn. Rừng
cây bị đốn ngả nghiêng. Khoáng sản bị khai thác đến tận cùng. Cả đến bầu khí
quyển cũng bị thương tổn nặng nề. Thế giới đã hết rượu hoà bình. Chiến tranh nối
tiếp chiến tranh. Chiến tranh nóng dẫn đến chiến tranh lạnh, mở sang chiến
tranh khủng bố và miên man với chiến tranh kinh tế. Thương trường trở thành chiến
trường khốc liệt. Thiên hạ đã quá chén uống cạn nguồn tài chính nên thế giới
hôm nay phải đối mặt với đói nghèo.
Đất
nước chúng con đang thiếu rượu. Những người cầm quyền đã uống quá chén quyền lực
nên tự do dân chủ chỉ còn là nước lã hứa hẹn nhạt thếch. Những nhóm lợi ích quá
chén tham lam nên đa phần dân chúng phải uống thứ nước lã nghèo khổ, túng thiếu.
Xã hội chẳng còn một giọt rượu đạo đức, chỉ còn thứ nước lã giả dối, cá nhân,
ích kỷ và hưởng thụ.
Cả
đời sống tu trì của chúng con cũng đang thiếu rượu trầm trọng. Chúng con không
tích trữ đủ rượu lý tưởng nên vào đời tu, thay vì tìm Chúa, chúng con lại biến
Chúa thành phương tiện để tìm những thứ khác. Chúng con thiếu rượu yêu mến nên
cuộc sống tu trì trở nên bế tắc, giờ kinh giờ lễ trở nên gánh nặng thay vì niềm
vui. Thiếu thứ rượu quên mình vì Chúa nên chúng con quên Chúa vì mình. Đã cạn
rượu tu đức nên thay vì vào tu viện để tìm quên mình nhưng không biết từ lúc
nào chúng con chỉ biết đòi hỏi. Rượu bác ái huynh đệ chưa đủ dùng mà chúng con
lại quá chén nên thay vì xây dựng chúng con lại tàn phá cộng đoàn, thay vì nâng
đỡ anh em, chúng con lại xét nét bắt bẻ nhau, thay vì quan tâm để giúp nhau
thăng tiến, chúng con lại lườm nguýt chành choẹ nhau. Đi tu để thuộc trọn vẹn về
Chúa, nhưng hình như chúng con đang thuộc về thế gian. Đi tu để chiến đấu với
Ác thần nhưng hình như chúng con đang tùng phục nó. Chúng con đã hết rượu xin Mẹ
cầu khẩn Chúa cho chúng con.
Chắc
chắn Đức Mẹ sẽ nói với Chúa. Nhưng Đức Mẹ vẫn quay lại dặn dò chúng ta: “Người
bảo gì, các con cứ việc làm theo”. Sau cùng, Đức Mẹ đưa ta trở lại cốt lõi của
vấn đề, đó là trở về với Chúa, phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa ta mới giải
quyết được bế tắc của thế giới, của xã hội, của cộng đoàn và của chính bản thân
ta.
Hãy
xem Chúa bảo ta làm gì. Thật lạ lùng, Chúa bảo các gia nhân múc nước đổ đầy các
chum đựng nước rửa chân tay. Sao thế nhỉ?
Múc
nước là công việc tầm thường nhất. Qua đó, Chúa muốn bảo chúng ta đừng lo toan
những chuyện đội đá vá trời, hãy làm những việc tầm thường nhất, những việc ai
cũng chê bỏ, những việc bổn phận hằng ngày. Rượu là bữa tiệc lớn. Nước lã là
công việc tầm thường hằng ngày đến chán ngấy. Thế nhưng Chúa bảo chúng ta muốn
có rượu ngon ngày lễ trọng, hãy làm những công việc tầm thường, nhàm chán hằng
ngày, những việc âm thầm chẳng ai biết đến.
Múc
nước là công việc vô ích nhất. Vì tiệc đã gần tàn, người ta đã rửa chân rửa tay
từ khi mới vào. Chúa muốn ta làm những việc xem ra vô ích vì Chúa chỉ muốn một
điều là ta vâng lời. Vâng lời trọng hơn của lễ. Ý Chúa mới là quan trọng. Công
việc chỉ là ta thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Chính thánh ý đem lại niềm vui và
hạnh phúc.
Múc
nước là việc phục vụ khiêm nhường nhất. Dùng để rửa chân tay cho khách. Chúa muốn
chúng ta biết quan tâm đến người khác trong những điều nhỏ nhặt nhất. Trong
bài Sách Thánh, Thánh Gioan buộc ta phải cầu nguyện cho người anh em lầm lỗi:
“Nếu ai biết anh
em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ
ban sự sống cho người anh em ấy”. Như thế, chúng ta không chỉ xin rượu
cho bản thân mà còn phải xin rượu cho nhau nữa. Và Thánh Gioan khích lệ ta cầu
xin, hãy “mạnh dạn cầu xin vì Chúa sẽ nhậm lời khi ta xin điều hợp ý Chúa”.
Múc
nước là việc làm không thể thiếu trong bữa tiệc. Nước rửa chẳng có giá trị gì
nhưng lại không thể thiếu. Những việc tầm thường ta làm không đáng kể, nhưng
góp phần xây dựng cộng đoàn và xây dựng chính bản thân mình khi ta làm vì Chúa,
vì anh em. Khi ta làm mọi việc tầm thường theo ý Chúa, Chúa sẽ làm cho những tầm
thường, nhạt nhẽo trở thành thứ rượu ngon cho thế giới, cho cộng đoàn và cho bản
thân ta.
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con xin đến cùng Đức Maria, Mẹ là Đấng cầu bầu
có thần thế trước tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng con đến với Chúa
Giêsu. Nghe lời của Thân Mẫu Chúa nói với các gia nhân: "Người bảo gì, các
anh cứ việc làm theo." (Ga 2,5). Lạy Chúa, Chúa đã biến nước thành rượu
ngon, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.
Lẽ sống:
Cứ
để yên như thế
Trong
một tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Aâm thứ 5", một tác giả người
Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời
kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta
cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ.
Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế
thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh
Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.
Con
người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới
đi rảo khắp nơi để thu tập vật tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô
mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm
thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..
Với
tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất.
Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô
mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh
các tông đồ mới cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để
hoàn thành ngôi Nhà Thờ".
Chúa
Giêsu mới trả lời: "Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi
ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây
tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng
lên".
Có hai sự kiện xem ra
tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu
giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong
khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia
tăng.
Có thể có hai quan niệm
sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống
Công Bình và Bác Aùi, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì
có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích
biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến
nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác Aí.
Kỳ thực, giữ đạo trong
nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn
nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống Công
Bình và Bác Ái mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng
là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt
sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có
chợ đời để gặp gỡ Chúa. Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi
Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ
trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.
"Hãy trở nên những
viên đá sống động". Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những
viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để
xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa
qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền
Thờ gỗ đá mới sống động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét