Phúc Âm : Lc 1,1-4 ; 4,14-21
“Hôm nay ừng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa
nghe”. (Lc 1,21)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có
nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa
chúng ta. 2
Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục
vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi
mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4 mong
ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức
Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15 Người
giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi
Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày
sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a.
Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng
cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được
tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công
bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho
người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú
nhìn Người. 21
Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa
nghe."
Suy
niệm:
Đấng được xức dầu đang hiện diện giữa chúng ta
Đức Kitô, Đấng xức dầu
của Thiên Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta hôm nay. Người hiện diện qua
Giáo Hội và qua mỗi người tín hữu, để liên kết chúng ta thành một thân thể.
Vẫn
trong khuôn khổ những tuần đầu của mùa Thường niên, Phụng vụ tiếp tục giới thiệu
với chúng ta thời điểm Chúa Giêsu khởi đầu cuộc đời công khai. Trong bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu được trình bày như Đấng được xức dầu được Thánh Kinh tiên
báo và muôn dân mong đợi. Lời giảng dạy của Chúa làm cho tiếng tăm của Người
đòn ra khắp vùng, và được người ta tôn vinh. Thánh Luca đã thuật lại một lần về
thăm quê hương Nagiarét của Chúa. Hôm đó là ngày sa-bát, Người vào hội đường để
đọc Sách Thánh. Sau khi đọc lời Ngôn sứ Isaia, Chúa tuyên bố, trước sự ngỡ của
bà con đồng hương: "Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa
nghe". Khi khẳng định những lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm, Đức Giêsu
cũng khẳng định với những người đồng hương Người là Đấng Thiên Sai, là Đấng được
xức dầu muôn dân mong đợi. Người được Chúa Cha sai đến trần gian để đem cho con
người ơn cứu độ. Những người đồng hương rất ngỡ ngàng kinh ngạc, bởi lẽ, đối với
họ, Đức Giêsu chỉ là con bác thợ mộc. Nguồn gốc và xuất xứ của Người, họ đã biết
rõ và không có chi đặc biệt. Nếu chúng ta đọc tiếp những gì Thánh Luca kể,
chúng ta sẽ thấy cuộc về thăm quê của Chúa Giêsu có một kết thúc buồn: họ tranh
luận với Chúa và định tìm cách xô người xuống vực.
Phản
ứng của những người đồng hương Nagiarét cũng là phản ứng của một số người Do
Thái, nhất là những người biệt phái và luật sĩ. Họ mong đợi Đấng Thiên Sai,
nhưng khi Người đến thì họ không muốn tin và đón nhận Người. Sau này, chúng ta
còn thấy phản ứng của dân chúng trong những tranh luận với Chúa Giêsu về xuất xứ
của Người. Họ cũng muốn có một Đấng Thiên Sai tuân giữ những tập tục của họ và
chiều theo ý họ, chứ không phải một vị ngôn sứ dám lên án thói giả hình và nặng
về hình thức bên ngoài. Chính vì vậy, nhưng lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã gặp
phải phản ứng gay gắt. Chính sự ghen tương của các kỳ mục Do Thái đã dẫn đến
cái chết của Chúa chết trên thập giá.
Bài
đọc I tường thuật việc thày tư tế Ét-ra đọc sách Luật. Sau sắc chỉ của Ky-rô,
vua Ba Tư vào năm 538 trước Công nguyên, Ét-ra thuộc nhóm người đầu tiên trở về
từ đất lưu đày Babilon để khôi phục Đền thờ Giêrusalem và quê hương xứ sở. Đoạn
sách được đọc hôm nay kể lại việc ông đọc sách Luật trước công chúng, nhắc cho
người dân nhớ lại điều Chúa đã dạy. Dân chúng ăn năn khóc lóc vì tội lỗi đã phạm,
đồng thời nhận ra cuộc lưu đày khốn khổ chính là hậu quả của tội bất trung. Khi
lồng ghép bài Tin Mừng với bài đọc I, Phụng vụ muốn giới thiệu với chúng ta, Đức
Giêsu chính là vị ngôn sứ đến để công bố thời của ân sủng, thời của ơn cứu độ,
giống như tư tế Ét-ra công bố thời lưu đày đã mãn, dân trở về cố hương, Đền thờ
Giêrusalem cùng với truyền thống tế tự đã được khôi phục.
"Hôm
nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Đức Kitô, Đấng xức dầu của
Thiên Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta hôm nay. Người hiện diện qua Giáo Hội
và qua mỗi người tín hữu, để liên kết chúng ta thành một thân thể. Thánh Phaolô
(Bài đọc II) đã dùng hình ảnh một thân thể có nhiều chi thể liên kết với nhau để
so sánh với cộng đoàn tín hữu. Chúa Giêsu là Đầu, Chúa Thánh Thần là Đấng nối kết
và làm cho thân thể Giáo Hội luôn sinh động hài hoà. Vì là thân thể của Đức
Kitô, nên Giáo Hội cũng có sứ mạng của Người. Đó là sứ mạng được sai đi để đến
với người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, đem ánh sáng cho người
mù, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, như nội dung lời Sách Thánh Chúa Giêsu
đã đọc trong hội đường. Hai ngàn năm qua, Giáo Hội ý thức được sứ mạng cao cả
này, nên đã chọn người nghèo khổ bất hạnh làm cơ nghiệp. Chúng ta đang được mời
gọi tiếp nối sứ mạng của Đấng Cứu thế, để phục vụ con người và đem cho họ niềm
vui của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Chủ chăn tối cao của Giáo Hội đã
chọn phục vụ người nghèo như định hướng mục vụ căn bản cho Giáo Hội. Năm Thánh
Lòng Thương Xót là một điểm nhấn quan trọng để Giáo Hội thực thi giáo huấn của
Chúa Giêsu và trở nên hiện thân của Người giữa trần gian.
Mỗi tín hữu cần ý thức
mình đều được xức dầu và được sai vào lòng thế giới. Trong truyền thống Cựu ước,
dầu tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc, lòng bao dung thân thiện. Dầu cũng là
dấu chỉ cho phúc lành dồi dào của Thiên Chúa. Nghi thức xức dầu được cử hành
cho các ngôn sứ, tư tế và vua. Nhờ được xức dầu, người Kitô hữu trở nên những
hình ảnh sống động của Đức Kitô giữa trần gian. Qua các tín hữu, Người vẫn hiện
diện để rao giảng, đem niềm vui và quy tụ mọi người làm thành một thân thể duy
nhất và một gia đình của Thiên Chúa.
+ Gm Giuse Vũ Văn
Thiên
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho
các nước nghèo. Xin cho chúng con cũng biết xóa nợ cho nhau, không chỉ xóa nợ
tiền bạc mà còn xóa đi những bất bình, nghi kỵ, thành kiến, hiểu lầm nhau…, để
mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn.
Xin cho chúng con luôn là những sứ giả đi loan báo và chứng tá cho tình yêu cứu
độ của Chúa.
Lẽ sống:
Hãy
triệt hạ thập giá
Gibert
Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm
họa của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: "Bầu trời và Thập
Giá". Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu
sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc.
Khi
máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông
nhà thờ chánh tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô
Giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: "Tôi cũng biết có một
người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ
mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập
giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng
tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Ông nói rằng thập giá là một biểu
trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
Ngày
nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp
chuông nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với
thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức
nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy
nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá.
Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng
có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tát cả những
cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy
với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành
phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu
chụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương
trong dòng sông bên cạnh nhà. Câu kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị
tu sĩ là: "Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày
phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này". Với cái chết của Ðức
Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của
Tình yêu trên hận
thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp
đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ tình
yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ một
con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.
Ngày nay, con người vẫn
còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp chuông
nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình
Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người. Xúc phạm đến con người cách này hay cách
khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét