PHÚC ÂM: Mc 2,13-17
“Tôi không đền để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội
lỗi”. (Mc 2,17)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn
thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người
thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : "Anh hãy
theo tôi !" Ông đứng dậy đi theo Người.
15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều
người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ : con số họ
đông và họ đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn
uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người :
"Sao ! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi !" 17 Nghe
thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi."
Suy niệm:
Kêu gọi
người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi được
coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì
ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong
bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ
Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân
chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do
thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện
tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại
quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có
trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn
cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại
những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền
thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng
nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không
phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi.
Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các
Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại
ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những
lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh
không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi
người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời
Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức,
thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu
thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc
khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so
sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc,
và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không
có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ
việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng
lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ
tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều
kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài. Hãy để ơn Chúa
tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết
lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn
Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng
cứng lòng nữa".
Sống Lời Chúa
· “Lời
Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu
chỗ phân cách thần trí với linh hồn, khớp xương với tuỷ sống.”
· “Không
có loài thọ tạo nào có thể ẩn giấu trước Lời Chúa; nhưng tất cả đều trần trụi
và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.”
· Lời
Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Tâm tình thuộc về phần
cảm xúc của con người; trong khi tư tưởng thuộc về phần trí tuệ của con người.
·
Lời
Chúa có sức để làm những chuyện không thể đối với con người.
·
Lời
Chúa có khả năng thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện.
Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời
Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua thời gian bỏ ra, cố gắng khắc phục khó
khăn, và thực thi Lời Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con ơn nhận ra tình yêu Chúa và bước
theo Ngài. Bước theo Chúa nghĩa là chúng con cần phải đổi mới đời mình để đường
lối của Chúa cũng sẽ là đường con bước đi. Xin cho con luôn bước đi với Ngài
trong yêu thương, phục vụ và trong sự tín thác trọn vẹn.
Lẽ sống:
Giấc mơ của Mẹ
Têrêxa Calcutta
Mẹ Têrêxa
Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập
viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã
kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:
"Trong những
ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại
ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình
diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại
không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể để cho một người
thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ".
Tôi mới tức giận
nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên
Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho
con vào Thiên Ðàng".
Tội nghiệp thánh
Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài
được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời
trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của
những người cùng khổ.
Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta
như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên
Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng
trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như
sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai
nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng".
Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa
chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa
tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác
làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng
làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên
Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại
cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời
này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố
gắng làm cho người khác được hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét