PHÚC ÂM: Mc 6,45-52
“Người thấy các ông vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng
canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.” (Mc 6,48)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Macco.
45 Lập tức, Đức Giê-su bắt
các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong
lúc Người giải tán đám đông. 46 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.
47
Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất.
48 Người
thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy,
Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. 49 Nhưng
khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50 Quả
thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo
các ông : "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !" 51 Người
lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52 vì
các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều : lòng trí các ông còn ngu
muội !
Suy niệm:
Lạy Thầy, xin cứu con
Khi
thấy ai gặp nhiều gian nan khốn khó, người ta nói: “Đời anh sóng gió nhiều quá”
hay nói: “anh phong trần quá” - phong là gió, trần là cát bụi. Thực ra, cuộc đời
con người ở trần gian, không nhiều thì ít, ai cũng gặp sóng gió bão táp. Những
cơn lốc của thiên tai gây sập nhà nát cửa như lụt lội, hạn hán, giông tố, động
đất...
Những
cơn lốc của hận thù, tham lam bất công, bóc lột đàn áp con người còn gây ra những
tai họa như chiến tranh, khủng bố ma túy, cờ bạc, đàng điếm, sida...
Những
cơn lốc của chính mình, của lười biếng, kiêu căng, mù quáng, bệnh tật, cố chấp
gây ra cho mình bao nhiêu thảm họa. Đến nỗi Napôlêon đã thắng hàng vạn quân địch,
nhưng lại bị thua chính mình: Ông đã thua tính kiêu căng và tính mê đắm giai
nhân.
Lời
Chúa hôm nay nêu rõ ba nguyên nhân đã làm cho con người phải điêu đứng.
Nguyên nhân thứ nhất là thiên nhiên như sóng gió, lụt
lội, động đất, các môn đệ hầu hết là dân chài lưới, thế mà giữa biển khơi sóng
gió đã làm các ông hoảng hồn đến nỗi thấy bóng Thầy đi trên mặt biển, các ông
đã la hét sợ hãi tưởng thủy quái.
Nguyên nhân thứ hai là người khác: Người khác đây
là dân tộc Do thái. Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được thấy vinh quang
Chúa, được ban tặng Lời Chúa là chính Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người là
Đức Giêsu Kitô cùng huyết thống nòi giống với họ, là anh em, là đồng bào của họ
(Bài II) thế mà họ không đón Người, không đón nhận vinh quang Thiên Chúa. Điều
đó làm Phaolô vô cùng đau khổ, đau khổ đến nỗi Phaolô dù phải gian truân, khốn
khổ, đói rách, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo không thể tách Phaolô ra khỏi tình
yêu Đức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ Phaolô sẵn sàng chịu nguyền rủa, xa lìa Đức
Kitô để cho anh em đồng bào ông trở về với Đức Kitô (Rm. 8, 35 và 9, 1-5).
Êlia
cũng chịu đau khổ như thế vì đồng bào ông. Ông đã phải liều mạng đến kéo họ về
với Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi gông cùm tà thần, dù một mình phải thách thức
với cả ngàn sư sãi thờ thần Baal của hoàng hậu và nhà vua. Dù thắng cuộc và sư
sãi thần Baal bị tiêu diệt, ông vẫn phải trốn thoát tay hung tàn của hoàng hậu
lùng bắt (Bài I).
Nguyên nhân thứ ba là chính mình gây nên khốn khó cho mình. Phêrô được Chúa
cho đi trên mặt biển đến với Ngài, khi đang được hưởng ơn lạ như thế;ông lại
hoài nghi, đâm lo sợ, thế là ông bị biển cả nhận chìm ông. May mắn ông đã vội
vã kêu lên: Lạy Thầy, xin cứu con.
“Lạy Thầy, xin cứu con”. Chính con nhiều lần cũng bị nhận chìm
trong biển trần gian do nhiều hoàn cảnh éo le của cuộc đời và do chính con đã
gây ra...
Lời
cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin cứu con” phải là
lời cầu nguyện liên tục của con hàng ngày, từng giây từng phút trong đời con.
Xin cho con biết luôn luôn kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con” vì từng giây từng phút
không có Thầy cứu giúp, không có ơn Thầy gìn giữ, không có ơn Thầy soi sáng,
không có ơn Thầy cứu độ, chắc chắn con bị nhận chìm dưới đáy vực thẳm tội lỗi,
dưới đáy địa ngục tử thần. “Lạy Thầy, xin cứu
con”.
Sống Lời Chúa:
Đức Giêsu đi trên mặt biển,
kéo Phêrô lên khỏi mặt nước, và dẹp yên sóng gió là để bày tỏ quyền năng của
Thiên Chúa trên biển cả, bão tố, tượng trưng cho thế lực của sự dữ. Đồng thời,
để củng cố niềm tin của các môn đệ, nhất là Phêrô, để sau này Người sẽ trao cho
ông làm thủ lãnh con thuyền Giáo hội. Con thuyền ấy không phải lúc nào cũng
bình yên nhưng có lúc cũng phải vật lộn với phong ba bão táp, “bị sóng đánh vì
ngược gió”, các môn đệ là những cột trụ Giáo hội cũng hốt hoảng, sợ hãi, nhưng
có Đức Giêsu bên cạnh để trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tìm đến Chúa trong mọi hoàn cảnh, và trong từng
giây phút của cuộc đời để những tối tăm, sóng gió không nhận chìm chúng con nhưng
luôn an tâm vì có Chúa luôn hiện diện và nâng đỡ.
Lẽ sống:
Vị Vua thứ tư
Hôm nay lễ Ba
Vua. Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch
thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu
sau ba vị vua khác. Triều bái Hài Nhi Giêsu nhưng mặt ông tiu nghỉu bởi vì ông
không còn gì để dâng tặng Ngài.
Trước khi lên đường,
ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế những dọc đường gặp
bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ
già rét run vì lạnh.
Ðộng lòng trắc ẩn,
ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một
toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương
lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông
gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi
làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho
người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác.
Tìm được Hài Nhi
Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành
trình của mình.
Nghe xong câu
chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông.
Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những
nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người
cần giúp đỡ.
Mùa Giáng Sinh
là mùa của những bất ngờ. Bất ngờ của một Thiên Chúa hóa thân làm người. Bất ngờ
của một thiên Chúa giáng hạ trong hang súc vật. Bất ngờ sự việc những người
nghèo hèn nhất trong xã hội đã nhận ra Tin Mừng. Bất ngờ của những người dân
ngoại tìm đến triều bái Vua các vua.
Nhưng điều khiến con người sẽ không bao giờ
ngờ đến: đó là Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người ấy lại tự đồng hóa với mỗi một
con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong
xã hội. Ngài đã nói: tất cả những gì các người làm cho một trong những kẻ bé mọn
nhất là các người làm cho chính Ta. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp
gỡ được Ngài qua tha nhân. Tất cả những gì người ta làm cho tha nhân là làm cho chính
Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho
tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét